Có nên chọn học song ngành khi vào đại học?

Lựa chọn học song ngành có thể mang đến những lợi ích trong tương lai nhưng luôn đi kèm những thử thách về thời gian.

Năm học mới lại sắp bắt đầu trong tình hình căng thẳng của dịch bệnh Covid-19. Ngoài những câu hỏi của các tân sinh viên 2k3 như nên chọn ngành học nào? Học trường nào thì cơ hội việc làm cao hơn?...thì vẫn còn một câu hỏi mà nhiều bạn sinh viên đặt ra cho các anh chị đi trước: "Có nên chọn học song ngành hay không?" 

co nen chon hoc song nganh khi vao dai hoc - anh 0

Câu hỏi này nhận được nhiều luồng ý kiến từ những "người từng trải" hoặc nhiều anh chị có bạn bè đã và đang là sinh viên học song ngành tại các trường đại học. Đa số ý kiến đều chia sẻ về những thử thách mà các bạn sinh viên chọn học song ngành thường gặp phải. Vậy việc theo đuổi hai ngành cùng một lúc sẽ mang đến những lợi ích gì? 

Cơ hội việc làm rộng mở

Việc sở hữu hai tấm bằng đại học mang đến cho sinh viên khi ra trường nhiều cơ hội hơn. Khi thị trường việc làm ngày càng đa dạng do xu thế hội nhập, những kiến thức thu thập được từ hai chuyên ngành mà sinh viên theo đuổi có thể làm họ nổi bật hơn trong danh sách những ứng cử viên tiềm năng.

Ngoài ra, việc hoàn thành cùng một lúc hai ngành đại học cũng chứng tỏ với doanh nghiệp rằng bạn là một người có đam mê và biết sắp xếp thời gian để chinh phục những thử thách. 

co nen chon hoc song nganh khi vao dai hoc - anh 0

Làm giàu thêm vốn kiến thức của bản thân

Khi lựa chọn hai ngành để học song song, sinh viên có thể chọn cho mình những một ngành chính và một ngành phụ. Hai ngành này có thể hỗ trợ cho nhau hoặc không; tuy nhiên, những anh chị đi trước thường đưa ra lời khuyên cho các tân sinh viên có ý định học song ngành là hãy chọn những ngành có thể bổ trợ cho nhau trong công việc sau này. 

co nen chon hoc song nganh khi vao dai hoc - anh 0

Ví dụ, những kiến thức của ngành Quản trị Kinh doanh có thể bổ trợ cho ngành Marketing. Điều quan trọng là sinh viên cần đặt được mục tiêu và suy nghĩ thật kỹ trước khi lựa chọn hai ngành học song song để không bỏ sót lượng kiến thức mà mình đã bỏ thời gian theo học. 

Tuy rất có lợi cho công việc trong tương lai, nhưng việc học song ngành luôn đi kèm những thử thách mà nhiều sinh viên phải e dè. 

Thời gian cho hoạt động ngoại khóa, đi làm thêm,...bị thu hẹp

Với số tín chỉ cần hoàn thành trong thời gian ngắn, thời gian dành cho những hoạt động ngoại khóa lại càng bị rút ngắn hơn. Các hoạt động ngoại khóa như tham gia câu lạc bộ, làm tình nguyện,... luôn là một trong những điều quan trọng tạo nên những gam màu mới trong đời sống đại học của đại đa số sinh viên. Đây có thể là cơ hội để các bạn tích lũy điểm rèn luyện để xét học bổng hoặc kinh nghiệm và kỹ năng mềm cần thiết cho công việc sau khi ra trường. 

co nen chon hoc song nganh khi vao dai hoc - anh 0

Khi học song song hai chuyên ngành, sinh viên cũng có thể đánh mất cơ hội thực tập hoặc làm thêm ngoài giờ học vì vướng phải lịch học và thi cử. Đa phần sinh viên chọn cách đi làm part-time hoặc xin thực tập từ năm nhất hoặc năm hai để tích lũy kinh nghiệm. Những kinh nghiệm thực tế này có thể làm đẹp CV không kém gì với việc học song song hai chuyên ngành. 

Thời gian cho những cuộc giao lưu ngoài giờ học cũng có thể bị hạn chế do lịch học dày đặc. Những mối quan hệ bạn bè có thể trở nên mờ nhạt hơn khi ta không thường xuyên giữ liên lạc hoặc gặp gỡ. So với cấp ba, những mối quan hệ bạn bè thời đại học thường mong manh nhưng lại có thể mang đến những cơ hội không ngờ đến trong tương lai. 

Nguy cơ trễ deadline, điểm GPA thấp

Khi quỹ thời gian bị rút ngắn, việc có quá nhiều deadline trong thời gian theo học cả hai chuyên ngành có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích của sinh viên. Điểm tổng kết GPA quá thấp có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của sinh viên sau này. Không những thế, việc phải xử lý nhiều deadline cùng một lúc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của sinh viên, khiến họ cảm thấy căng thẳng và ngờ vực sự lựa chọn của mình. 

Chi phí học tập 

Những chi phí khi học song ngành như học phí, tiền tài liệu, sách vở,...có thể trở thành gánh nặng cho sinh viên, đặc biệt nếu họ không có thời gian để đi làm thêm để tự trang trải cho cuộc sống. Do đó, để đưa ra quyết định học song ngành thì sinh viên cần nắm chắc khả năng tài chính của bản thân và gia đình để có thể đảm bảo chi phí trong suốt thời gian học tập. 

co nen chon hoc song nganh khi vao dai hoc - anh 0

Hiểu rõ bản thân và học cách sắp xếp thời gian

Trước những sự lựa chọn của bản thân, sinh viên cần hiểu rõ khả năng của mình. Đừng đánh giá thấp việc đặt mục tiêu cụ thể cho bản thân trong thời gian đại học vì những mục tiêu này có thể phản ánh bản thân bạn thực sự muốn gì và khả năng bạn có thể hoàn thành nhiều thứ cùng một lúc hay không. 

co nen chon hoc song nganh khi vao dai hoc - anh 0

Quan trọng hơn hết, kỹ năng quản lý thời gian và công việc luôn cần được đề cao. Để có thể hoàn thành cùng lúc những môn học của cả hai ngành, sinh viên cần trang bị cho mình kỹ năng sắp xếp thời gian và công việc hợp lý. Đây là cách để sinh viên tránh được những rắc rối như trễ deadline hoặc những buổi hẹn sau giờ học. 

Học song ngành chắc chắn là một quyết định cần nhiều sự thời gian để cân nhắc. Các bạn tân sinh viên có ý định này có thể hỏi ý kiến của những anh chị đi trước và tham khảo chương trình đào tạo song ngành của ngôi trường đại học mà mình muốn theo học để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho bản thân. 

"Không học Đại học vẫn thành công", tin được không?

11 trạng thái tốt nhất của một sinh viên Đại học để chuẩn bị cho cuộc sống xa nhà

Sau khi thi Đại học, bạn nhận ra điều gì?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ