Vô số những thông tin chỉ trích người cha trong sự việc chính là sự phản ánh rõ nét nhất cho lòng thương xót dẫn đến thái độ tiêu cực của dư luận.
Hiện tại, những thông tin bên lề trong sự việc nam sinh tự tử ở Hà Nội vì áp lực học tập vẫn đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh sự xót thương cho câu chuyện của gia đình, đâu đó vẫn là một bộ phận cư dân mạng với thái độ tiêu cực nhìn nhận vấn đề, đó đôi khi chỉ xuất phát từ sự đồng cảm nhưng đang dần khiến họ có sự đánh giá chưa đúng về mọi việc.
Nội dung liên quan
Ở đây không có ai là sai trong câu chuyện, chỉ có một gia đình mất mát, kẻ ra đi sau những sự dày vò và người ở lại sống cùng "bóng ma" tâm lý cả đời. Chúng ta hoàn toàn không phải những người trong cuộc, nên dừng việc đánh giá thông qua đoạn clip vài phút.
Dừng việc đánh đồng câu chuyện dưới ánh nhìn tiêu cực
Trước những thông tin lan truyền trên mạng xã hội và sự biến tướng không ngừng nghỉ, gia đình của nam sinh đó đã phải lên tiếng kêu gọi mọi người dừng lại một cách khẩn thiết đến đau lòng. Thế mới thấy, trong sự việc lần này cộng đồng mạng đang đi xa với vấn đề khi nhìn nhận lỗi sai một cách rất tiêu cực đến em học sinh và người bố trong câu chuyện.
Sự việc bên trong còn là một câu chuyện rất dài và tình cảm của người bố dành cho con đâu thể chỉ đong đếm trong vài phút. Người đã ra đi cũng sẽ chẳng thế nào trở lại được, nhưng người ở lại sẽ sống mãi trong những tổn thương của đời mình.
Đừng bao giờ xem quyết định của nam sinh Hà Nội là sự bất hiếu hay tội ác, càng dừng ngay việc lan truyền những hình ảnh cuối cùng. Sự việc đã là một mất mát quá lớn đối với gia đình nạn nhân, không ai lại muốn hình ảnh con mình cứ mãi xuất hiện khắp nơi cùng những điều tiêu cực, thông cảm cho nhau nhiều hơn là việc khiến mọi thứ trở nên tồi tệ.
Mạng xã hội luôn là con dao hai lưỡi, nó đáng sợ ở chỗ là thông tin luôn đi theo cách "tam sao thất bản", một sự thật có thể bị bẻ cong bất cứ lúc nào và mọi sự việc có thể sẽ không còn đúng với ban đầu.
Nội dung liên quan
Cộng đồng mạng hãy bao dung hơn cho những người ở lại
"Hãy để cho người còn sống có thể được sống. Xin hãy để cho anh chị mình được tiếp tục sống…", trích từ nội dung bài viết của gia đình nạn nhân. Cộng đồng mạng cũng hoàn toàn không sai khi có những cảm xúc cá nhân trước vấn đề, nhưng hãy nhìn nhận mọi chuyện theo nhiều khía cạnh và đồng cảm hơn với những gì đã xảy ra.
Lời nói có một mức độ sát thương rất lớn, chúng cũng có thể sẽ trở thành một công cụ để giết chết một con người. Những câu nói, dòng bình luận trong cảm xúc nhất thời của bản thân sẽ có một tác động nặng nề đến cuộc sống người khác, vì vậy hãy cẩn trọng trong mọi thứ, đặc biệt là trên không gian mạng.
Đừng cố đào sâu vào nỗi đau của người ở lại, hãy đặt bảo thân vào hoàn cảnh đó để thấu hiểu cho nhau nhiều hơn, hay ít ra là tránh việc bản thân có những phát ngôn chưa thật sự đúng. Tài khoản T.L. chia sẻ: "Vì không ở trong hoàn cảnh của người khác sẽ không biết, nó là cả một quá trình, dù không muốn cũng có những áp lực vô hình lên cả bố mẹ và con cái. Người trong cuộc là đau lòng nhất. Nên đừng buông những lời cay nghiệt, hãy cố gắng đừng để mình có khả năng rơi vào hoàn cảnh đó, đừng share nữa, hiệu ứng đám đông nó khủng khiếp lắm".
Năm tháng qua đi, chúng ta rồi chỉ đau trong chốc lát nhưng nỗi buồn đó sẽ mãi mãi âm ỉ trong lòng của những người làm bố, làm mẹ. Chưa rõ đúng sai thì đừng chỉ trích, chúng ta chỉ đang thấy bề nổi của tảng băng chìm rồi vội vã đánh giá.
Chúng ta có quyền được nói, nhưng hãy hành động một cách văn minh và tôn trọng người khác hơn.
Nguồn: TH&PL