WHO kêu gọi tạm dừng tiêm tăng cường mũi thứ 3 vaccine phòng Covid-19

Vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy mũi tiêm thứ 3 có thể bảo vệ con người khỏi các biến thể mới.

Virus luôn không ngừng biến đổi trong các môi trường, các biến chủng có thể làm bệnh dễ lây lan và trở nên nguy hiểm hơn. Mối quan ngại mà thế giới đang quan tâm chính là biến chủng Delta Plus. Được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và hiện đã có mặt trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

WHO cũng đã nhận định: "Nó dự kiến sẽ nhanh chóng đánh bật các biến thể khác và trở thành chủng lây lan chính trong những tháng tới".

Ngoài ra, còn có các biến thể như Alpha, Beta và Gamma khiến giới chuyên gia lo ngại. Đứng trước vấn đề mang tính cấp thiết đó, việc tiêm vaccine trở thành những ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì thế nhiều nước đã thực hiện mũi tiêm thứ 3. Và mới đây vấn đề này được WHO khuyến cáo nên dừng lại, ít nhất là đến cuối tháng 9.

who keu goi tam dung tiem tang cuong mui thu 3 vaccine phong covid 19 - anh 0

Nhiều quốc gia tiêm liều thứ 3 trước biến chủng mới

Thổ Nhĩ Kỳ được xem là quốc gia đầu tiên phê duyệt việc tiêm vaccine liều thứ 3 cho người dân. Thời gian tiêm được triển khai từ đầu tháng 7, hướng đến các đối tượng là cán bộ y tế và những người trên 50 tuổi.

Tiếp theo đó vào tháng đầu tháng 8 Israel cũng đã bắt đầu triển khai việc thực hiện tăng cường vaccine phòng Covid-19. Với mũi thứ 3 là vaccine Pfizer/BioNTech dành cho những người trên 60 tuổi với mục tiêu tăng đề kháng cho những nhóm có nguy cơ cao và giảm được các biến chứng của Covid-19.

Tại Đức, cũng đã có những đề xuất về việc thực hiện mũi tiêm tăng cường với những người có hệ miễn dịch suy giảm vào tháng 9 tới, với mũi tiêm lần thứ 3 có thể sẽ là vaccine Pfizer/BioNTech hoặc Moderna. Pháp cũng đã có những chủ trương tương tự như Đức, dự kiến cũng sẽ vào tháng 9. Ở Campuchia, Thủ Tướng cho hay sẽ ưu tiên việc tiêm vaccine liều thứ 3 cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.

who keu goi tam dung tiem tang cuong mui thu 3 vaccine phong covid 19 - anh 0
Người dân Mỹ xếp hàng dài đợi đến lượt tiêm vaccine

Bên cạnh đó, Vương Quốc Anh cũng đã lên những dự kiến về việc tiêm tăng cường vaccine bắt đầu sau ngày 6/9 với mục tiêu hướng đến là có 2,5 triệu người từ 50 tuổi trở lên và những người bị suy giảm miễn dịch được tiêm vaccine liều thứ 3. Ngoài ra, trong bối cảnh Mỹ phải đối mặt với chủng virus mới thì nước này cũng đã đề ra những phương án về liều vaccine thứ 3 cho nhóm người có hệ miễn dịch suy yếu.

Lý do WHO ra kêu gọi nên tạm dừng

Mới đây, vào ngày 4/8 Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra lời kêu gọi các quốc gia nên trì hoãn việc tiêm vaccine mũi thứ 3, ít nhất là trong khoảng thời gian tới. Ông cũng đã đưa ra nhận định: "Chúng tôi không nên chấp nhận việc các nước đã sử dụng hầu hết nguồn cung cấp vaccine toàn cầu, thậm chí sẽ còn sử dụng nhiều hơn nữa trong khi những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới vẫn chưa được bảo vệ".

who keu goi tam dung tiem tang cuong mui thu 3 vaccine phong covid 19 - anh 0

Việc làm này nhằm đảm bảo mục tiêu vào cuối tháng 9 hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ có ít nhất 10% dân số được tiếp xúc với vaccine. Trên thực tế, tại nhiều quốc gia vẫn đang còn thiếu nguồn cung vaccine phòng Covid-19 ở mũi đầu tiên và thứ 2.

Vì vậy, vaccine phải được tập trung vào những nhóm đối tượng có miễn dịch yếu, dễ mắc bệnh và tử vong do Covid-19. Trong nhiều tuyên bố trước đó của WHO thì vẫn chưa có cơ sở khoa học nào cho việc tiêm tăng cường vaccine là vấn đề cần thiết và sẽ gia tăng được kháng thể bảo vệ con người.

Nguyên nhân cho lời kêu gọi đó, một phần đến từ mục tiêu vào cuối năm nay tiêm chủng toàn cầu sẽ là 40% và giữa năm 2022 sẽ đạt được 70%. Giáo sư y tế quốc tế Ruth Karron tại Đại học Johns Hopkins đã đưa ra quan điểm: "Các biến thể mới nhiều khả năng sẽ phát sinh ở những nơi người dân chưa được tiêm chủng. Vì thế nên nếu càng có nhiều người trên thế giới không được tiêm chủng thì chúng ta càng đối mặt với nguy cơ lớn hơn".

who keu goi tam dung tiem tang cuong mui thu 3 vaccine phong covid 19 - anh 0
Một buổi tiêm vaccine tại Thái Lan

Mũi thứ 3 có khiến thế giới thiếu nguồn cung vaccine?

WHO cũng đã có những trích dẫn rõ ràng trong việc bất bình đẳng về việc phân bổ vaccine tại nhiều quốc gia. Cụ thể là hơn 80% nguồn vaccine phòng Covid-19 đã được tiến hành tiêm chủng ở các quốc gia có thu nhập cao hoặc trên trung bình.

Do đó, WHO cũng đã đưa ra lời khuyên cho một số nước, trong bối cảnh nhiều người ở một số quốc gia vẫn chưa có điều kiện tiêm phòng thì không nên tiếp tục đặt mua lượng lớn vaccine phòng Covid-19 để tiêm tăng cường khi người dân đã được tiêm chủng đầy đủ.

who keu goi tam dung tiem tang cuong mui thu 3 vaccine phong covid 19 - anh 0

Các công ty vaccine lớn cũng đang hướng đến việc cung cấp thêm mũi tiêm tăng cường cho các quốc gia có mức độ tiêm vaccine cao. Theo đó, giám đốc WHO đưa ra lời khuyên, các công ty nên chuyển liều lượng vaccine của mình sang chương trình chia sẻ vaccine Covax để các nước có mức thu nhập trung bình và nghèo trên thế giới vẫn có điều kiện tiêm chủng vaccine.

Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn xảy ra nhiều tranh cãi xoay quanh. Nhất là khi biến thể Delta đã làm cho tiến trình khống chế dịch bệnh ở nhiều nơi có sự thay đổi và các ca bệnh có xu hướng tăng cao trong thời gian ngắn, ngay cả những nước có mức độ tiêm chủng vaccine cao. Song đó, phía WHO cũng đã không loại trừ toàn bộ những khả năng khuyến nghị về việc tiêm liều vaccine tăng cường trong tương lai gần. 

Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêm ngừa vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để chúng ta bảo vệ sức khoẻ và trở lại cuộc sống bình thường. Tuyến bài Toàn cảnh Vaccine sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực, lạc quan và sự hiểu biết nhất định về vaccine Covid-19 để nâng cao ý thức tiêm ngừa và phòng chống dịch bệnh.

Làm gì để vượt qua hội chứng sợ kim tiêm khi tiêm vaccine Covid-19?

Có nên tiêm hai loại vaccine khác nhau?

Nên làm gì để hạn chế tác dụng phụ của vaccine phòng Covid-19?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ