Vậy cuộc sống của Gen Z trước tần suất xuất hiện thông tin dày đặc và liên tục đổi mới của mạng xã hội hiện nay là như thế nào?
Mạng xã hội từ lâu đã trở thành một món ăn tinh thần dường như không thể thiếu trong cuộc sống của Gen Z. Một trong những lợi ích lớn nhất mà những nền tảng này mang lại, là giúp chúng ta cập nhật những tin tức và thông tin mới nhất, hot nhất một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện.
Cũng trong thời đại thông tin ồ ạt từ nhiều nguồn, sự tự do ngôn luận từ nhiều phía, không phải ai có thể sàng lọc những thông tin hữu ích, và có giá trị cho bản thân và cuộc sống. Vậy cuộc sống của Gen Z trước tần suất xuất hiện thông tin dày đặc và liên tục đổi mới của mạng xã hội hiện nay là như thế nào?
Sự quan trọng của thông tin
Hiện nay, nhiều người dùng phàn nàn về sự "ô nhiễm" thông tin khi dùng mạng xã hội như là ngập tràn tin tức giật tít, nhiều thông tin sai sự thật, thiếu tính xác thực, nhiều bình luận tiêu cực mang tính kích động, nhiều hình ảnh gây ám ảnh với người dùng,...
Mạng xã hội là nơi thường xuyên xuất hiện, cập nhật liên tục những tin tức xã hội, bản tin được nhiều người quan tâm hoặc tin nóng ở bất cứ đâu trong ngày. Trên các trang mạng xã hội ngày càng nhiều trang cung cấp các kiến thức trong cuộc sống, các hội nhóm chia sẻ kiến thức các môn học. Thông qua đó, các bạn có thể dễ dàng tích lũy được rất nhiều kiến thức cần thiết trong cuộc sống .
Ngoài ra, bạn cũng có thể xem tin tức hoặc cập nhật những bộ phim, MV ca nhạc... trên Facebook, YouTube hay các mạng xã hội khác. Từ đó, chúng ta có thể mở mang sự hiểu biết của mình.
Việc nắm bắt được các thông tin cần thiết một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác giúp chúng ta có được cái nhìn rõ ràng về bản thân và cuộc sống xã hội. Đối với cá nhân, thông tin giúp con người hòa nhập với cộng đồng và giao lưu với xã hội.
Đối với xã hội: Thông tin "sạch", cũng có thể ví như là tri thức, là tiền đề quan trọng nhất để sống trong kỉ nguyên số, có tri thức giống như người đi trong đêm tối mà có đèn soi sáng.
Tác hại của những thông tin độc hại từ mạng xã hội
Thông tin xấu, độc hại làm ảnh hưởng lớn tới nhận thức của người tiếp nhận, làm cho người tiếp nhận có cách nhìn nhận lệch chuẩn, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, tư duy, thái độ và tính cách của chúng ta.
Nhiều thông tin trên mạng xã hội không được kiểm chứng, dẫn đến có nhiều thông tin không chính xác, sai lệch nội dung hoặc những thông tin "đùa", "câu like", "giật tít" làm cho người dùng thường xuyên rơi vào trạng thái, nhầm lẫn, hoang mang, căng thẳng, hồi hộp, lo lắng. Điều này dẫn đến những rối loạn bệnh lý như rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn stress ...
Một số người trẻ tuổi là độ tuổi chưa định hình phát triển vỏ não, phát triển nhân cách khi sử dụng mạng xã hội sẽ dẫn tới những rối loạn nhân cách kiểu hoang tưởng, tự đề cao bản thân, chống đối xã hội, tính vị kỷ, ích kỷ, một số có các hành vi kích động và gây hấn.
Không khó để chúng ta có thể lướt thấy dưới những tiêu đề giật gân, những bài viết, hình ảnh, thông tin giật tít, là những bình luận chửi bới, miệt thị một cách dữ dội. Nhiều bạn đọc thiếu sự sáng suốt để sàng lọc thông tin cũng có thể trở nên công kích nạn nhân, cá nhân, tổ chức,… Về nhiều khía cạnh, từ vóc dáng cơ thể, bề ngoài, đến học vấn, gia đình, các mối quan hệ xã hội, sở thích…
Tạm kết
Khi tham gia vào mạng xã hội, nếu người tiếp cận thông tin không tỉnh táo, sáng suốt thì có thể bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin xấu. Để tích cực phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, chúng ta cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết:
- Trước tiên, chúng ta cần có kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc. Chúng ta cần tỉnh táo, xem xét thông tin đang được tiếp cận.
- Để xác định thông tin mà mình tiếp cận là giả hay thật, đúng hay sai, tốt hay xấu thì chúng ta cần tiếp cận nhiều với các thông tin, cổng thông tin chính thống.
- Nếu chủ thể đăng tải thông tin là các nick ảo, nick không chính danh và tổng thể nội dung trang có thái độ nhìn nhận không phù hợp với quan điểm chính thống thì cần loại bỏ.
- Chúng ta nên tránh các thông tin xấu, độc theo hướng đã được nhận diện; đồng thời chọn lọc những thông tin có lợi, những thông tin phù hợp với thuần phong mỹ tục... để tiếp cận.
- Chặn các nick ảo, lọc, xóa, báo xấu... các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, để thông tin xấu không được lan truyền.
- Cẩn thận khi thực hiện comment (bình luận), like (thích), share (chia sẻ), dẫn link hay không nên một vấn đề nào đó, để tránh việc vô tình trở thành cầu nối giúp lan tỏa thông tin xấu, ô nhiễm.
Nguồn: TH&PL