Thi lại Đại học: Sự "phục thù" gan dạ nhưng cũng nhiều "thua thiệt"

Việc các bạn dùng hết can đảm để dừng học và quyết định thi lại đã là một bước ngoặt đáng tự hào.

Sẩy chân trượt nguyện vọng 1, không ít bạn ngậm ngùi lao vào nguyện vọng 2, 3 để "học tạm" cho có tấm bằng Đại học. Ngược lại, cũng có nhiều bạn dũng cảm đánh đổi một năm tuổi trẻ để chờ thi lại và theo đuổi đúng đam mê của mình. 

Và dĩ nhiên, chẳng có ai sai ai đúng giữa hai lựa chọn trên. Một bên chọn an phận, một bên chọn đấu tranh và dày vò để theo đuổi ước mơ. Tất cả đều đáng trân trọng như nhau miễn là bạn cảm thấy thỏa mãn với lựa chọn của mình. Nhưng ở bài viết này, tôi muốn dành một sự tôn trọng nhất định đến các bạn chọn thi lại Đại học vì các bạn thật sự rất dũng cảm!

thi lai dai hoc su phuc thu gan da nhung cung nhieu thua thiet - anh 0

Thi lại Đại học, nghe thôi đã cảm thấy.... thua thiệt! 

Đó là cảm giác lo sợ: "Lỡ mình rớt một lần nữa thì sao?". Cảm giác này sẽ cực kì tồi tệ và "đau" hơn gấp trăm nghìn lần của lần trượt đầu tiên vì bạn đã: hy sinh thời gian một năm chờ đợi, hy sinh cả chiếc ghế trên giảng đường Đại học hiện tại, hy sinh tiền bạc, hy sinh công sức, và… hy sinh cả niềm tin đặt vào bản thân. 

Không ít bạn chọn cách "né tránh" ước mơ để an phận với ngành học vô tình trúng tuyển. Vì chính các bạn ấy chẳng dám đối diện với kỳ thi Đại học một lần nữa, tại các bạn thừa sức biết rằng... nó cực kỳ khó! 

Áp lực sau kỳ thi cũ có thể xem là một yếu tố tâm lý với nhiều người. Không ít bạn có thể đón nhận những áp lực tâm lý ấy từ bố mẹ, bạn bè, gia đình, họ hàng và thậm chí là áp lực từ bản thân họ. Sự thất vọng, hụt hẫng có thể mang tới một vết trượt dài về thời gian cho nhiều thí sinh sau một cuộc thi thất bại. Ngay cả khi muốn thi lại, những áp lực đó lại khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi rồi lại nản chí và bỏ cuộc giữa đoạn đường. 

thi lai dai hoc su phuc thu gan da nhung cung nhieu thua thiet - anh 0

"Vào một buổi sáng tại kí túc xá, sau khi sinh hoạt câu lạc bộ ở trường về, mình đã quyết định thi lại đại học. Về phòng nói với mấy đứa cùng phòng: "Tao sẽ thi lại để chuyển sang Ngoại Thương", nói xong tự cảm thấy cơ thể bủn rủn. Để đi đến một quyết định như này, mình đã phải dành hàng tháng trời trằn trọc trong bế tắc" - Đó là chia sẻ của Dương Văn Thuyên, một người từng thi lại Đại học và hiện đang là một huấn luyện viên cuộc sống chuyên nghiệp cho giới trẻ. 

Một trong những khó khăn nữa trong việc ôn thi lại, đó là bạn sẽ không còn các thầy cô giáo trên lớp để hướng dẫn, truyền tải và giải quyết các vấn đề vướng mắc. Và quan trọng hơn là bạn chỉ có "một mình" trên cuộc chiến đó bởi vì chẳng mấy ai "gan dạ" để thi lại giống như bạn. Việc "đơn thân độc mã" trên chặng đường khiến bạn dễ chán nản, không có người đồng cảm và… từ bỏ là chuyện sớm muộn! 

thi lai dai hoc su phuc thu gan da nhung cung nhieu thua thiet - anh 0

"Để không nản lòng trong việc ôn thi, tôi đã tụ tập bạn bè của mình và tạo nên một nhóm 8 người gọi là: "Hội thi lại". Nhưng… từng người từng người một dần bỏ cuộc. Có người lựa chọn đi làm, có người quyết định lấy chồng, có người chỉ đơn giản là… nản" - bạn Công Minh, người từng thi lại 2 lần để theo đuổi ước mơ vào trường Đại học Ngoại Thương. 

Thiệt thòi tiếp theo là sự phụ thuộc vào thời gian, điều này đã hình thành nên tâm lý ỷ lại của rất nhiều sĩ tử. Với suy nghĩ "thời gian còn nhiều, học lúc nào cũng được" đã khiến cho nhiều bạn hao phí một khoảng thời gian không hề nhỏ cho việc ôn thi. Trong khi đó, các bạn quên rằng kiến thức và kỹ năng rất nhanh hao hụt theo thời gian và sẽ khó lấy lại kiến thức nền cho dù các bạn đã hơn các chiến binh khác 1 năm kinh nghiệm đi thi. 

Phục thù nhưng phải tự lượng sức mình và biết nỗ lực

Cũng trong tâm lý chủ quan, nhiều bạn sang năm sau thi lại thường chọn những trường quá sức mình với suy nghĩ "học nhiều năm rồi thì phải thi trường cao hơn". Suy nghĩ này nên được đặt là mục tiêu ngay khi bắt đầu đầu ôn thi lại. Nếu không, nên chọn những trường vừa sức mình, có thể như năm ngoái hay thấp hơn năm ngoái.

thi lai dai hoc su phuc thu gan da nhung cung nhieu thua thiet - anh 0

"19,5 điểm… đó là con số mà tôi đạt được sau vài tháng miệt mài cày cuốc từ 8 giờ sáng đến 3 giờ sáng hôm sau để… thi lại đại học" - bạn Công Minh chia sẻ bài viết trên Facebook và kể về hành trình thi lại thi lại Đại học 2 lần của mình. Sau nhiều lần hoài nghi bản thân, nhiều lần bỏ cuộc rồi lại quyết tâm chinh phục, Công Minh cũng đã trở thành thủ khoa của một ngành học tại Đại học Ngoại Thương sau lần thi Đại học thứ 3 để "phục thù". 

Là một người vừa thi lại Đại học trong năm nay, bạn An Lê cũng gửi lời đến các bạn 2k3: "Nếu chưa thực sự thỏa mãn với kết quả của bản thân, chưa đỗ vào ngành mình thật sự mong muốn thì các bạn cứ mạnh dạn ôn thi lại nhé. Tất nhiên, việc ôn thi lại sẽ không đơn giản là cầm những tờ đề cày tiếp đoạn kiến thức còn dang dở mà còn là một quá trình có đủ mồ hôi, công sức, nước mắt nhưng sẽ đổi lại những quả ngọt xứng đáng". 

thi lai dai hoc su phuc thu gan da nhung cung nhieu thua thiet - anh 0

Việc các bạn dùng hết can đảm để dừng học và quyết định thi lại đã là một bước ngoặt đáng tự hào. Điều đó chứng tỏ bạn dám bước ra khỏi vùng an toàn, dám theo đuổi và chinh phục ước mơ của mình. Cũng nhờ vào khoảng thời gian ôn thi lại 1 năm, các bạn sẽ có cơ hội lắng đọng lại để hiểu mình thật sự muốn gì, cần gì và thích gì. 

Dù bạn quyết định như nào đi chăng nữa thì cũng phải biết rõ tại sao mình quyết định như vậy. Điều quan trọng hãy dùng hết năng lượng để hiện thực hóa nó. 

Đã vào được đại học, rồi sao nữa?

Người ta đậu đại học hết rồi, còn mình vẫn đang đợi điểm chuẩn!

Điểm thi tốt nghiệp thì quan trọng, nhưng không phải là "dấu chấm hết"

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ