Gần đây, virus SARS-CoV-2 tiến hóa thành nhiều biến chủng và biến thể gần nhất là delta plus.
Delta, một biến thể dễ lây lan hơn của virus Corona, đang lan truyền ở Việt Nam và trên toàn thế giới, làm tăng số ca nhiễm bệnh ở một số quốc gia và khiến một số nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội mới.
Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC), biến thể delta được xác định là xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ, hiện chiếm 25% các trường hợp nhiễm Covid-19 mới ở Hoa Kỳ và đang trên đà trở thành phiên bản "trội" nhất của virus lan truyền trong nước.
Trong một cuộc họp báo vào cuối tháng 6, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ và là giám đốc của Viện Nghiên cứu Bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia, đã gọi biến thể delta là "mối đe dọa lớn nhất" đối với việc loại bỏ Covid-19 ở Mỹ.
Dưới đây là những gì chúng ta đã biết về biến thể delta cho đến nay.
Tại sao biến thể delta "đáng lo ngại"?
Biến thể delta đã được WHO công bố là "biến thể cần quan tâm" vào tháng 5. Chỉ thị này được thực hiện khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến thể này dễ lây truyền hơn, gây ra bệnh nặng hơn hoặc làm giảm hiệu quả của vaccine hoặc phương pháp điều trị.
Nghiên cứu cho thấy rằng delta, còn được biết với tên chính thức là B.1.617.2, là biến thể dễ lây truyền nhất trong số các biến chủng đã được biết cho đến nay, bao gồm cả biến thể alpha - biến thể có khả năng lây truyền cao lần - được phát hiện đầu tiên ở Anh. Các chuyên gia y tế công cộng ở Vương quốc Anh, nơi biến thể delta chiếm hơn 95% các trường hợp mắc Covid-19 mới, đã nói rằng biến thể này có tỷ lệ lây truyền nhiều hơn từ 40% đến 60% so với biến thể alpha, mặc dù các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục được thực hiện.
Một trong những cách mà các nhà dịch tễ học xác định khả năng lây truyền của một biến thể mới là kiểm tra tỷ suất tấn công thứ cấp (khả năng lây nhiễm). Điều này liên quan đến việc theo dõi những người tiếp xúc gần với những người đã bị nhiễm các biến thể khác nhau của virus và kiểm tra xem có bao nhiêu người có kết quả dương tính.
Tiến sĩ David Dowdy, phó giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg chia sẻ rằng: "Giả sử có 10 người nhiễm bệnh và có 20 người tiếp xúc gần. Bình thường một biến thể có thể khiến 5 người tiếp xúc gần nhiễm bệnh. Nếu biến thể thứ hai có khả năng lây nhiễm nhiều hơn hơn 50 phần trăm so với biến thể thứ nhất thì tỷ lệ người mắc mới sẽ cao hơn 50 phần trăm.
Vì vậy, trong trường hợp này, có thể sẽ có 7,5 người trong số những người tiếp xúc gần đó bị nhiễm bệnh, đây là con số được đưa ra sau khi cân nhắc tình trạng tiêm vaccine phòng ngừa và liệu họ có từng mắc bệnh trước đó hay không".
Biến thể "delta plus" là gì?
Không có gì lạ khi một loại virus đột biến và tiến hóa khi nó lây lan, và các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng các biến thể đáng lo ngại khác có thể xuất hiện với những đợt bùng phát mới.
Xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ, các nhà nghiên cứu đã xác định "delta plus" là một nhánh phụ của biến thể Delta. Mặc dù nó vẫn chưa được WHO hoặc CDC chỉ định là một biến thể cần quan tâm đặc biệt hơn, các trường hợp liên quan đến delta plus đã được báo cáo ở hơn 11 quốc gia, bao gồm cả Hàn Quốc. Tuy nhiên, vẫn chưa có tài liệu cụ thể nào về việc liệu delta plus có gây thêm rủi ro hay liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền hay không.
Biến thể delta có thể gây ra bệnh và triệu chứng nghiêm trọng hơn không?
Cần phải nghiên cứu thêm, nhưng có dấu hiệu cho thấy biến thể delta có thể gây ra bệnh nặng hơn. Một nghiên cứu được công bố ngày 14/6 trên tạp chí The Lancet đã kiểm tra tác động của biến thể delta ở Scotland, nơi mà loại biến thể này đã trở thành chủng virus mạnh nhất. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người mắc biến thể delta có nguy cơ nhập viện cao gần gấp đôi so với những người bị nhiễm biến thể alpha.
Tiến sĩ Alejandro Perez-Trepichio, một bác sĩ nội khoa có trụ sở tại Naples, Florida, cho biết: "Để so sánh, chúng tôi xem xét lại chủng gốc, biến thể alpha ở Anh và bây giờ là biến thế delta, chúng tôi nhận thấy rằng có sự khác biệt về khả năng lây truyền, cũng như khả năng dẫn đến các kết quả nguy hiểm hơn".
Các nhà nghiên cứu ở Anh đã báo cáo sự thay đổi các triệu chứng có thể liên quan đến biến thể delta. Dữ liệu từ một ứng dụng mà hơn 4 triệu người ở Anh đã tải xuống để khai báo các triệu chứng, tình trạng tiêm chủng và các thông tin nhân khẩu khác hàng ngày cho thấy các triệu chứng phổ biến nhất của Covid-19 hiện nay là đau đầu, đau họng, chảy nước mũi và sốt - tương tự như triệu chứng mọi người có thể bị khi cảm nặng.
Một số bác sĩ ở Hoa Kỳ đã bắt gặp một sự thay đổi tương tự. Khó thở, ho và các vấn đề về phổi khác vẫn là những triệu chứng phổ biến nhất của Covid-19, lần đầu tiên được xác định ở Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng một số bác sĩ đã nhận thấy nhiều phàn nàn về đường hô hấp trên, chẳng hạn như ngạt mũi, chảy nước mũi và đau đầu từ những ca nhiễm gần đây.
Vẫn chưa rõ tại sao các triệu chứng nghe có vẻ giống như cảm lạnh ngày càng được báo cáo nhiều hơn hay liệu nó có mối liên hệ gì với biến thể delta hay không. Ý nghĩa đằng sau của sự thay đổi này - nếu thực sự tồn tại - thì cũng chưa được biết đến. Một loạt các triệu chứng đều có liên quan đến virus Corona và CDC liệt kê ngạt mũi và chảy nước mũi vào danh sách các triệu chứng Covid-19 tiềm ẩn.
Biến thể delta đang lây lan ở đâu?
Theo WHO, biến thể delta đã được báo cáo là xuất hiện ở hơn 95 quốc gia.
Ở nước ta, biến thể delta được phát hiện trong các ca dương tính Covid-19 ở các khu công nghiệp tại Bắc Ninh và Bắc Giang trong khoảng thời gian tháng 5 và tháng 6 năm 2021 và trong giai đoạn này tại TP.HCM và Hà Nội.
Tiến sĩ Anthony Fauci chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với NBC's Nightly News rằng: "Ở những quốc gia mà biến thể này xuất hiện cho đến nay, chúng ta đều có thể thấy số ca bệnh tăng lên và nó cũng vượt qua cả biến thể từng được cho là mạnh mẽ nhất trước khi nó xuất hiện".
Các loại vaccine có hiệu quả đối với biến thể này?
Các loại vaccine đang được sử dụng dường như cung cấp khả năng bảo vệ tốt, chống lại biến thể delta và hầu hết các nhà khoa học cho rằng những người được tiêm chủng đầy đủ có thể gặp ít rủi ro hơn.
Moderna đã thông báo rằng vaccine của họ có hiệu quả chống lại biến thể delta. Kết quả dựa trên các mẫu máu của những người được tiêm chủng đầy đủ cho thấy rằng những người này sản xuất ra kháng thể bảo vệ chống lại một số biến thể đang lây truyền, bao gồm cả delta.
Mặc dù kết quả chi tiết chưa được công bố cho tất cả các mũi tiêm hiện có, nhưng các kết quả hứa hẹn tương tự cũng đã được phát hiện ở cả vắc xin Pfizer-BioNTech và AstraZeneca. Một phân tích được công bố vào ngày 14/6 bởi Tổ chức Y tế Công cộng Anh cho thấy rằng hai liều vaccine Pfizer-BioNTech có hiệu quả 96% tránh nhập viện do biến thể delta và hai liều vaccine AstraZeneca có hiệu quả 92%.
Một phân tích trước đây của tổ chức này cho thấy một liều vaccine sẽ kém hiệu quả hơn trong việc chống lại bệnh có triệu chứng do biến thể delta gây ra so với biến thể alpha, làm nổi bật tầm quan trọng của việc nên tiêm đủ cả hai mũi vaccine.
Nội dung liên quan
Và với các trường hợp được gọi là ca nhiễm đột phá, hiện tượng nhiễm bệnh dù đã tiêm vaccine đầy đủ, các trường hợp này thường nhẹ.
Mọi người có cần tiếp tục đeo khẩu trang?
Để đối phó với sự lây lan của biến thể delta, WHO khuyến cáo mọi người, bất kể tình trạng tiêm chủng như thế nào, đều nên tiếp tục đeo khẩu trang: "Khi bạn đã được tiêm phòng đầy đủ, hãy tiếp giữ an toàn vì bạn sẽ có thể trở thành một phần của một chuỗi lây truyền nào đó. Bạn có thể không thực sự được bảo vệ hoàn toàn. Đôi khi vaccine không phát huy đúng tác dụng của nó", Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO, chia sẻ tại một cuộc họp báo trong tháng 7.
Thận trọng trong tình hình diễn biến phức tạp này là một điều hợp lý. Tuy nhiên việc khuyến cáo đeo khẩu trang không có nghĩa là các chuyên gia cho rằng các loại vaccine không đủ tốt để bảo vệ chúng ta.
Mong rằng bệnh dịch sớm qua đi và chúng ta có thể trở lại với cuộc sống thường ngày tự do, thoải mái và bớt "ngột ngạt" khi không còn phải đeo khẩu trang cả ngày.
Nguồn: TH&PL