Liên tục những sự việc đau lòng xảy ra về bạo hành trẻ em như một hồi chung cảnh báo về nghĩa vụ của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng con cái.
Dư luận những dịp cuối năm không ngừng bàng hoàng trước thông tin về những đứa trẻ vô tội bị bạo hành về thể xác một cách đau đớn, thậm chí là dẫn đến tử vong. Điều nhiều người không khỏi bất bình là kẻ gây ra tội ác lại là các thành viên trong gia đình, những người mà được các em xem như người thân và càng không ai nghĩ sẽ có hành động như vậy lên một đứa trẻ.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của những người bố mẹ ruột trong các sự việc, phải chăng sự thờ ơ và vô trách nhiệm đã vô tình dẫn đến những câu chuyện đau lòng?
Quyết định của người lớn nhưng cần nghĩ đến trẻ em
Ngày nay, việc kết hôn hay ly hôn được đánh giá là khá dễ dàng so với giai đoạn trước khi quyền tự do của con người cũng được ưu tiên hơn. Tuy nhiên, chính điều này đã khiến nhiều người quên mất một số giá trị cốt lõi của cuộc sống, kể cả việc sinh ra bản tính ích kỷ và chỉ biết nghĩ cho quyền lợi của chính mình.
Một mặt khác trong những vấn đề trên vẫn thuộc về những sự lựa chọn của con người, chúng cho thấy được sự tự do và đảm bảo chất lượng sống khi cả hai đã không có sự hòa hợp nhất định. Song đó, khi đứng trước những quyết định này cần có sự tính toán và suy nghĩ kỹ càng, nhất là với các cặp đôi đã có cho nhau những đứa trẻ.
Không riêng gì vấn đề ly hôn, kể cả là đi thêm một bước nữa, thì trong mọi vấn đề cuộc sống của người lớn thì vẫn cần nghĩ đến những đứa trẻ nhiều hơn, hãy thấu hiểu cho những cảm giác và nỗi lòng của chúng. Hơn hết vẫn cần đảm bảo được trách nhiệm phải có đối với sự phát triển và trưởng thành của một đứa trẻ, ngay cả khi đưa ra quyết định sinh con ta cũng cần suy nghĩ đến vấn đề này để không ngừng dành những sự tôn trọng nhất định cho con cái.
Cũng đừng vì lý do cuộc sống hôn nhân có vấn đề, những cuộc cãi vã nhỏ trong cuộc sống vợ chồng mà vội vàng đưa ra quyền định sẽ chấm dứt mọi thứ, đôi khi sự tự do mà chúng ta vẫn thường nghĩ chỉ là sự ích kỷ trong tư tưởng của bản thân. Tình cảm vốn không cố định, nên rất cần sự cố gắng từ cả hai trong mọi khía cạnh của cuộc sống, từ việc giải quyết những tranh cãi đến cùng nhau phấn đấu vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các con.
Nội dung liên quan
Bảo vệ quyền lợi của trẻ là trách nhiệm của cha mẹ
Sau ly hôn, khi đã tìm được đối tượng mà bản thân mong muốn được kết hôn hoàn toàn là một điều rất bình thường bởi vốn dĩ ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc cho chính mình. Nhưng cần đảm bảo được việc ta có đủ bản lĩnh để bảo vệ bản thân mình, cùng những đứa con khi bước vào một mối quan hệ vốn vẫn còn nhiều định kiến không hay từ dư luận.
Tất nhiên không phải cha dượng hay mẹ kế nào cũng xấu, trong nhiều trường hợp họ vẫn mang đến cuộc sống tốt đẹp và bù đắp được tình cảm còn thiếu sót cho những đứa trẻ sau một cuộc hôn nhân tan vỡ. Mặc dù vậy thì vẫn tồn tại nhiều sự việc đau lòng từ suy nghĩ ích kỷ của người lớn, mối quan hệ này hoàn toàn không xấu, chỉ có một số kẻ thủ ác đang khiến chúng trở nên méo mó.
Quay lại những sự việc đau lòng thời gian qua, điều dư luận bất bình chính là việc những đứa trẻ bị bạo hành dưới sự chứng kiến của chính bố mẹ ruột của mình và hoàn toàn im lặng. Đây cũng chính là một tội ác hơn cả việc bạo hành một đứa trẻ, đó là những tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần khi chính những người thân của mình lại không chịu đứng ra bảo vệ khỏi hành vi tội ác.
Nâng cao giáo dục con nhỏ trong việc bảo vệ bản thân
Nhiều lúc ta không thể chủ động được cuộc sống, đôi khi buộc phải sống xa một đứa trẻ vì một lý do nào đó, có thể đây là một điều đáng tiếc nhưng cần ta chấp nhận. Vì vậy, đứng trước vấn đề này thì người lớn cũng nên giáo dục con mình cách tự lập và biết đứng lên bảo vệ bản thân mình khi bị xâm phạm quyền lợi, không nên cứ mãi bao bọc chúng mà nên trao cho các em cơ hội được va chạm với cuộc sống để trưởng thành hơn.
Chúng ta cũng nên nhìn nhận thực tế rằng bản thân không thể mãi bên cạnh con cái của mình, nên cần làm sao để khi bản thân không thể có mặt trong cuộc sống của con thì chúng vẫn có thể sống tốt. Hãy dạy chúng cách nói lên tiếng nói của mình và không nên lựa chọn giải pháp im lặng khi những quyền lợi của bản thân bị xâm phạm.
Mỗi cha mẹ cũng cần lắng nghe, quan tâm và chia sẻ với các con nhiều hơn, để nhanh chóng nắm bắt được những sự thay đổi trong tâm lý, cũng như phát hiện ra những dấu hiệu bất thường. Từ đó, có thể kịp thời bảo vệ con mình trước những hành vi tội ác, hay đơn giản hiểu con để truyền đạt những kinh nghiệm sống mà bản thân có được.
Trong bất kể hoàn cảnh nào thì im lặng vẫn luôn là sự tối kỵ, bởi lẽ sẽ không ai biết chúng ta đang đối mặt với điều gì và có cần giúp đỡ hay không, đôi khi chỉ là một lời nhắc nhở hay quan tâm nhỏ trong cuộc sống cũng có thể cứu sống một cuộc đời. Đừng vì sự ích kỷ của bản thân, kể cả là sự thiếu quan tâm đến trẻ mà vô tình khiến những sự việc đau lòng liên tiếp xảy ra.
Nguồn: TH&PL