Ngay cả trong một đại dịch, khả năng đối phó với thảm họa của chúng ta cũng chỉ có giới hạn. Vì thế mà các triệu chứng "kiệt sức vì lo lắng" xuất hiện.
Đã gần hai năm trôi qua, hai năm chúng ta bị kéo vào một đại dịch khốc liệt, kéo dài và giờ đây, từng mẩu tin tức về biến thể Omicron tưởng chừng như quá tải đối với khả năng tiếp nhận của con người.
Và "burnout", thuật ngữ tâm lý học vốn dùng để chỉ sự kiệt sức, tách rời, đã xuất hiện như một từ vựng phổ biến ám chỉ sự làm việc trong thời gian dài, nhưng thậm chí nó còn trở thành một từ thông dụng hơn nữa khi nó len lỏi vào tất cả các ngõ ngách trong cuộc sống của mọi người trong đại dịch.
Thea Gallagher, một nhà tâm lý học lâm sàng và trợ lý giáo sư tại NYU Langone Health, cho biết: "Khi bạn trải qua tình trạng bất ổn và chấn thương kéo dài và không có hồi kết, bạn không còn cách nào khác ngoài việc xử lý thật nhiều vấn đề cùng một lúc".
Tiến sĩ Gallagher chia sẻ rằng về hậu quả của các thảm họa tự nhiên và nhân tạo, stress cấp tính thường dẫn đến kiệt sức và tuyệt vọng theo thời gian.
Tiến sĩ Srijan Sen, giám đốc của Frances and Kenneth Eisenberg và Family Depression Center tại Đại học Michigan, cho biết loại kiệt sức tiêu hao hết năng lượng trong lúc căng thẳng tột độ là biểu hiện bình thường và được mong đợi.
Trong hai tháng đầu tiên của đại dịch Covid-19, cá nhân ông đã quan sát thấy sự sụt giảm bất ngờ, đáng kể về bệnh trầm cảm ở các nhân viên y tế, mà ông cho rằng đó là vì họ có ý thức cộng đồng và mục đích. Nhưng ông nói rằng, khi đại dịch kéo dài, họ đã trở nên đau khổ và mệt mỏi hơn, khi họ phải vật lộn với "mức độ cảnh giác và lo lắng có thể trụ vững trong hai tuần hoặc hai tháng, nhưng không phải là hai năm".
Và triệu chứng này được gọi là "worry burnout" hay "kiệt sức vì lo lắng".
Vậy điều gì khiến chúng ta "kiệt sức vì lo lắng"?
Jeffrey Cohen, nhà tâm lý học lâm sàng, đồng thời là giáo sư tâm thần học tại Columbia, cho biết chúng ta trải qua nhiều cung bậc cảm xúc là có lý do. Cảm xúc sợ hãi là một công cụ được tiến hóa để phản ứng lại các mối đe dọa; cảm xúc lo lắng sẽ gửi một tín hiệu báo động thông qua não của chúng ta, cảnh báo chúng ta rằng chúng ta cần phải giữ bản thân an toàn.
Nhưng ở giai đoạn này của đại dịch, chúng ta đã đối mặt với mối đe dọa "không có hồi kết" của Covid-19 trong một thời gian quá dài đến mức chúng ta không còn tin tưởng vào bộ não của mình khi chúng nói với chúng ta rằng chúng ta đang bị tấn công. Tiến sĩ Cohen nói: "Giống như kiểu liệu nó còn là một báo động thực sự nữa không?".
Ông nói thêm rằng các triệu chứng sinh lý học của căng thẳng đeo bám chúng ta. Hệ thần kinh của chúng ta phản ứng với lo lắng: Nồng độ cortisol tăng lên, nhịp tim tăng. Cuối cùng, chúng ta rơi vào tình trạng kiệt quệ, kiệt sức triền miên.
Michelle Newman, giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Pennsylvania, người nghiên cứu về bệnh trầm cảm và lo âu, cho biết: "Cơ thể bạn không thể duy trì mức độ lo lắng cao trong thời gian dài mà không bị mệt mỏi".
Sự kiệt sức đó có thể là báo hiệu của sự chấp nhận căn bản với cuộc sống bình thường mới. Tiến sĩ Cohen nói rằng sự lo lắng thúc đẩy chúng ta giải quyết vấn đề, nhưng chúng ta không thể lập chiến lược hoặc lập kế hoạch thoát khỏi đại dịch, dù chúng ta tiêu hao bao nhiêu năng lượng tinh thần đi chăng nữa.
Các dấu hiệu của "kiệt sức vì lo lắng"
Tránh xem tin tức. Tiến sĩ Gallagher cho biết, bạn có thể cảm thấy như mình không thể xử lý được một tiêu đề đáng lo ngại khác hoặc nghe thêm thông tin cập nhật về virus.
Vô cảm. Tiến sĩ Judson Brewer, phó giáo sư tại Đại học Brown, cho biết sự kiệt sức vì lo lắng có thể liên quan tới hiện tượng mà các nhà tâm lý học gọi là "bất lực tập nhiễm" (learned helplessness). Căng thẳng có thể đã thúc đẩy chúng ta trong những ngày đầu của đại dịch rằng phải cố gắng tìm ra các giải pháp để việc giãn cách trở nên thoải mái hơn. Giờ đây, ông nói, nhiều người trong chúng ta đã nhận thức được rằng chúng ta không thể kiểm soát được nhiều điều vượt quá hành vi cá nhân của mình.
"Nếu chúng ta dành toàn bộ thời gian để lo lắng, nó sẽ giống như việc chúng ta nổ máy, gạt cần số xe ô tô về N (trạng thái tự do) rồi nhấn ga và tự hỏi tại sao chúng ta không đi đâu cả", ông nói.
Vật lộn với tình trạng không ổn định kéo dài đó khiến chúng ta tự hỏi, trong ý thức hay tiềm thức, rằng mấu chốt của việc quan tâm là gì và tại sao chúng ta phải chú ý đến tin tức.
Luôn thấy mệt mỏi. Sau một khoảng thời gian lo lắng, mọi người thường cảm thấy chán nản và suy kiệt, Tiến sĩ Newman nói. Cho dù nguồn gốc của nỗi lo lắng là một thảm họa toàn cầu hay căng thẳng hàng ngày về công việc hoặc gia đình thì chúng vẫn khiến chúng ta không ngừng tìm kiếm các mối đe dọa cho đến khi chúng ta kiệt sức, bà nói thêm.
Cảm thấy vô vọng. Mọi người có thể cảm thấy như họ đã "làm mọi thứ đúng đắn" trong đại dịch, Tiến sĩ Neal-Barnett nói. Chúng ta giãn cách xã hội trong nhiều tháng, tiêm phòng, tuân theo các hướng dẫn, quy định chính thức và vẫn đang mắc kẹt trong một thảm họa diễn ra chậm chạp. "Bạn có thể thấy mình ngày càng suy nghĩ tiêu cực hơn", bà nói.
Tức giận hơn bình thường. Tiến sĩ Neal-Barnett cho biết: Giận dữ cũng có thể xuất hiện khi chúng ta trải qua nhiều cảm xúc - chúng ta có thể mất bình tĩnh nhanh hơn hoặc thấy mình thiếu kiên nhẫn hơn.
Lời khuyên từ chuyên gia để phá vỡ vòng tuần hoàn kiệt sức này
Các chuyên gia gợi ý rằng chúng ta nên bắt đầu thực hành các bài tập thiền, dù chỉ vài phút mỗi ngày, để tìm lại cảm xúc và cảm nhận cuộc sống thực tại. Tiến sĩ Brewer đã sáng tạo một bài tập thở đơn giản khi đang di chuyển; tờ Times cũng đăng tải hướng dẫn dành cho người mới bắt đầu tập thiền. Những kỹ thuật này tất nhiên sẽ không làm cho đại dịch biến mất, nhưng chúng có thể giúp chúng ta lùi ra xa hơn bờ vực kiệt sức.
Tiến sĩ Srijan Sen gợi ý: Nếu bạn đang trải qua hiện tượng kiệt sức vì lo lắng, bạn hãy cố gắng thực hiện những thói quen hằng ngày cơ bản lành mạnh như ngủ đủ giấc, chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục phù hợp và chú ý đến các yếu tố trong cuộc sống mà khiến bạn cảm thấy được "sạc lại" năng lượng.
Các cuộc trò chuyện không liên quan đến virus với bạn bè có thể khiến tâm trạng của bạn khá hơn hay các tương tác xã hội có khiến bạn chưa lành hơn là kiệt sức. Đắm mình vào một cuốn sách có thể là cách phân tâm hiệu quả hơn việc chỉ dành thời gian lướt mạng xã hội.
Hãy cố gắng nhận ra những triệu chứng của bản thân, nhận thức được khi bạn trở nên kiệt sức vì lo lắng để có thể tìm đến các phương pháp giúp chữa lành sớm hơn và có tác dụng hơn.
Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.
Nguồn: TH&PL