Trước bi kịch đau lòng, thứ mà gia đình cậu bé hay chính mỗi chúng ta cần trong thời điểm này là sự sẻ chia và thức tỉnh chứ không phải những lời chỉ trích, phán xét, đổ lỗi. Bởi người ra đi cần được thanh thản, và những người ở lại cần được sống tiếp, một cách tốt đẹp hơn.
Rạng sáng ngày 1/4/2022, một nam sinh trường chuyên tại Hà Nội đã nhảy lầu tự tử trong sự bàng hoàng của gia đình. Trước khi ra đi, cậu để lại một bức thư tuyệt mệnh. Không lâu sau đó, đoạn clip trích xuất camera ghi lại khoảnh khắc bi kịch cùng nội dung bức thư tuyệt mệnh của cậu nhanh chóng "tuồn" lên mạng xã hội. Từ đó, phần lớn người xem đoán rằng áp lực từ việc học hành, không tìm được sự chia sẻ thấu hiểu từ gia đình đã dẫn cậu bé đến quyết định cực đoan nhất – tự kết liễu cuộc đời.
Nội dung liên quan
Vụ việc đau thương trên trở thành tâm điểm của truyền thông và mạng xã hội trong suốt 2 ngày qua. Không ít cư dân mạng chia sẻ thông tin và bày tỏ sự đau xót, thương cảm cho số mệnh ngắn ngủi của cậu bé. Ngoài ra, nó cũng làm gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về phương thức giáo dục trẻ vị thành niên cùng tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần.
Tuy nhiên, thật khó hiểu khi đoạn băng ghi hình camera an ninh gia đình cùng bức thư ám ảnh mang tính chất riêng tư như thế lại có thể được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Đây là hành động xâm phạm nặng nề đến quyền cá nhân của con người.
Bên cạnh đó, xuất hiện rất nhiều bài viết, bình luận chỉ trích gay gắt hướng đến hành động của cậu thiếu niên lẫn gia đình, người thân của cậu. Có người cho rằng nam sinh này thật dại dột, ích kỉ khi tự tử mà không nghĩ đến nỗi đau của người thân. Ở phía ngược lại, không ít người chĩa mũi dùi công kích bố mẹ cậu bé, nhận xét họ vô tâm, bàng quan, "ác" và thiếu kiến thức nuôi dạy con cái. Nhưng sự hằn học, mạt sát, phán xét đó có phải là thái độ ứng xử đúng đắn mà chúng ta cần trong thời điểm hiện tại?
Nội dung liên quan
Tất nhiên, khi một sự việc chấn động xảy ra, ai cũng có quyền bày tỏ quan điểm và nêu lên chính kiến cá nhân. Điều quan trọng là mỗi chúng ta nhìn thấy và hiểu được bao nhiêu phần trăm bản chất của câu chuyện? Hơn hết, trước mất mát quá lớn lao của một gia đình, tọc mạch hay phán xét chỉ làm loang rộng thêm vết thương vốn dĩ đã quá đau đớn. Nhìn sâu vào bản chất của câu chuyện, cả cậu nam sinh và bố mẹ cậu đều đáng thương.
Kết cục đó là hệ quả của độ chênh quá lớn trong nhân sinh quan của hai thế hệ, được sinh ra và nuôi dạy trong hai thời đại quá khác biệt về bản chất. Tin rằng bố mẹ em đã rất yêu thương em, nhưng xót xa thay là yêu thương sai cách. Bố mẹ em có lẽ cũng đã lớn lên trong những khuôn mẫu truyền thống, với cách giáo dục mang nặng sự áp đặt đã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong văn hóa Á Đông, gia đình lúc nào cũng phải đặt lên đầu và sĩ diện gia đình là thứ mà bao người xem là mục tiêu tối thượng trong cuộc đời. Mà căn bệnh thành tích nào phải chỉ tồn tại trong môi trường học đường, nó vẫn nhan nhản nơi công sở, len lỏi trong từng mối quan xã hội của những người trưởng thành. Một bi kịch đến từ lối suy nghĩ mang tính hệ thống.
Nội dung liên quan
Chợt nghĩ đến những dòng đầy bùi ngùi của nhà văn Thụy Điển Fredrick Backman trong quyển Những kẻ âu lo: "Bạn có biết điều tồi tệ nhất khi làm cha mẹ là gì không? Rằng bạn luôn bị đánh giá bởi những khoảnh khắc tồi tệ nhất của mình". Và đúng vậy, từ nay về sau họ sẽ bị đánh giá bởi khoảnh khắc tồi tệ nhất cuộc đời họ. Âu tất cả cũng là do nỗi sợ mà ra, sợ thua thiệt, sợ con không hạnh phúc, sợ con không có tương lai… Nhưng họ đã không nghĩ đến cái sợ kinh khủng nhất: Sợ con lìa bỏ cuộc đời…
Nói như vậy không đồng nghĩa với việc nhắm mắt cho qua. Bởi sự ra đi của nam sinh ở Hà Nội chính là hồi chuông tỉnh thức cho toàn xã hội. Làm người tử tế thôi đã khó, để trở thành MỘT AI ĐÓ lại càng áp lực hơn gấp bội.
Trong thời đại mà mọi thứ xoay chuyển, biến hóa quá nhanh như hiện tại, những người trẻ rất dễ rơi vào trạng thái hoang mang trên hành trình đi tìm mục đích sống và chân giá trị của bản thân mình. Nếu những lo lắng, âu lo đó không được đáp lại với sự cảm thông, tôn trọng đúng mực thì rất dễ tích tụ thành những thương tổn, vùng tối trong tâm hồn.
Ngoài ra, người Việt Nam cũng chưa đủ sự nhìn nhận nghiêm túc về sức khỏe tinh thần để phát hiện và đưa ra giải pháp "gỡ nút thắt" kịp thời. Điều này không nên được xem như vấn đề "đao to búa lớn" mà phải nằm trong nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm cần tạo ra sự thay đổi. Mỗi người sinh ra đều là những cá thể riêng biệt, không thể nào ép một ai đó phải đi theo mẫu số chung. Để hạnh phúc, có lẽ ta cần bao dung cho chính bản thân mình và cả với mọi người xung quanh.
Thật khó để nói đúng sai trong vụ việc này. Câu chuyện thương tâm vừa qua tất nhiên cần phải được kể lại để cảnh tỉnh cho những người khác. Nhưng kể lại bằng thái độ nào để cuộc sống được phép tiến lên và trở nên tốt đẹp hơn lại càng quan trọng.
Chắc chắn không phải bằng cách like, share vô tội vạ đoạn clip và bức thư mang nỗi đau của một gia đình. Và lại càng không bằng cách chửi rủa, xỉ vả, phán xét người ra đi lẫn người ở lại. Thương đau đã quá nhiều, chỉ cần lắm hai chữ "bao dung", để người sống còn có thể tiếp tục được sống, và người ra đi được thanh thản, để cuộc sống sẽ tiếp diễn theo một cách tích cực hơn.
Nguồn: TH&PL