Gen M ngày càng ít hẹn hò, quan hệ tình dục và kết hôn muộn hơn. Liệu chúng ta có chưa biết điều gì về quan điểm của họ với tình yêu?
Bí quyết để tình yêu bền lâu có phải là yêu chậm và thật chậm?
Gen M đang "thử nghiệm" lý thuyết này, lựa chọn thứ mà nhà nhân chủng học sinh học Helen Fisher gọi là "tình yêu chậm". "Slow love" hay "tình yêu chậm" là sự trì hoãn trong việc bắt đầu mối quan hệ thân mật, có tình dục.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng Gen Y ít hẹn hò, quan hệ tình dục hơn và kết hôn muộn hơn nhiều so với bất kỳ thế hệ nào trước đó. Và Gen Z - một thế hệ trẻ hơn - dường như cũng đang tiếp bước họ.
Những thay đổi này đã khiến một số chuyên gia phải "vò đầu bứt tai". Họ là những người suy đoán rằng văn hóa yêu đương chóng vánh, buông thả; sự lo lắng; thời gian sử dụng thiết bị điện tử; mạng xã hội và những bậc cha mẹ can thiệp nhiều vào chuyện của con cái đã để lại cho chúng ta một thế hệ không thể xây dựng mối quan hệ thân mật và cam kết.
Nhưng Tiến sĩ Fisher có một cái nhìn rộng hơn và gợi ý rằng tất cả chúng ta có thể học được một hoặc hai điều từ Gen Y về lợi ích của việc yêu chậm. Bà nói rằng không phải là Gen Y đang phá hoại hôn nhân mà có thể là họ đang coi trọng nó hơn mà thôi.
Tiến sĩ Fisher, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinsey cho biết: "Có vẻ như tất cả mọi người đều bị cuốn vào những hiểu biết vô lý về tình dục, tình yêu và sự lãng mạn mà có thể mang lại hậu quả khôn lường. Tôi muốn mọi người hiểu rằng mặc dù Gen M chưa kết hôn và họ quan hệ tình dục không nhiều như thế hệ của tôi, nhưng lý do của hiện tượng này lại tích cực".
Gen Y được định nghĩa một cách đại khái là những người sinh từ những năm 1980 đến giữa những năm 1990. Gen Y, một phần do hiểu biết về kỹ thuật số của họ, đã được ghi nhận là mang đến những thay đổi đáng kể trong cách chúng ta sống, làm việc và tương tác.
Tuy nhiên, điều đặc biệt đáng chú ý là cách nhóm nhân khẩu học này đã nhanh chóng viết lại các quy tắc về tìm hiểu, quan hệ tình dục và hôn nhân. Năm 2018, độ tuổi trung vị kết hôn lần đầu của Hoa Kỳ là 30 (29,8 đối với nam và 27,8 đối với nữ). Nghĩa là người trẻ đã kết hôn muộn hơn 5 năm so với năm 1980, khi độ tuổi trung vị kết hôn của nam là 24,7 và nữ là 22.
Một nghiên cứu năm 2017 trên Archives of Sexual Behavior cho thấy rằng nhiều người trẻ Gen Y ở độ tuổi đầu 20 không quan hệ tình dục và có tỷ lệ dường như không hoạt động tình dục cao gấp đôi thế hệ trước. Một nghiên cứu khác cho thấy các cặp vợ chồng Mỹ từ 25 đến 34 tuổi dành trung bình 6 năm rưỡi để yêu đương trước khi kết hôn, nhiều hơn một năm so với mức trung bình của tất cả các nhóm tuổi khác.
Các nhà phê bình cho rằng sự bão hòa kỹ thuật số đã khiến Gen Y bị cô lập về mặt xã hội, bất ổn và cảm thấy bản thân có quyền làm gì đó hơn, điều này có thể giải thích tại sao họ quan hệ tình dục ít hơn các thế hệ trước.
Và khi Gen Y quan hệ tình dục, điều đó thường được coi là có ít ý nghĩa hơn vì họ tham gia vào các mối quan hệ "chóng vánh, buông thả" hoặc những mối quan hệ tình dục được mô tả là "bạn lợi ích" (FWB).
Tiến sĩ Fisher đã dành sự nghiệp của mình để nghiên cứu về tình yêu và các mối quan hệ. Gần đây nhất, cô đã thu thập dữ liệu của hơn 30.000 người liên quan đến xu hướng tán tỉnh và hôn nhân hiện nay. Tiến sĩ Fisher tin rằng thay vì chỉ trích và phán xét Gen Y, có lẽ chúng ta nên chú ý nhiều hơn vì có thể những người độc thân ngày nay đang tạo ra một con đường đi đến tình yêu bền vững thành công hơn những thế hệ trước.
"Tất cả chúng ta đều có thể học hỏi từ những người không muốn lãng phí nhiều thời gian để làm những việc chẳng đi đến đâu", bà nói.
Bà còn nhấn mạnh rằng những người hẹn hò từ ba năm trở lên trước khi kết hôn có nguy cơ ly hôn thấp hơn 39% so với những người vội vàng kết hôn: "Đây là một khoảng thời gian thực sự kéo dài của giai đoạn trước khi bước vào mối quan hệ 'cam kết'. Bằng việc yêu chậm, có thể đến khi kết hôn, họ sẽ nhận thức rõ được rằng họ cưới ai và họ có thể giữ được người mà họ đã trao nhẫn".
Anne Kat Alexander, 23 tuổi, cho biết: "Yêu đương chóng vánh, buông thả với ai đó không có nghĩa là Gen M bây giờ không coi trọng hôn nhân. Có thể mọi người không tin nhưng họ là những người coi trọng hôn nhân hơn những người khác vì họ suy nghĩ và cân nhắc nhiều hơn về quyết định đó".
Tiến sĩ Fisher nói rằng nghiên cứu của bà cho thấy những người độc thân ngày nay cố gắng nắm bắt nhiều thông tin nhất có thể về một "đối tác tiềm năng" trước khi họ dành thời gian, năng lượng và tiền bạc để bước vào giai đoạn chính thức tìm hiểu. Do vậy mà con đường tới tình yêu của họ đã thay đổi đáng kể. Nếu "buổi hẹn hò đầu tiên" từng được sử dụng để biểu thị giai đoạn tìm hiểu thì giờ đây, việc hẹn hò chính thức với một người nào đó sẽ đến muộn hơn trong mối quan hệ.
Trong một nghiên cứu được thực hiện cho Match.com, Tiến sĩ Fisher phát hiện ra rằng trong một mẫu đại diện, 34% người độc thân đã quan hệ tình dục với người nào đó trước buổi hẹn hò đầu tiên. Bà gọi đó là "cuộc phỏng vấn tình dục".
"Ở thời của tôi, mọi người đi hẹn hò buổi đầu tiên với một người mà bạn không biết rõ lắm và rồi cùng ăn tối", bà nói. "Buổi hẹn hò đầu tiên đã thay đổi - thật mất thời gian và tốn kém. Bây giờ họ có một 'cuộc phỏng vấn tình dục' với một người để xem liệu họ có muốn đầu tư cho buổi hẹn hò đầu tiên hay không".
Alexander, sống ở Princeton, là người song tính, cho biết cô và người yêu muốn hoàn thành việc học, bắt đầu sự nghiệp và có một nền tảng tài chính vững chắc trước khi kết hôn.
Đối với Gen M, các vấn đề tài chính cũng ảnh hưởng lớn đến các quyết định của họ về các mối quan hệ. Họ nói về gánh nặng nợ nần của sinh viên và mong muốn tìm được công việc có ý nghĩa trong một thị trường việc làm ngày càng trở nên trống trải. Nhiều người nói rằng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi họ chứng kiến cảnh cha mẹ mình làm ăn thua lỗ, vật lộn với nợ nần và thậm chí phải ly hôn.
Các xu hướng do Gen Z tạo ra dường như vẫn tiếp diễn ở thế hệ tiếp theo, Gen Z. "Đó là thế hệ đầu tiên dành cả giai đoạn thanh thiếu niên của mình trong thời đại phát triển của điện thoại thông minh", Jean Twenge, giáo sư tâm lý tại Đại học Bang San Diego cho biết. "Họ dành ít thời gian gặp mặt trực tiếp hơn, điều này có thể liên quan đến lý do tại sao họ ít quan hệ tình dục hơn".
Nhưng Tiến sĩ Fisher tin rằng những người độc thân ngày nay đang làm một tấm gương tốt cho thế hệ tương lai bằng việc có cái nhìn sâu sắc hơn về hôn nhân và sự cam kết, ràng buộc. Bà nói: "Tình yêu luôn thay đổi. Càng khiến tình yêu ổn định thì bạn càng có nhiều khả năng tìm thấy điều gì đó thực sự hiệu quả và lâu dài".
Khi yêu, đồng nghĩa với việc mỗi người đang bước đến một lớp học mang tên tình yêu. Dù kết quả là đổ vỡ hay đi đến bến bờ hạnh phúc, lớp học này cũng dạy cho bạn nhiều bài học: học yêu thương, học trưởng thành, học chấp nhận và học cả sự cô đơn,... Tuyến bài Love To Lớp - Từ tình yêu đến lớp học của chuyên mục GenVie sẽ là những dòng tản mạn, câu chuyện, tâm sự, góc nhìn về tình yêu,... để đồng cảm, chia sẻ và cùng bạn học cách yêu mỗi ngày.
Nguồn: TH&PL