111 - Số hotline cực kì dễ nhớ nhưng tại sao chúng ta lại dễ quên?
Bạo hành trẻ em không còn là một câu chuyện mới mẻ, dù vậy, giữa những lời kêu gọi ngưng bạo lực và xâm hại trẻ em thì tội ác ấy vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Mới đây, bé gái 3 tuổi bị người tình của mẹ ghim 9 đinh vào đầu đã không qua khỏi sau gần 3 tháng điều trị hồi sức tích cực. Phép màu đã không xảy ra vì bé đã tổn thương não quá nặng, không thể phục hồi.
Sự ra đi của bé Đ.N.A. đã như một hồi chuông cảnh tĩnh cho tất cả những ai đang làm người lớn: Bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ và trách nhiệm không của riêng ai. Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc ngăn chặn bạo hành trẻ em!
Nội dung liên quan
Những con số "đáng sợ"!
Bạo hành trẻ em được hiểu là sự ngược đãi về thể xác, tinh thần, tình dục hay bằng lời nói đối với các em nhỏ, những người chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Theo Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Còn số liệu của Bộ Công an nghiên cứu trên 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ.
Tại tọa đàm bảo vệ trẻ em vào 21/1 đầu năm nay, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết trung bình mỗi năm, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) tiếp nhận hơn 400.000 cuộc gọi khác nhau.
Song năm 2021 số cuộc gọi tăng lên trong bối cảnh đại dịch bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài. Trung bình một phút có một cuộc gọi tới. Hàng nghìn cuộc cung cấp thông tin liên quan đến xâm hại, bạo lực được nhân viên tổng đài thông báo đến cơ quan chức năng, cùng can thiệp, hỗ trợ.
Sau mỗi vụ bạo hành, xâm hại rúng động cả nước, số cuộc gọi tới tổng đài tăng lên. Thống kê các cuộc gọi tới tổng đài năm 2021, khoảng 35% từ người dân báo tin trẻ em bị xâm hại, khoảng 44,7% cuộc gọi từ chính trẻ em hoăc người chăm sóc trẻ.
Tuy nhiên, thà là còn nhận được những cuộc gọi để biết và cứu lấy trẻ em, còn hơn là một sự im lặng đến khi không còn can thiệp được nữa!
Hãy nhớ số 111 là Tổng đài Quốc gia về Bảo vệ trẻ em!
Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em - ông Đặng Hoa Nam từng kêu gọi người dân "Hãy lên tiếng từ khi nghi ngờ hành vi bạo lực đầu tiên như tiếng kêu, tiếng khóc" và gọi ngay 113 hoặc 111. Các cuộc gọi cung cấp thông tin được giữ kín, người dân không sợ bị trả thù. Nghị định mới có hiệu lực từ đầu năm nay còn quy định người dân biết không báo tin còn có thể bị xử phạt.
Đồng thời, tại buổi làm việc với Cục trẻ em, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung từng đưa ra kiến nghị, những thông tin về Tổng đài Quốc gia chăm sóc trẻ em số 111 cần phải đưa vào nhà trường, cần bàn với Bộ Giáo dục và Đào tạo dể thông tin in lên bìa sách giáo khoa hoặc đồ chơi trẻ em.
Nội dung liên quan
Chia sẻ với , bạn Khang Huy (sinh viên năm 3 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM) cho biết: "Mình dù là một người trẻ, tiếp cận nhiều nền tri thức trong học tập và cuộc sống, tuy nhiên mình lại hoàn toàn mù tịt thông tin về hotline 111 - số tổng đài bảo vệ Quốc gia trẻ em. Cho đến khi vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành đến chết nổ ra, dư luận bắt đầu tuyền tay nhau về số 111 thì mình mới biết đến con số này".
Huy cho biết thêm, con số này cực kì dễ nhớ, nhưng vì từ nhỏ bản thân cậu bạn không được "tiêm vào đầu" một cách chi tiết như những con số 113, 114, 115 từng được dạy.
Chính vì thế, công tác giáo dục trẻ em từ nhỏ, để nhận biết rằng con số hotline 111 quan trọng ra sao cũng là một trong những giải pháp tối ưu nhất để chúng ta có thể ngăn chặn bạo hành và trẻ em cũng có thể tự bảo vệ chính mình khỏi những sự vụ xâm hại.
Nguồn: TH&PL