Chuẩn bị xin thực tập, sinh viên cần bỏ ngay những suy nghĩ sai lầm này

Thực tập - một tấm vé ra trường dành cho những sinh viên năm cuối, nhưng không phải ai cũng biết cách chắt chiu những cơ hội tốt để tìm cho mình một vị trí thực tập tốt.

Thực tập là quá trình bất kỳ sinh viên nào cũng phải trải qua để có một tấm vé ra trường, đây còn là cơ hội tích lũy kinh nghiệm và cọ xát thực tế cực kỳ quan trọng cho những tân binh chuẩn bị ùa vào đời. Nhưng, không phải ai cũng biết cách "tạo thiện cảm" với nhà tuyển dụng, mà còn dễ mắc phải những suy nghĩ sai sau đây:

1. "Từ từ rồi nộp CV, không cần vội"

Bạn là sinh viên năm 4 và chuẩn bị đi thực tập, tức là cũng có hàng nghìn sinh viên năm 4 giống như bạn đang chuẩn bị thực hiện điều đó. Cơ hội luôn dành cho những người nhanh nhạy và có sự chuẩn bị chu đáo từ trước. Nếu bạn nộp CV quá muộn thì cơ quan nào cũng sẽ "lắc đầu" với bạn thôi vì… hết chỗ rồi. Chính vì thế, hãy luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế thật tốt từ sớm, đừng để đến nước đến chân mới nhảy thì khi đó thầy cô tại đại học cũng không thể cứu vớt bạn được đâu mà còn ảnh hưởng đến kết quả thực tập của bạn nữa đấy. 

chuan bi xin thuc tap sinh vien can bo ngay nhung suy nghi sai lam nay - anh 0

2. "Thực tập thôi mà, làm CV đơn giản thôi"

Các bạn nghĩ: "Thực tập chỉ là công việc tạm thời thôi mà, cần gì phải đầu tư CV". Nhưng bạn sẽ không biết rằng chính sự đơn điệu, sơ sài và có vẻ "tạm bợ" đó chính là lý do khiến bạn mất đi cơ hội thực tập. Vì chẳng có công ty nào muốn nhận một nhân viên sở hữu chiếc CV tẻ nhạt mang tính liệt kê cho có. Đầu tư những điều nhỏ nhặt sẽ giúp bạn thành công ở những điều lớn lao đó! 

3. "Chắc là mình không đậu rồi"

"Mình nộp CV đi cũng lâu rồi, sao chưa thấy phản hồi nhỉ? Chắc là không đậu rồi". Đó là tâm lý chung và cũng là một sai lầm lớn khi bạn suy nghĩ như vậy nhé! Sao bạn không thử chủ động liên lạc lại để tự tìm cho mình một câu trả lời rõ ràng thay vì ngồi ở nhà chờ đợi và đoán già đoán non như vậy. Chưa kể, khi bạn tỏ ra quan tâm đến công việc này sẽ khiến nhà tuyển dụng có thiện cảm hơn với bạn nữa đấy. 

chuan bi xin thuc tap sinh vien can bo ngay nhung suy nghi sai lam nay - anh 0

4. "Chắc chắn nộp CV một phát sẽ ăn ngay"

Không phải ai cũng may mắn được chọn ngay từ lần đầu tiên nộp CV xin thực tập. Để nâng cao cơ hội trúng tuyển bạn phải nộp ít nhất 10 CV cho 10 vị trí, công ty khác nhau. Hãy cứ gửi CV đi cho đến khi tìm được một chỗ thực tập ưng ý nhất và phù hợp với khả năng của bạn. Nên là hạn chế nộp CV vào một nơi duy nhất và... ngồi "chờ thời" với hy vọng mỏng manh. 

5. Không nhớ nổi quy trình ứng tuyển của công ty

Nếu như ngay cả quy trình ứng tuyển của công ty mà bạn còn không nhớ nổi thì làm sao bạn có thể đảm bảo hoàn thành tốt quy trình thực tập? Khi đó nhà tuyển dụng sẽ có nhiều cái nhìn không mấy tích cực về bạn nữa. Hãy cố gắng đọc kỹ quy trình chỉ dẫn của công ty, ghi nhớ và thực hiện một cách nghiêm túc để bảo vệ uy tín cá nhân của mình nhé. 

chuan bi xin thuc tap sinh vien can bo ngay nhung suy nghi sai lam nay - anh 0

6. "Em cũng không rõ nữa" 

Không một công ty nào muốn lựa chọn một nhân viên mà ngay từ những giây phút phỏng vấn đã tỏ ra hời hợt, kém hào hứng. Điều này cho thấy người ứng tuyển không nghiêm túc mà cũng chẳng hề nhiệt huyết với công việc. Bạn cần xác định mục tiêu rõ ràng mình đến đây để làm gì? Dù là bất kì lí do gì cũng được còn hơn là: "Em cũng không rõ nữa" nhé! Đây là câu trả lời tối kị khi tham gia phỏng vấn mà bạn cần lưu ý nhé.

7. "Cũng chỉ là thực tập thôi mà"

Đúng vậy, thực tập chỉ là một thủ tục để bạn có thể ra trường và đi làm. Nhưng thực tập chính là cơ hội để bạn có thể trải nghiệm và cọ xát với thực tế. Chưa kể, nếu thực tập tốt bạn sẽ được "giữ chân" ở lại với công ty đó nữa thay vì kết thúc thực tập xong phải chật vật đấu tranh kiếm tìm một công việc khác. Nên thay đổi suy nghĩ và đặt tâm huyết của mình vào bất kì việc gì nhỏ nhặt nhất vì đó chính là "tấm gương" phản chiếu con người bạn của sau này đấy. 

Chúc các bạn sinh viên năm cuối sẽ có cho mình những kết quả thực tập thật tốt đẹp nhé!

11 trạng thái tốt nhất của một sinh viên Đại học để chuẩn bị cho cuộc sống xa nhà

Sinh viên ra trường làm việc trái ngành có phải là một thất bại?

Sinh viên Đại học nên làm gì trước khi tìm việc?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ