Có rất nhiều lý do để những người trẻ hiện nay chọn triệt sản và không sinh con.
Trong những ngày gần đây, mạng xã hội bàn tán xôn xao về vấn đề ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ lựa chọn triệt sản chứ không chỉ đơn giản là trì hoãn việc sinh con. Và Rachel Diamond nổi lên như một "ví dụ điển hình" trong hành động dứt khoát và đòi hỏi sự dũng cảm này.
Trên TikTok của một diễn viên đầy tham vọng, người ta tìm thấy những đoạn video ngắn hài hước về công việc của Rachel Diamond, làm việc tại một quán cà phê gần Quảng trường Union, và cập nhật về chú chó pitbull tên Rue bị bệnh thiếu máu đã được cô cứu.
Xen lẫn vào đó là những đoạn clip "tán dương" cuộc sống không có con của cô. Họ có các video với tiêu đề như: "Nỗ lực triệt sản #3" và "Không sinh con: Chúng tôi biết mình đang thiếu điều gì".
Nội dung liên quan
Rachel Diamond và "tấm gương" trong câu chuyện triệt sản
Đã 6 tháng kể từ khi cô cắt ống dẫn trứng - chứ không phải thắt - và cô ấy đã có 64.000 người theo dõi. Diamond vui vẻ nói: "Bạn biết đấy… Tôi chưa bao giờ mong đợi sẽ trở thành một 'tấm gương hoàn hảo' của việc triệt sản".
Lớn lên ở gần Hershey, Penn., Diamond từng luôn cho rằng cô sẽ có một gia đình của riêng mình. Sau đó, cô theo học đại học tại Trường Đại học Arcadia. Sự ý thức về chính trị, vượt ra ngoài sự bảo thủ vốn có và hướng tới chủ nghĩa tiến bộ; và một nhà trị liệu mà cô đã tìm thấy trên mạng vài tháng sau khi tốt nghiệp, đã khiến cô nhận ra rằng việc bị đánh đòn khi còn nhỏ là một sự tổn thương sâu sắc và điều đó khiến cô sợ hãi những người có "thẩm quyền" như cha mình. Cô đã quyết định rằng cô sẽ không bao giờ trở thành một người như vậy.
Cô nói: "Nhìn lại ngày xưa, tôi chưa bao giờ giả vờ rằng búp bê American Girl là con của mình, chúng luôn là chị em đối với tôi. Có những điều nhỏ bé thể hiện rằng tôi đã không chuẩn bị cho việc làm mẹ. Tôi nghĩ đối với tôi, đó cũng là một đặc trưng bẩm sinh như thể nói rằng: Tôi luôn muốn trở thành một người mẹ"
Diamond dường như không phải là một ngoại lệ!
Người Mỹ đang ngày càng sinh ít con hơn kể từ khi quốc gia này theo dõi dữ liệu từ những năm 1930. Và một số phụ nữ, như Diamond, không chỉ trì hoãn việc sinh con mà còn loại bỏ hoàn toàn khả năng mang thai.
Năm ngoái, số ca tử vong đã vượt quá số ca sinh ở 25 tiểu bang - tăng so với năm năm trước. Tỷ lệ kết hôn cũng ở mức thấp nhất mọi thời đại, chỉ có 6,5 cuộc hôn nhân trên 1.000 người. Gen M (những người có năm sinh từ khoảng năm 1981 đến năm 1995) là thế hệ đầu tiên mà người chưa lập gia đình chiếm đa số (khoảng 56%). Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, họ cũng có nhiều khả năng sống với cha mẹ ruột của mình hơn so với các thế hệ trước ở độ tuổi hai mươi và ba mươi.
Họ cũng không quan hệ tình dục. Số nam thanh niên (từ 18 đến 30 tuổi) thừa nhận họ không quan hệ tình dục trong năm qua đã tăng gấp ba lần so với từ năm 2008 đến năm 2018. Các thành phố như New York, nơi người Mỹ "đổ xô" đến để xây dựng cuộc sống... không có trẻ con. Ở San Francisco, số lượng chó ở nơi này còn nhiều hơn trẻ em.
Con người chúng ta đã từng muốn sinh con, cả nam giới nhưng đặc biệt là phụ nữ. Đó là vị trí mặc định của một người trẻ khỏe mạnh, một thiên chức và sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc vào điều ấy. Tất nhiên, chúng ta cũng muốn làm những việc khác và thách thức lớn nhất thời hậu nữ quyền là làm thế nào để có được tất cả - sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sự nghiệp và con cái, một người chồng luôn hỗ trợ mình và một cuộc sống phiêu lưu.
Nhưng bây giờ, với một số lượng người không muốn có con ngày càng tăng thì câu hỏi đặt ra không phải là làm thế nào để có được tất cả, mà là: Tại sao lại làm điều đó?
Theo một cuộc thăm dò mới, 39% Gen Z Mỹ do dự trong việc sinh sản vì lo sợ về ngày tận thế do biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu đại diện trên toàn Hoa Kỳ với đối tượng người trưởng thành ở Michigan cho thấy hơn một phần tư trong số họ lựa chọn không sinh con. Và nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu Gia đình (IFS) cho thấy mong muốn có con ở người trưởng thành đã giảm 17% kể từ khi đại dịch bùng phát.
Lý do khiến ngày càng nhiều người lựa chọn không sinh con?
#1 Cho rằng con cái sẽ phải sống cuộc sống không mấy tốt đẹp
Thông điệp từ nhóm người trẻ này rất rõ ràng: Cuộc sống đã đủ mệt mỏi rồi. Và thế giới cũng tồn tại đầy những tan vỡ và bùng cháy. Liệu ai sẽ muốn mang một sự sống mới và vô tội đến một xã hội bất bình đẳng, đầy rẫy tội phạm trên một hành tinh có mực nước biển ngày càng dâng cao một cách thảm khốc chứ?
Isabel, 28 tuổi, một người tự xưng là theo chủ nghĩa phản sinh, sống ở Tây nam Texas nói rằng: "Tôi nghĩ, việc đưa một đứa trẻ đến thế giới này là hành động sai trái về mặt đạo đức. Cho dù mọi người có vui vẻ chào đón chúng như nào thì rồi chúng vẫn sẽ phải chịu đựng những khó khăn trong cuộc sống này".
Luật phá thai mới có tính hạn chế cao của Texas đã khiến cô ấy phải hành động sớm hơn: "Tôi đã định đợi đến khi tôi ba mươi tuổi, tôi sẽ hoàn thành thủ tục. Nhưng với Dự luật nhịp đập trái tim (Heartbeat Bill), tôi không thể mạo hiểm mang thai và không thể phá thai".
Vào tháng 9, cô đã được chấp thuận cho cuộc phẫu thuật nội soi cắt ống dẫn trứng hai bên. Nhiều bác sĩ phẫu thuật sẽ không triệt sản những phụ nữ trẻ, phụ nữ không có con vì các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ hối hận cao, vì vậy có thể sẽ mất thời gian để "thuyết phục" một người. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch ba đường: hai vết gần bụng và một vết ngay trên rốn rồi thực hiện cắt bỏ ống dẫn trứng.
#2 Từng bị cha mẹ làm tổn thương
Isabel, người hy vọng sẽ nghỉ hưu ở tuổi 50 hoặc sớm hơn, chia sẻ rằng: "Tôi không muốn một cuộc sống chỉ có làm việc". Darlene Nickell, 31 tuổi, ở Denver, Colo., đã cắt bỏ ống dẫn trứng cách đây 8 tháng. Cô ấy nói rằng: "Thế hệ của tôi nhận thức rất rõ về cách mà cha mẹ làm tổn thương chúng tôi. Mẹ tôi hút rất nhiều cần sa và làm việc riêng của bà, còn bố tôi thì đi xa làm việc rất nhiều".
Cô nói rằng cuộc hôn nhân của cha mẹ cô đã cải thiện sau khi cô trưởng thành và rời khỏi gia đình. Lần đầu tiên cô có kế hoạch triệt sản là vào năm cô 21 tuổi và bác sĩ đã nói rằng cô cần có giấy đồng ý của chồng hoặc đã có hai đứa con. Trong khi đó, một người bạn nam giới từ thời trung học của cô đã thắt ống dẫn tinh thành công vào một năm trước đó.
Những người trẻ không có con tìm thấy nhau trên mạng xã hội, chủ yếu là trên Reddit. Trên mạng xã hội này tồn tại nhiều chủ đề như "không con", "chủ nghĩa phản sinh" hay "người trung lập" - "Tôi không có ý kiến gì về vấn đề con cái". Bạn cũng có thể tìm thấy các bác sĩ sẽ triệt sản cho bạn và hướng dẫn bạn với nhiều mẹo và các câu hỏi thường gặp như "Liệu bạn có thể tin tưởng một người bạn trai trung lập, người mà không muốn thắt ống dẫn tinh không?".
#3 Nỗi sợ con cái bị phân biệt chủng tộc
Cameron, 33 tuổi, người bạn trai mà Rachel Diamond đang sống chung, nói rằng: "Tôi đã yêu cầu thắt ống dẫn tinh ở tuổi 24 và 26". Cameron đã hy vọng rằng sẽ có biện pháp tránh thai nào đó dành cho nam giới. Một loại thuốc tiêm có tên là Vasalgel đã bị mắc kẹt trong các cuộc thử nghiệm suốt nhiều năm, trước khi Rachel được triệt sản. Cô nói: "Chúng tôi đã cố gắng trong một thời gian dài".
Và lý do để Diamond và Gilkes lựa chọn điều đó là do nỗi nợ phân biệt chủng tộc. Diamond là người da trắng, Gilkes là người da đen. Và họ nói rằng họ lo lắng không biết cuộc sống của một đứa trẻ lai hai chủng tộc ở nước Mỹ sẽ như thế nào những ngày này. Diamond nói: "Tôi sẽ không thể nói rằng 'Mẹ hiểu' nếu chúng đi học về và bị bắt nạt vì màu tóc hoặc màu da của chúng".
Gilkes nói: "Từng có một cô gái chia tay tôi vì cô ấy không muốn đối mặt với sự phân biệt chủng tộc khi hẹn hò với một người da đen và nói rằng nếu chúng tôi có con, cô ấy sẽ không biết cách xử lý mái tóc của người con gái da đen".
Tôi hỏi họ rằng có bao giờ họ nghĩ về sự kế thừa mang tính cá nhân của chính họ hay không thì Rachel nói: "Những câu chuyện về kế thừa khiến tôi bật cười. Nó giống như kiểu 'Bạn nghĩ bạn là ai?' vậy. Bạn muốn con mình trở thành một người khai sáng? Điều đó sẽ khiến chúng trở thành một thực dân, một người đi khai hoang mà thôi".
#4 Để sống tự do và hạnh phúc theo cách riêng
Sophia - một sinh viên truyền thông 19 tuổi đến học tại một ngôi trường nhỏ ở British Columbia - vừa được bác sĩ ở Canada đồng ý cho phép triệt sản. Cô cho rằng uống thuốc hoặc sử dụng một biện pháp tránh thai không vĩnh viễn khác giống như việc trì hoãn đưa ra quyết định mà thôi, vì cô ấy mãi mãi không muốn có con.
"Tôi sẽ làm điều này một lần, nghỉ ngơi trong vài ngày và không bao giờ nghĩ về nó nữa". Tuy không nhớ khoảnh khắc đã khiến cô vĩnh viễn không được làm mẹ, nhưng cô chưa bao giờ thực sự thích ở bên những đứa trẻ khác khi còn nhỏ và cô ghét trông trẻ khi cô lớn hơn.
Chelsea, một bạn trẻ 25 tuổi ở Sacramento, nói với tôi rằng trẻ con "là một điều kinh khủng" với cô ấy. Cô ấy đang cân nhắc những rủi ro khi bị tác động bởi dao kéo, như nhiễm trùng hoặc tâm trạng thất thường do gây mê, nhưng cô cũng nói rằng hối tiếc không phải là một trong số đó. Một người sử dụng Reddit viết rằng "Có gì để hối tiếc chứ?", "Tôi sẽ rất hạnh phúc và tự do mà?".
Ngoài ra, còn nhiều lý do để ngày càng nhiều người không muốn có con, chẳng hạn như nỗi sợ mang thai, sợ việc có "uy quyền" với con, sợ tiền sản giật (một chứng rối loạn thai nghén có thể dẫn đến kết quả không mong muốn cho mẹ và bé), nỗi sợ trầm cảm sau sinh, v.v..
Con người chính là vấn đề và sai lầm?
Theo Clay Routledge, một nhà tâm lý học hiện sinh tại Đại học Tiểu bang North Dakota, người đã nghiên cứu thái độ của những người trẻ tuổi đối với tương lai, có một tư tưởng mà ngày càng xuất hiện ở nhiều người trẻ ở độ tuổi hai mươi là: Con người chính là vấn đề. Chúng ta không chỉ xây dựng các nhà máy, làm ô nhiễm các đại dương và tung hàng tấn rác thải vào không gian.
Mà có cả những vấn đề về chúng ta - về tâm lý của chúng ta, hệ thống nhiễm sắc thể của chúng ta - khiến chúng ta không thể làm cho mọi thứ trở nên tốt hơn.
Routledge nói: "Họ đang nói rằng tương lai không phải là một khoản đầu tư tốt. Và nếu không có tương lai, tại sao họ lại không theo chủ nghĩa khoái lạc chứa? Tại sao lại phải quyên góp cho các tổ chức từ thiện? Tại sao lại phải cố gắng làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn hoặc quan tâm đến sự tiến bộ của con người?".
Ông nói thêm rằng thế hệ này có cảm giác "con người là một sai lầm". Sophie Lewis, một học giả về nữ quyền người Anh, gọi thể chế gia đình là "quy mô nhỏ của những con nợ" và cho rằng về cơ bản, nó "tệ hại". Lewis từng mô tả việc mang thai trong một cuốn sách của cô là "một điều gì đó phải đấu tranh và chiến đấu".
Cô ấy mơ về một thế giới hậu phụ huynh, một thế giới trong đó quan niệm cũ về gia đình được thay thế bằng "một tập thể không phân biệt tầng lớp dựa trên cơ sở mọi người đều có thể nhận được sự chăm sóc tốt nhất".
Nguồn: TH&PL