‘Ái kỷ’ là gì?

Yêu bản thân nhiều có phải là bệnh không? Không. Nhưng nếu yêu bản thân đến mức ảo tưởng và không biết cảm thông với người khác thì có thể là một loại bệnh tâm lý

Theo Wikipedia, chứng ái kỷ (tên tiếng Anh: narcissistic personality disorder) là sự theo đuổi sự hài lòng từ sự phù phiếm hoặc sự ngưỡng mộ tự cao đối với hình ảnh và thuộc tính lý tưởng của một người. Điều này bao gồm tự tâng bốc, cầu toàn và kiêu ngạo.

Chữ "narcissism" xuất phát từ Narcissus, tên người thợ săn trong thần thoại Hi Lạp, vì quá yêu mình nên suốt ngày soi trên hồ nước để tự ngắm dung nhan. Nói đơn giản hơn, ái kỷ hay còn gọi là bệnh tự yêu mình. Nó sẽ là một loại rối loạn nhân cách nếu một người tự cao, thỏa mãn, ảo tưởng và không biết cảm thông với người khác.

ai ky la gi - anh 0
(Nguồn ảnh: Internet)

Nguồn gốc chứng ái kỷ

Theo các chuyên gia nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm lý ái kỷ vẫn chưa rõ ràng. Có một số giả thuyết cho rằng gen di truyền chiếm 50% quá trình hình thành nhân cách con người. Cũng có một số giả thuyết khác chứng minh là do tác động của môi trường xung quanh.

Người bị bệnh ái kỷ có thể là do đã tiếp xúc với môi trường quá dễ dãi dẫn đến hành vi ảo tưởng tự đề cao bản thân. Cũng có thể đó là môi trường thật sự khắc nghiệt dẫn đến áp lực nặng nề gây ra suy nghĩ tự luyến khi có một thành công nhất định.

Chứng ái kỷ còn bị ảnh hưởng bởi văn hóa, nhất là thông qua phim ảnh (các vai diễn ái kỷ trên TV, môi trường thù địch và chiến tranh). Nhưng có lẽ nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ gia đình và các mối quan hệ xung quanh. Sự kỳ vọng, nuông chiều quá mức hay sự ngược đãi bỏ bê là những hành động "góp phần" làm thay đổi tâm sinh lý dẫn đến tình trạng ái kỷ. 

Ở thời đại hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ cũng trở thành nguyên nhân gây ra căn bệnh ái kỷ. Bởi sự trợ giúp của công nghệ khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn, con người chỉ cần vài thao tác cũng có thể điều hành cả nhà máy. Việc này dẫn đến hành vi tự mãn, cho là bản thân giỏi lâu dần thành tự luyến và "rơi" vào vòng xoáy mang tên "tự yêu bản thân". 

ai ky la gi - anh 0
Danny Bowman, 19 tuổi sống ở Anh là trường hợp được ghi nhận tự tử do căn bệnh ái kỷ . Anh chàng đã cảm thấy tuyệt vọng vì không chụp được một bức hình hoàn hảo. (Nguồn ảnh: Internet)

Các dấu hiệu của bệnh ái kỷ 

Ái kỷ tuy là căn bệnh không rõ nguồn gốc nhưng vẫn có một số biểu hiện nhất định để nhận biết và nhanh chóng điều trị. Dưới đây là một số hành vi được các chuyên gia liệt kê cho thấy bạn đã "dương tính" với chứng ái kỷ:

  •  Luôn phóng đại thành công, sức mạnh, sức hấp dẫn của bản thân.
  • Ít hoặc không có sự đồng cảm với người khác.
  • Có nhu cầu được chú ý, ngưỡng mộ và công nhận rất cao.
  • Có niềm tin đặc biệt vững chắc về sự vượt trội của bản thân.
  • Luôn đòi hỏi quyền lợi từ các mối quan hệ.
  • Kiêu ngạo, tự phụ.
  • Có xu hướng lợi dụng người khác để trục lợi cá nhân.
  • Luôn ghen tị với người khác và tin rằng người khác cũng ghen tị với họ.
ai ky la gi - anh 0
Ái kỷ có những dấu hiệu bệnh dễ thấy (Nguồn ảnh: Internet)

Tuy nhiên đó cũng chỉ là những dấu hiệu nhất định không mang tính chính xác tuyệt đối bởi tâm lý con người luôn luôn là lĩnh vực phức tạp và khó lường nhất. Có đôi lúc chúng ta có những hành vi được liệt kê phía trên nhưng cần tỉnh táo xem xét đó là thói xấu nhất thời hay "sự ám ảnh" trong tư tưởng. Đôi khi hiểu lầm về bệnh trạng lại khiến chúng ta "bỗng dưng" trở thành bệnh nhân. 

Trên số liệu thực tế cho thấy người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ đang có xu hướng tăng. Cũng giống như các bệnh rối loạn nhân cách khác, rối loạn nhân cách ái kỷ rất khó chữa. Một phần là vì người mắc bệnh không cho rằng họ bị bệnh. Vì thế, họ không tự đi tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia. 

Tuy nhiên nếu có sự giúp đỡ, chia sẻ từ phía gia đình, bạn bè và áp dụng các phương pháp chữa trị từ sâu trong tiềm thức, người bệnh sẽ nhìn sâu vào bên trong và đối diện với chính những hành vi của mình. Bất cứ một căn bệnh tâm lý nào cũng gây ra sự ảnh hưởng rất lớn nhưng tình thương và sự cảm thông đến từ mọi người xung quanh là "liều thuốc" hóa giải tuyệt vời nhất.

Những sự thật không nên hiểu lầm về trầm cảm

Alo Gen Z: Sẽ thế nào nếu phụ huynh kỳ vọng sai cách?

‘Chỉ có học thôi mà cũng stress’: Gen Z đã trải qua những gì với áp lực học tập?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ