Thi đại học xong chính là thời điểm "vàng" để bạn có vạch xuất phát nhanh hơn bất kì ai.
Sau khoảng thời gian ôn luyện vất vả, các bạn 2k3 sẽ chọn cách giải trí, bung xõa hết mức. Thế nhưng, hãy đợi sau khi vào đại học yên ổn rồi, thì hãy "bung lụa" và "quẩy tới bến", lúc đó, cũng chưa muộn!
Điều các bạn cần làm lúc này đó là hãy chuẩn bị cho mình thật kỹ những vấn đề sau.
Tìm roommate (bạn cùng phòng)
Nghe thì dễ nhưng thật ra đây là một lựa chọn khó khăn vô cùng. Bạn cùng phòng là cái gì đó rất "quan trọng" và "quý giá" nhất trong quãng đời đại học. Thế nhưng tìm được một bạn trọ cùng phòng hợp với mình không phải điều dễ dàng. Và nếu ở chung với một người bạn không hợp, bạn sẽ không thể lường được cuộc sống sẽ tệ đến mức nào.
Roommate là bạn thân thì sao? Việc thân thiết và thấu hiểu nhau trước đó giúp cuộc sống khi ở chung trở nên thoải mái và dễ dàng hơn. Tuy nhiên cũng có những trường hợp quen biết nhau đã lâu nhưng khi về ở cùng nhau mới phát hiện ra không hợp nhau trong cách sống. Bởi vì thân mà có khuất mắt trong lòng không dám nói ra. Bởi vì thân mà không vừa ý cái này cái nọ cũng chỉ biết chịu đựng cho qua.
Sẽ thật tuyệt nếu roommate của bạn là một người không cùng quê với bạn. Hãy nghĩ đến những lúc Tết đến, xuân về, mỗi người mang một ít quà bánh ở quê ra khao nhau ăn. Rồi những kỳ nghỉ không dài không ngắn, dắt díu nhau về quê đứa này đứa kia chơi... Một người lạ mới quen, vậy mà biết nể nang, nhường nhịn nhau từng li từng tí. Đừng chọn đại, cũng đừng đồng ý đại. Sau này hối hận, lại bỏ công tìm roommate mới.
Theo đuôi tiền bối
Hãy tìm một đàn anh/đàn chị đi trước để mình bám theo từ đầu mà học hỏi. Anh/chị đó không cần là một người quá xuất sắc hay toàn diện về mọi mặt, chỉ cần họ cởi mở và sẵn sàng chia sẻ với bạn. Đơn giản vì họ đi trước, họ biết việc gì nên, việc gì không nên; việc gì là phù hợp và không phù hợp với một tân sinh viên.
Khi mới vào đại học, bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, không biết bắt đầu từ đâu, không biết rẽ đi hướng nào. Một tiền bối chịu chia sẻ với bạn, thì chính họ cũng đã nhìn thấy mình trong bạn, họ sẽ giúp bạn tự tin vào đại học, chứ không phải rụt rè, ngần ngại như bao người.
Đàn anh/đàn chị ở đại học họ sẵn sàng giúp đỡ cho dù bạn có là một người xa lạ. Chắc là do ở độ tuổi này, ai nấy cũng đều đủ trưởng thành. Vào học không biết nên tìm tài liệu ở đâu, xin anh chị. Đăng ký vào câu lạc bộ không biết làm thế nào, nhờ anh chị. Môn nọ không biết nên chọn giảng viên sao cho phù hợp, hỏi anh chị. Tất tần tật điều khó, đã có tiền bối lo!
Rèn luyện tiếng Anh giao tiếp
Nếu vốn tiếng Anh của bạn chưa tốt, hãy tìm một nơi để trau dồi tiếng Anh giao tiếp. Chỉ cần giao tiếp thôi, không cần phải học IELTS, chủ yếu là để có thêm cơ hội trong tìm việc làm. Rất nhiều tân sinh viên đại học luôn cảm thấy thua kém bạn bè vì vốn tiếng Anh không tốt, nhưng họ quên rằng mình cần phải rèn luyện thì mới thoát ra được nỗi sợ đó.
Tại sao phải là giao tiếp? Đem lên bàn cân để lựa chọn một người vào làm việc, chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ mong muốn một người có thể sử dụng tiếng Anh lưu loát, có khả năng giao tiếp với khách hàng hơn là một người tuy bằng cấp ngoại ngữ cao nhưng kỹ năng nói không tốt.
Có thể nói, công nghệ càng phát triển, tiếng Anh càng ăn sâu vào từng khía cạnh trong đời sống của chúng ta. Do đó, việc biết Tiếng Anh là vô cùng cần thiết. Nói một cách vui: "Học Tiếng Anh sẽ giúp đời thêm sang chảnh".
Chọn kỹ phòng trọ
Hãy chọn kỹ nơi ở và liên hệ sớm nhất, càng chậm bạn càng mất những căn "ngon lành" và có giá tốt. Nếu chọn trúng một căn tệ, bạn sẽ tốn rất nhiều chi phí và thời gian phiền phức để di chuyển qua lại.
Hãy dò hỏi xem những căn trọ gần nơi bạn theo học có đảm bảo tiêu chí thuận tiện và an toàn. Cân nhắc kỹ trước khi chọn trọ ở những nhà bắt đặt cọc tiền nhà theo tháng. Ví dụ khi thuê bạn đã đặt cọc trước 5 năm tháng nhưng không biết rõ về nhà trọ mình như thế nào. Khi ở một tháng mà bạn muốn chuyển thì bắt buộc bạn phải ở nốt 4 tháng còn lại rồi mới có thể chuyển đi hoặc phải chịu mất cọc.
Sẽ có 2 trường hợp khi thuê trọ đó là bạn sẽ ở cùng chủ nhà hoặc không. Nếu ở cùng chủ trọ, hãy chọn người chủ có cùng giờ giấc sinh hoạt như mình, không quá xét nét hay nhòm ngó quá nhiều trong đời sống của bạn.
Trường hợp không ở cùng chủ trọ, đa số các bạn muốn tự do nên sẽ chọn trường hợp này. Trước khi quyết định thuê phòng trọ riêng biệt, bạn nên kiểm tra kỹ các thiết bị điện, ống nước cũng như các đồ vật có sẵn trong nhà xem có hư hỏng gì không trước khi bạn nhận phòng thuê để yêu cầu chủ nhà sửa lại và để tránh việc bạn chịu những chi phí hao tổn không phải do mình.
Nội dung liên quan
Tìm một việc làm thêm cho sinh viên
Bạn có thể chọn bất cứ ngành nghề nào, miễn là bạn có khả năng làm việc đó. Mục tiêu đơn giản chỉ là học, học và học. Càng làm sớm thì mình càng có nhiều kinh nghiệm. Đừng sợ gì hết, có rất nhiều cơ hội đang đợi bạn.
Làm thêm sẽ giúp bạn có thêm nhiều về kỹ năng trong cuộc sống đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Môi trường làm việc giúp bạn phải gặp gỡ nhiều người điều đó sẽ giúp bạn khôn khéo hơn trong việc giao tiếp. Khi kỹ năng giao tiếp tốt bạn sẽ làm quen được với nhiều người, mở rộng được mối quan hệ. Quan trọng hơn là bạn đã rút ngắn khoảng cách giữa thực tế và lý thuyết.
Sẽ thật tuyệt trong khi chúng bạn đồng trang lứa đang bung xõa hết mức thì bạn đang có thêm cho mình hàng ngàn kỹ năng bổ ích. Hãy thực hiện và hiên ngang bước vào đại học mà không phải sợ bất cứ điều gì.
Nguồn: TH&PL