Tâm lý đám đông đã xuất hiện từ lâu nhưng những ngày gần đây chúng lại được phổ biến rầm rộ thông qua những cuộc tranh luận, công kích lẫn nhau trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Thời đại 4.0 với những phát triển vượt bậc của công nghệ và internet, người ta có thể dễ dàng tìm thấy nhiều điều thông qua các công cụ này. Nhưng đây cũng đã và đang vô tình trở thành mầm mống cho vô số những điều tệ hại, thậm chí có phần không còn đúng với chuẩn mực đạo đức.
Công cụ livestream trở thành một tiện ích mà rất nhiều người thực hiện để tạo ra những giá trị tích cực nhưng hiện lại là nơi cho những lời xúc phạm, thóa mạ danh dự người khác hay là nền tảng để "phốt" và vạch trần những điều cực tiêu cực của nhau. Điều đáng nói, xu hướng ảnh hưởng của đám đông ngày càng lan rộng sau những đoạn livestream như vậy, khiến đây đang trở thành những điều vô cùng tiêu cực.
Sự dẫn dắt tai hại từ phía cộng đồng mạng
Không thể phủ nhận được những lợi ích mà mạng xã hội đã mang đến cho con người, từ khi chúng xuất hiện ta lại có thêm định nghĩa mới về thế giới ảo, tuy có thể là những hành vi hay lời nói không ở thực tế nhưng lại có sức mạnh vô cùng to lớn tác động đến cuộc sống của mỗi cá nhân.
Cư dân mạng có thể dễ dàng đưa một ai đó lên để trở thành một hiện tượng, một thần tượng nhưng cũng mau chóng để họ rơi vào sự quên lãng. Lợi dụng sự lan truyền nhanh chóng, các loại văn hóa tiêu cực đang dần trở dần trở thành thứ "món ăn" giải trí của rất nhiều người, họ có thể dành hàng giờ, thậm chí nhiều ngày liền chỉ để dán mắt vào các livestream, đoạn clip của các cá nhân chửi mắng, công kích nhau trên mạng.
Và chính những sự dẫn dắt tai hại này, đã trực tiếp biến những người dùng mạng xã hội cũng trở thành những kẻ đi công kích người khác, họ chỉ nhìn vào vấn đề trước mắt để đánh giá những cá nhân khác chỉ vì những cảm xúc có phần nhất thời của bản thân. Phía sau những cuộc khẩu chiến trên mạng xã hội, chắc chắn sẽ là những cuộc tranh luận không hồi kết từ phía cộng đồng mạng.
Vấn đề này sẽ gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến lối hành xử của con người trong xã hội, đó chính là dùng bạo lực ngôn từ để giải quyết mọi vấn đề hay đơn giản dễ nhìn thấy là lối sống tiêu cực, luôn muốn nhìn nhận những khuyết điểm của người khác để tạo nên những sự tổn thương. Đó không còn dừng lại ở giới hạn là những cuộc tranh luận, phản biện để làm sáng tỏ mọi thứ mà đang trở thành một hành vi thiếu văn hóa trên không gian mạng.
Nỗi ám ảnh với tâm lý đám đông
Nhiều người vị sợ bản thân bị lạc hậu, không bắt kịp xu hướng nên dành rất nhiều thời gian chỉ để liên tục cập nhật những thông tin với những cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội. Họ cũng không ngần ngại hòa mình vào đám đông và thuận theo những ý kiến mà người khác đánh giá là đúng bởi nỗi sợ bị bỏ lỡ.
Tâm lý đám đông hiện đã gây ra những tác động lên nhiều phía. Có thể nói đến chính là nhu cầu nhận được sự chú ý và quan tâm từ đám đông của con người, một số nhân vật khi nhận thấy chính những lời nói, cách ứng xử của bản thân đang được nhiều người ủng hộ nên liên tục duy trì mà chẳng bận tâm đến việc đúng sai hay những tác động tiêu cực của vấn đề.
Ngoài ra, hiện tượng này cũng đã tác động đến những hành vi và suy nghĩ của con người, để rồi luôn phải tuân theo những điều mà số đông cho là đúng mà bản thân lại chẳng có bất kỳ những chính kiến hay phản biện nào. Đôi lúc, cũng có những suy nghĩ riêng nhưng trước áp lực của đám đông thì họ rất khó để lên tiếng và nếu nói ra thì rất có thể trở thành nạn nhân của những lời công kích.
Việc bắt kịp trào lưu từ đám đông đang vô tình tạo nên những định hướng ứng xử có phần lệch lạc, khiến nhiều người mơ hồ trước những thông tin và không nhận ra được bản chất thật sự của sự việc. Khi những những điều tiêu cực được đám đông duy trì sẽ che lấp đi những điều tốt đẹp và trở thành tiêu chuẩn của chân lý, điều này sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Những hệ lụy đáng tiếc sau những đoạn clip được lan truyền
Tuy xuất hiện những đoạn clip không hay trên mạng xã hội thì song đó vẫn tồn tại rất nhiều điều tích cực và ý nghĩa. Đáng quan ngại ở đây, là dù tần suất xuất hiện và phủ sóng của 2 vấn đề này là ngang nhau nhưng cộng đồng mạng thường dành nhiều sự chú ý cho những thông tin, đoạn clip nhạy cảm, dùng lời lẽ thiếu văn hóa.
Chỉ cần một cuộc công kích của đám đông trên mạng xã hội thì bất kể là ai cũng sẽ trải qua khủng hoảng tâm lý và những ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thực tế. Chính sự liên kết mạnh mẽ của tâm lý đám đông sau những lần phát livestream sẽ khiến cho những ý kiến của một số cá nhân nhận định đúng về vấn đề bị cô lập.
Điều này cũng trở thành những thói quen xấu trong tư duy của con người, bởi chỉ biết thuận theo ý kiến của đám đông vì sợ sự đào thải nhất thời, trở nên thiếu bản lĩnh và dễ dàng bị lôi kéo trong nhiều sự việc khác của cuộc sống. Hơn hết chính là rơi vào lối sống với những điều tiêu cực và thiếu văn minh.
Ngoài ra, nó còn đang vô tình tạo nên một thế hệ vô cảm, luôn coi trọng những bình luận từ đám đông, nhìn nhận vấn đề một chiều để thoải mái và vội vàng trong việc đánh giá một ai đó chỉ qua những lời nói phía sau các đoạn clip từ người khác. Liên tục công kích, dùng lời lẽ nặng nề để quy chụp cho cả một cộng đồng hay số đông con người nhất định trong xã hội.
Nguồn: TH&PL