Trong rất nhiều tổ hợp thế hệ được nhắc đến, bạn có thực sự biết mình thuộc Gen nào?
"Điều gì ngăn cách các thế hệ?"
"Độ tuổi phân định các thế hệ ra sao?"
"Mỗi thế hệ có thực sự khác nhau?"
Ngày nay, khi cụm từ "Gen Z" được sử dụng rất nhiều trên mạng xã hội thì chúng ta lại càng không khó để thấy được sự nhầm lẫn giữa các thế hệ với nhau.
Nếu bạn đang bối rối không biết bạn là ai và bạn thuộc thế hệ nào thì hãy cùng đi một vòng tìm hiểu về các Gen và xác định tên gọi của chính mình nhé!
Tại sao tên các thế hệ được đặt theo các chữ cái?
Việc tên của thế hệ được đặt theo chữ cái bắt đầu từ Gen X - những người sinh từ 1965 đến khoảng năm 1980. Thế hệ trước Gen X là Baby Boomers, họ là những người sinh từ năm 1946 đến năm 1964. Sau chiến tranh thế giới thứ hai là "sự bùng nổ trẻ sơ sinh" (baby boom), chính vì thế mà những trẻ em được sinh ra trong thời kỳ đó được gọi là Baby Boomers.
Nhưng thế hệ nối tiếp Boomers không có một bản sắc văn hóa rõ ràng. Trên thực tế, đó chính là nguồn gốc của thuật ngữ Gen X - minh họa cho những đặc điểm tính cách chưa được xác định.
Còn từ sau Gen Y trở đi, tất cả chỉ là theo bảng chữ cái. Sau Gen X tất nhiên là Gen Y. Tuy nhiên, Gen Y còn được gọi với cái tên "Millennial" nghĩa là "thiên niên kỷ" bởi vì họ trở thành người trưởng thành trong giai đoạn chuyển giao thiên niên kỷ.
Gen Z là thuật ngữ chỉ những người trẻ trẻ được sinh ra từ nửa cuối những năm 90 cho đến khoảng năm 2010.
Trong khi đó, một số người nói rằng Gen Alpha (Gen A) được đặt tên theo chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái Hy Lạp và mang ý nghĩa là thành phần đầu tiên của một mục hoặc danh mục.
Điều gì khiến mỗi thế hệ trở nên khác biệt?
Trước khi đi vào tìm hiểu cụ thể hơn từng thế hệ, có một điều mà bạn cần lưu ý, đó là: Không có bản nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn khung năm sinh chính xác để phân định rạch ròi từng thế hệ, bởi vì không có ngưỡng xác định tương đối nào dùng để xác định các thế hệ nối tiếp Baby Boomers. Tuy nhiên, vẫn sẽ có các phạm vi chung để mọi người có thể xác định xem bản thân thuộc thế hệ nào. Khung năm sinh có thể chênh lệch 1-2 năm tùy thuộc vào tài liệu nghiên cứu.
Gen X (1965-1980)
Gen X thường được coi là một thế hệ bị lãng quên. Họ tập trung vào việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn so với thế hệ cha mẹ của mình. Mặc dù thường bị chỉ trích là người lười biếng và hoài nghi, nhưng thực sự phần lớn Gen X là những người có đầu óc kinh doanh.
Có nhiều sự kiện lịch sử xác định và định nghĩa Gen X, chẳng hạn như: Chiến tranh lạnh kết thúc, đại dịch AIDS, sự xuất hiện của máy tính gia đình và Internet. Họ cũng mở ra thời kỳ hoàng kim của hip-hop.
Gen Y/Millennials (1981-1995)
Gen Y là thế hệ được đánh dấu bởi sự trưởng thành của họ dần làm quen và gắn liền với thời đại thông tin, và họ rất thoải mái trong việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số và mạng xã hội. Họ phần lớn là bố mẹ của thế hệ Alpha.
Gen Y cũng là thế hệ có nhiều khả năng mắc phải và tìm kiếm sự trợ giúp đối với các chứng bệnh và sự rối loạn tâm thần như trầm cảm và lo lắng, một phần nguyên nhân là do áp lực về thành công của họ rất lớn cũng như việc họ thiếu cơ hội kinh tế để làm như vậy.
Không chỉ vậy, thế hệ Thiên niên kỷ có xu hướng tìm kiếm những điều mới lạ, họ không ngại thách thức và tham gia các câu lạc bộ hay tập thể để học hỏi, mở mang kiến thức và các mối quan hệ.
Gen Z (1996-2009)
Gen Z là thế hệ người bản địa kỹ thuật số thực sự đầu tiên với việc tiếp xúc với công nghệ thông tin từ khi còn nhỏ. Hầu hết Gen Z đều sử dụng mạng xã hội. Họ không chỉ hiểu biết về các phương tiện truyền thông hơn thế hệ trước mà còn nhận thức rõ ràng hơn về tính công bằng xã hội, bình đẳng giới, bình đẳng chủng tộc...
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Gen Z sở hữu nhiều trí thông minh cảm xúc (EQ) hơn so với các thế hệ cũ và có xu hướng tham gia vào các hoạt động tích cực hơn. Gen Z là một thế hệ rất trẻ và năng động, vì vậy có thể nói, đây là thế hệ đang được mọi người "mong chờ" nhất về những điều mà họ sẽ mang đến cho thế giới trong tương lai.
Gen Alpha (2010-2025)
Gen Alpha là thế hệ tiếp nối Gen Z. Thế hệ này hầu hết là con cái của Gen Y.
Mặc dù chia sẻ những đặc điểm nhất định với Gen Z như tiếp xúc với công nghệ thông tin từ sớm nhưng Gen Alpha lại sở hữu nhiều điều khác biệt. Dưới đây là một trong số đó:
Siêu kết nối: Những bạn trẻ Alpha có sự kết nối mạnh mẽ với công nghệ mới.
Độc lập: Họ độc lập khi đưa ra quyết định riêng và quản lý danh tính kỹ thuật số của mình. Họ cũng mong mọi người cân nhắc đến các nhu cầu và sở thích cá nhân của họ nữa.
Thị giác: Video sẽ là định dạng ưa thích của họ. Ngoài ra, trò chơi điện tử sẽ thúc đẩy khả năng thị giác, cải thiện khả năng phối hợp tay mắt và khả năng chuyển đổi nhiệm vụ dễ dàng của họ.
Phong phú: Trong cả nhân khẩu học như dân tộc, giới tính và cả thị hiếu, lối sống và quan điểm.
Có thể thấy, Gen Alpha là thế hệ được đánh dấu sâu sắc hơn bởi các công nghệ mới và mạng xã hội, với một tương lai "bất ổn" hơn khi phải đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế và chính trị và với áp lực dẫn đầu "cuộc chiến" chống biến đổi khí hậu và có thể là sự chuyển đổi sang một hành tinh khác bền vững hơn chăng?
Thực chất, các thế hệ không khác nhau hoàn toàn, tuy nhiên lại sở hữu những đặc trưng vừa đủ để phân biệt với nhau dễ dàng hơn. Còn bạn, bạn đã biết mình thuộc Gen nào chưa?
Nguồn: TH&PL