Họ có thể đối tốt với bất kỳ một mối quan hệ khác, sống đạo lý trên mạng xã hội nhưng về nhà lại sử dụng trẻ em là công cụ thỏa mãn cảm xúc tiêu cực.
Trong khi sự việc của bé V.A bị bạo hành nặng nề về thể chất đến mức tử vong vẫn chưa được xoa dịu sự bức xúc trong dư luận, thì mới đây lại có thêm vụ bé gái ở Hà Nội trong trạng thái nguy kịch với nhiều dị vật trong đầu. Liên tục những vụ án bạo hành xuất hiện tại nước ta trong suốt thời gian qua, và nạn nhân lại chính là những đứa trẻ đáng thương sau những cuộc hôn nhân không trọn vẹn.
Đáng nói hơn hết ở đó còn có sự chứng kiến ít nhiều từ những người được xem là bố mẹ ruột của các em mà chẳng có bất kỳ sự can thiệp hay cầu cứu nào từ người xung quanh, thậm chí còn tiếp tay cho tội ác. Tuy nhiên, một nghịch lý được diễn ra tại đây là những đối tượng bạo hành trong những sự việc vừa qua được đánh giá là có tri thức, ngoan ngoãn, cũng như "biểu hiện" bản thân là một con người vốn dĩ hiền lành.
Nguyên nhân chính của những hành vi bạo lực
Trong một nghiên cứu tỷ lệ trẻ em bị bạo hành và bỏ rơi (Sedlak & Broadhurst, 1996), cho thấy con cái của các bậc bố mẹ đơn thân, đặc biệt là những trẻ không có mối liên hệ, có nguy cơ cao hơn. Điều này không có nghĩa là tất cả các bậc bố mẹ đơn thân đều tham gia vào hành vi bạo hành, đơn giản là chúng xảy ra trong các hộ gia đình một bố mẹ với tỷ lệ cao gấp đôi so với các hộ đầy đủ.
Sự cô lập về mặt xã hội, thiếu nguồn lực của người chăm sóc và mức hỗ trợ tinh thần làm tăng mức độ căng thẳng và gánh nặng nuôi dạy trong các hộ gia đình. Các bậc bố mẹ đơn thân có thể thiếu hình mẫu phù hợp từ quá khứ của họ và thường không có kỹ năng để đưa ra các lựa chọn kỷ luật đúng đắn.
Bên cạnh đó còn là sự xuất hiện của một bên khác vốn dĩ ngoài mối quan hệ gia đình của một đứa trẻ, con người vốn dĩ vẫn tồn tại bên trong bản tính ích kỷ, nhất là khi bắt đầu một cuộc hôn nhân mà trước đó người vợ hoặc chồng đã có một người con riêng. Họ sẽ không ngần ngại dùng những thái độ tiêu cực từ cuộc sống để trút những cơn giận lên một đứa trẻ.
Nội dung liên quan
Sống "đạo lý" với đời nhưng ích kỷ với trẻ con
Một điểm chung trong những vụ bạo hành gây rúng động dư luận thời gian qua là các đối tượng thường có những phát ngôn đạo lý trên mạng xã hội, cũng như được nhiều người đánh giá là hiền lành. Tuy nhiên, những biểu hiện về cách ứng xử bên ngoài cũng chỉ mang tính chất tương đối, họ đối tốt với những mối quan hệ xung quanh mình nhưng vẫn có thể ra tay tàn độc với một đứa trẻ.
Những đối tượng thường xem thường giá trị của một đứa trẻ khi cho rằng chúng chưa hiểu chuyện và sẽ im lặng trước những hành vi tàn nhẫn của người lớn. Giống như việc có một cơn giận thì hành vi đập phá một đồ vật có thể giúp kiềm chế và thỏa mãn được cảm xúc bản thân, tuy nhiên ở đây mỗi đứa trẻ là một tính mạng hoàn toàn không thể dùng hành động như vậy áp dụng lên chúng.
Bên cạnh đó, điều này không đến từ sự mất kiểm soát của con người mà có được sự chủ động trong hành vi, rõ ràng có thể thấy những tổn thương mà đứa trẻ đó trải qua thường được diễn ra trong một thời gian dài. Cảm xúc nhất thời chỉ mang tính bộc phát, chứ không thật sự liên tục được diễn ra như trong các sự việc bạo hành trẻ em trên.
Những đối tượng thường xây dựng cho mình một "vỏ bọc" hoàn hảo đến mức khó tin ngoài xã hội, cũng chẳng ai nghĩ rằng họ có thể ra tay nhẫn tâm với một đứa trẻ yếu ớt. Nhưng điều đó đã thật sự xảy ra, và chắc chắn vẫn còn có sự tiếp diễn khi giá trị của những đứa trẻ trong xã hội vẫn chưa được xem trọng và tư tưởng độc hại về việc bạo hành với họ là sự thoải mái vẫn tồn tại.
Mỗi "người lớn" cũng cần chấn chỉnh cảm xúc bản thân
Một số đối tượng thường cho rằng trẻ em không thể chống cự được, nhất là khi chúng không thật sự có mối liên kết quá mật thiết với họ nên tâm lý về sự đàn áp và ức hiếp càng được đẩy lên cao. Nguyên nhân chính ở đây chính là sự phát sinh của những tư tưởng lệch lạc bên trong suy nghĩ của con người về việc đứa trẻ con riêng chính là nguồn cơn cho mọi sự vướng bận và cần triệt tiêu.
Sau những vụ án gây xôn xao dư luận trên thì mỗi cá nhân cũng cần điều chỉnh lại hành vi của bản thân, nhất là xem xét lại vấn đề sử dụng đòn roi trong cách dạy con cái. Chúng có thể vô tình trở thành một "vòng lặp bạo lực" trong hành vi con người, khiến đứa trẻ bị méo mó về mặt nhân cách, phát sinh những khuynh hướng bạo lực và việc sử dụng nắm đấm để giải quyết mọi vấn đề.
Đôi khi chỉ vì những cảm xúc của bản thân bên ngoài, chúng ta có thể sẽ đối xử không tốt với một đứa trẻ, điều này cần sự kiềm chế và bình tĩnh hơn từ người lớn. Hãy nhớ rằng, trẻ em là vô tội trong tất cả những sự việc, chúng có thể sai trong những thời điểm nào đó nhưng không đồng nghĩa với việc người lớn có quyền dựa vào đó làm cớ để bao biện cho vô số hành vi tội ác của bản thân.
Pháp luật cũng cần nâng cao những phương hướng để có thể bảo vệ trẻ em, cũng như xử lý nghiêm minh những hành vi tội ác để mỗi một đứa trẻ trong xã hội đều có một môi trường an toàn để sống và phát triển.
Đừng nên biến những tiếng khóc than, lời cầu cứu của một đứa trẻ là bình thường, biết đâu sự lên tiếng dù nhỏ của chúng ta có thể cứu được một cuộc đời trước bờ vực bị hủy hoại.
Nguồn: TH&PL