"Mỗi đứa đều có một cái tên riêng, tính cách khác nhau và có với mình kỷ niệm khó phai".
Những cuộc gọi lúc nửa đêm, khắp con đường, góc phố của Sài Gòn đều đã được Uyên Như (sn 1991, trưởng trạm Sài Gòn Time) cùng chồng mình là Quốc Khánh (sn 1990) dành cả tuổi trẻ của mình để cứu lại sự sống của những chú chó, cô mèo sắp "ngừng thở".
Từng hủy hôn cách đây 7 năm vì đàn chó trở bệnh nặng, chị và chồng mình đã quyết định lấy hết tiền dành dụm cho sự kiện trọng đại để cứu lấy những đứa con của mình.
"Anh Khánh đã lên tiếng trước, đề nghị lấy tiền tiết kiệm làm đám cưới và bỏ đám tiệc để chữa trị cho những chú chó. Nếu không thì cả đàn sẽ chết hết. Tổng số tiền lúc đó lên tới 100 triệu đồng", Như chia sẻ.
Trong kế hoạch đám cưới, Như và Khánh đã may cho từng bé chó cái những chiếc áo đầm, chó đực là áo vest. Riêng chó cưng được may 2 cái áo đầm để làm phụ dâu nhưng đành lỡ hẹn. Mọi thứ đã hoãn lại để đến tháng 4 vừa qua, sau 12 năm đồng hành cùng nhau cả hai đã về chung một nhà, cùng chăm sóc và cứu hộ hơn 350 chú chó mèo, đặc biệt là trong mùa dịch vừa qua.
"Đằng sau vết sẹo 38 mũi khâu là sự hồi sinh của Chan và những chú chó mèo"
Thực sự nếu mà làm ở đây mà không bị cào, không bị cắn thì là chuyện lạ. Mình quen với việc có những vết sẹo trên mặt, không còn hoảng sợ hay buồn như ngày trước nữa. Trên mặt mình nhiều vết chó mèo cào, mình ngủ với rất là nhiều bé chó mèo, chúng ngủ cùng mình, các bé thương mình quá nên cũng vuốt vuốt mặt mình vậy đó.
Vết thương sâu nhất của mình từng trải qua là do mình ẵm bé Chan lúc bé đang hoảng, mình phải may thẩm mỹ 38 mũi, lần đó mình rất là sốc, bác sĩ nói là có khả năng là có thể bị hoại tử và bị một vết lõm rất là sâu, nhưng may mắn giờ nó chỉ là vết sẹo. Mình nhớ lúc đó máu chảy ròng ròng ướt đẫm phải chạy ngay đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương để điều trị, nhưng mình chẳng thể giận Chan mà bỏ rơi nó được.
Qua lần đó, Chan cũng mất mấy hôm để ổn định tinh thần, đó cũng là khoảnh khắc để mình và Chan trở thành người nhà của nhau. Vết sẹo đó có thể là nỗi đau về thể xác nhưng lại là sự hồi sinh, sợi dây liên kết của mình với người bạn chó này.
Thật sự động lực lớn nhất của mình là nhìn thấy Chan và các bé mình cứu được mạnh khỏe. Mình cảm thấy tự hào lắm, từ những bé đang hấp hối mà mình có thể cứu cho bé sống, tung tăng, chạy nhảy thì mình cảm thấy vui và gần như đó là điều quan trọng nhất để mình có thể tiếp tục công việc cho tới giờ.
"Mình giận vì họ bỏ rơi chó mèo, đối xử tàn nhẫn với chúng"
Trạm cứu hộ được thành lập vào tháng 4/2014, cách đây 7 năm mình và một người bạn cùng cứu một bé chó, bạn thuê nhà để chăm bé. Sau này, tụi mình cứu được nhiều bé hơn nữa thì trạm được mở rộng.
Mình tham gia vào trạm chính thức là khi cứu một bé bị rớt hàm dưới, cắt lỗ tai hình cánh dơi và cắt cụt luôn và lúc đó các bé còn bị liệt nữa. Cứu bé về mình khóc nhiều lắm, mình giận vì họ bỏ rơi chó mèo, đối xử tàn nhẫn với chúng. Thời gian trôi qua, các bạn trong trạm cũng bận việc nhiều, mình thì ngày càng gắn bó với Sài Gòn Time thế là mình trở thành trưởng trạm.
Nói về khó khăn mình đã gặp rất nhiều rồi, bao lần phải chuyển trạm có những lúc tưởng chừng không thể gồng gánh thêm nữa, phải để trạm ngừng hoạt động. Những ngày đầu, mình không biết cách chăm sóc hay chích ngừa, các bé bị bệnh và tốn chi phí rất nhiều để chữa bệnh.
Thứ hai nữa là về nhân sự, thực sự rất là ít bạn đồng ý làm công việc này trong một thời gian dài, vì công việc này không có thời gian để nghỉ, lễ Tết hay ngày đặc biệt đi chăng nữa mình vẫn phải qua trạm để chăm lo cho các bé ở đây.
Chi phí cho các bé cũng là bài toán khiến mình đau đầu mỗi tháng, mình phải duy trì từ 80 – 100 triệu để lo chi phí về thức ăn cũng như chuồng trại, vệ sinh, chi phí thú y thì mình bắt buộc là phải kêu gọi từng bé, những bé bị ung thư, hoặc là suy gan thận, hoặc bị đánh gãy xương thì bắt buộc mình phải kêu gọi để đưa các bé đến thú y.
Mùa dịch này đã thử thách vợ chồng mình rất nhiều, vì không thể di chuyển cũng như không thể cứu hộ các bé bị bỏ rơi. Hai vợ chồng mình đã quyết định, mỗi đứa sẽ ở mỗi trạm, túc trực 24/24 để chăm lo cho các bé.
Thật sự mình thấy bất lực, giãn cách mình không thể đi đâu được hết, có tin chó mèo bị bỏ hoang cũng không thể đến nhưng rất may mình nhận giúp đỡ của các anh công an, từ các anh chị bên y tế đã giúp mình đưa đón các bé tới trạm.
"Người mẹ đặc biệt của những đứa con bị bỏ rơi, thay vì một đứa con mình có 350 đứa con"
Mấy bé như là gia đình của mình vậy đó, trong hình ảnh cưới và cả việc rước dâu mình cũng chọn rước dâu tại trạm. Vì mình muốn trong đám cưới của mình sẽ có tất cả những người thân của mình như là các bé chó mèo này đây, thì các bé sẽ là minh chứng cho tình yêu của hai vợ chồng mình.
Mình vui vì được cả hai bên gia đình đồng ý, hạnh phúc khi mình có một gia đình với rất đông thành viên, mỗi đứa đều có một cái tên riêng và nó luôn hiểu những gì nói và chia sẻ.
Thật ra cũng có nhiều bạn chửi mình vì quyết định không sinh con, bất hiếu với cha mẹ. Nhưng mình muốn dành thời gian và sức khỏe để lo lắng cho các bé chó, mèo. Mình nghĩ khi mà sinh một đứa con ra mà phải có thời gian, công sức và khả năng để có thể chăm đứa con đó chứ không phải dạng trời sinh voi sinh cỏ, mình không đồng ý như vậy.
Để có thời gian chăm sóc cho một đứa trẻ và đủ tình cảm để lo cho một đứa trẻ thì mình không thể nào lo được cho cả đàn chó mèo như này, nên mình với chồng mình và cả hai gia đình đã đồng ý là mình sẽ không sinh con, nhưng mà sau này thì khi mình suy nghĩ lại thì mình có thể nhận nuôi 1 đứa trẻ trong viện mồ côi.
Thay vì làm mẹ của một đứa trẻ, mình may mắn vì đã có thể chăm lo cho hơn 350 chú chó, mèo cùng các loại đồng vật khác suốt chặng đường dài vừa qua.
Nguồn: TH&PL