Bên cạnh những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, năm qua cũng là khoảng thời gian với rất nhiều biến động liên tục trên mạng xã hội.
Một năm với rất nhiều những thách thức và sự thay đổi cũng đã sắp kết thúc, ngoài những khó khăn từ dịch bệnh là vô số những drama nối tiếp nhau. Những cuộc khẩu chiến kịch liệt diễn ra không có hồi kết, những bài phốt nhau liên tục xuất hiện, "trà xanh" cùng những lùm xùm tình ái… tất cả đều đã tạo ra vô số những ý kiến tranh cãi khác nhau trên khắp mạng xã hội.
Chưa thể bàn cãi đến tính đúng sai của sự việc hay nhận định cá nhân nào đã sai lệch, mọi góc nhìn đều mang tính quan điểm riêng. Nhưng trong những sự việc suốt một năm qua có thể thấy điểm chung của dư luận xã hội, đó là tâm lý đám đông một chiều, luôn nhìn nhận vấn đề một cách vội vàng và thiếu đi sự nhìn nhận khách quan trước mọi diễn biến của sự việc.
Tâm lý "hóng chuyện" đẩy các drama đi xa
Từ lĩnh vực giải trí vốn có được sự quan tâm của dư luận đến cuộc sống hằng ngày, năm 2021 được nhiều người ví như sự lên ngôi của drama, khi đi đến đâu cũng đều có những sự việc gây tranh cãi. Từ vụ thầy giáo mắng sinh viên, "trà xanh", từ thiện… mạng xã hội đã tràn lan vô số những thông tin tiêu cực bởi chính sự dẫn dắt mù quáng từ dư luận mạng.
Không cần biết đúng sai của sự việc, cứ thấy bên nào có lý thì thuận theo đó mà nhanh chóng đưa ra những bình luận tiêu cực hay nút share trở thành công cụ truyền bá những tư tưởng lệch lạc. Họ luôn tò mò với chính cuộc sống của một ai đó, để không ngần ngại tìm kiếm mọi cơ hội để có thể soi mói, bới móc đời tư, thậm chí là công kích chỉ vì cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Khi có nhiều thời gian rảnh rỗi bởi những tác động của dịch bệnh, con người càng có nhiều hơn nữa các điều kiện để mang những câu chuyện này đi xa, đôi khi chính bản thân họ cũng là những cá nhân tác động đến những diễn biến phức tạp của sự việc.
Mọi chuyện có lúc không như chúng ta tưởng tưởng nhưng sự suy diễn của đám đông đã vô tình tạo ra một "kịch bản" hoàn toàn mới, và nhân vật chính là các cá nhân trong sự việc không đáng có.
Những drama trong suốt năm qua có nguyên nhân không chỉ đến từ các mâu thuẫn hay lỗi sai của người trong cuộc, nó còn đến từ đám đông thích "hóng chuyện" khiến sự việc đi lệch với quỹ đạo của riêng nó. Điều này vốn rất khó có thể kiểm soát khi dư luận xã hội vẫn luôn là con dao 2 lưỡi, có thể mang một tội ác ra ánh sáng, song cũng có thể vùi dập và khiến các câu chuyện trở nên lệch lạc bởi những suy nghĩ tiêu cực.
Nội dung liên quan
Những tranh luận dựa trên cảm tính một chiều
Bất kể một drama nào cũng đều có những ý kiến tranh cãi khác nhau, kẻ phán đối và người bảo vệ nhưng chung quy trong cách suy diễn của đám đông trên mạng xã hội vẫn chỉ dựa theo những câu chuyện mà họ có thể nhìn thấy, còn sâu xa bên trong thì lại chẳng quan tâm.
Dưới góc độ này đã khiến không ít những cá nhân hành động và suy nghĩ một cách cảm tính, thay vì lý trí để nhìn nhận sự việc đúng đắn hơn.
Tất cả những quan điểm đưa lên mạng xã hội hay các ý kiến tiêu cực đều đến từ một hướng trong những lần drama nổ ra, điều này đã khiến câu chuyện dần đi sai với sự thật ban đầu. Mặt khác, việc không có được sự lên tiếng hay giải thích rõ ràng từ những người trong cuộc càng khiến các sự việc ngày càng trở nên bị thay đổi.
Tuy nhiên, đã là những tranh luận thì sẽ không thể nào phân định được đúng sai, trong khi những người trong cuộc vẫn im hơi lặng tiếng thì dư luận lại luôn sôi nổi, nghịch lý này vẫn đã luôn tồn tại trong rất nhiều những đợt drama diễn ra. Song đó thì cũng có những thời điểm nhất định, các câu chuyện cũng rơi vào quên lãng và sẽ có sự nối tiếp của hàng loạt drama mới.
Vốn dĩ để chấm dứt điều này là rất khó, đã gọi là đám đông thì xu hướng lây lan của chúng sẽ vô cùng nhanh chóng, điều quan trọng là bản thân mỗi người biết tự đặt ra giới hạn trong việc tiếp nhận thông tin. Chúng ta sẽ cần cập nhật những diễn biến trên mạng xã hội nhưng đừng để điều này vô tình khiến bản thân có hành vi không đúng đắn.
Sự tiêu cực trong hành vi của đám đông dư luận
Không chỉ dừng lại ở việc hóng hớt, nhiều người còn trực tiếp tạo dựng nên rất nhiều những thông tin sai sự thật, thậm chí công kích và kêu gọi tẩy chay một cá nhân khi vẫn chưa rõ ràng trong thông tin. Điều này đã không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, mà còn là sự tác động nặng nề đến tâm lý, danh dự và công việc của họ.
Đứng trước những hành vi sai trái thì chúng ta vẫn cần nên lên án và bài trừ, song thì mọi thứ vẫn còn có pháp luật giải quyết nên trong mọi vấn đề, việc giữ cho mình thái độ bình tĩnh là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cũng đừng tự cho mình quyền được phán quyết thông qua những bình luận vô nghĩa trên mạng xã hội, điều này chỉ đang chứng tỏ cho sự thiếu văn minh trong cách ứng xử.
Trên thực tế, giải quyết được những drama là điều không thể vì đó vốn vẫn là những câu chuyện của người khác, nhưng ta vẫn có thể chủ động điều chỉnh lại hành vi bản thân sao cho phù hợp hơn để tiếp cận những diễn biến của sự kiện. Đó là việc giữ cho mình thái độ im lặng hay đưa ra những ý kiến cá nhân một cách khách quan, thay vì dùng những lời lẽ nặng nề để tác động lẫn nhau.
Những drama thì không thể biết khi nào sẽ kết thúc hay có còn những diễn biến tiếp theo hay không, nhưng cần nhìn nhận rằng đó vốn dĩ vẫn là những câu chuyện thuộc phạm trù cá nhân và chỉ có những người trong cuộc mới có thể giải quyết được. Có bức xúc, không đồng tình hay bất cứ thái độ nào vốn cũng là điều rất bình thường nhưng cần hơn hết vẫn là sự văn minh trong cách ứng xử của con người.
Nguồn: TH&PL