Hiệu ứng Werther - Bắt chước tự sát là khái niệm dùng để chỉ hành vi bắt chước tự sát do ảnh hưởng từ các mô tả chi tiết về các vụ tự tử trước đó trên truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.
Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc trẻ vị thành niên tự tử, thậm chí liên tiếp hai ngày 31/3 và 1/4 đều xảy ra sự việc đau lòng. Rạng sáng ngày 1/4, nam sinh cấp 3 ở một trường chuyên tại Hà Nội đã trèo qua ban công chung cư từ tầng 28 rồi nhảy xuống để tự tử trước sự chứng kiến của bố mẹ. Trước đó vào ngày 31/3, một nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh cũng đã treo cổ tự tự tại phòng riêng của mình cùng lá thư tuyệt mệnh để lại.
Nội dung liên quan
Và hôm nay (4/4), tại Hà Đông, Hà Nội lại có thêm một đứa trẻ lớp 6 rơi từ tầng 18 chung cư xuống và tử vong tại chỗ. Chưa rõ nguyên nhân cụ thể, nhưng đã rất nhiều người mong rằng đó chỉ là một vụ tai nạn, không phải là một vụ cố ý tự tử. Vì những sự việc liên hoàn này đã phần nào làm nhiều người nghi ngờ đến "hiệu ứng dây chuyền" của nó và cực kỳ nguy hiểm trong bối cảnh hiện nay.
Nhà văn Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn) - người được biết đến là cây bút của lứa tuổi hai mươi với 12 năm kinh nghiệm lắng nghe tâm sự tuổi teen trên những trang báo dành cho học trò đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình về "hiệu ứng dây chuyền" nguy hiểm này.
Nhà văn Hoàng Anh Tú khẳng định: "Tự tử có tính lây lan hiệu ứng Werther".
(PV: Hiệu ứng Werther - Bắt chước tự sát là khái niệm dùng để chỉ hành vi bắt chước tự sát do ảnh hưởng từ các mô tả chi tiết về các vụ tự tử trước đó trên truyền hình và các phương tiện truyền thông khác)
Nội dung liên quan
Anh lấy ví dụ về cái chết của Marilyn Monroe dẫn đến khoảng 200 vụ tự tử diễn ra chỉ trong vòng một tháng sau đó. Điều tương tự xảy ra với cái chết của Choi Jin Sil, khiến tỷ lệ tự sát vọt lên 162%.
"Mấy hôm rồi, câu chuyện liên tiếp 2 đứa trẻ tự tử đã len lỏi vào từng bàn ăn, bữa cơm mỗi gia đình, các cha mẹ đã nói gì với con về chuyện này? Lũ trẻ con đã nghĩ gì về chuyện này? Chị Mai (PGS.TS Nguyễn Phương Mai) viết: "Sự thiếu hụt nhận thức ở tầng xã hội đến mức nhiều cơ quan báo chí không hiểu, hoặc chưa hiểu được rằng loan tin về tự tử như một câu câu chuyện gay cấn thực ra lại khiến những người đang có ý định tự tử quyết liệt hơn với hành động của mình.
Và hôm nay, cũng tại Hà Đông, lại một đứa trẻ lớp 6 rơi từ tầng 18 xuống. Tôi thật mong đó không phải là một vụ tự tử nữa và càng không mong nó là hiệu ứng từ vụ tự tử trước đó.
Tôi vẫn mong rằng việc của cha mẹ bây giờ là hãy nói yêu con nhiều hơn nữa thay vì dùng câu chuyện này để dạy dỗ con", Nhà văn Hoàng Anh Tú viết lên trang cá nhân.
Dưới phần bình luận, nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết việc cho trẻ em trở lại trường cũng là một điều tích cực. Tuy nhiên, các trường học cần có nhiều hơn những hoạt động tầm soát tâm lý học sinh nhiều hơn, nhằm phát hiện ra những vấn đề tâm lý của các con càng sớm càng tốt.
Nguồn: TH&PL