Phim truyền hình Việt: Gia đình không lỗi thời nhưng cũng chẳng mới?

Phim truyền hình Việt chủ đề gia đình đang bão hòa, vậy làm cách nào để đổi mới?

"Nếu những người làm phim như chúng tôi không thay đổi, không thể tạo nên những nội dung tốt, hấp dẫn với hình thức, cách thể hiện phù hợp, thì chính chúng tôi sẽ mất khán giả", đạo diễn/biên kịch Cây Táo Nở Hoa - Võ Thạch Thảo chia sẻ. Đúng là như vậy, truyền hình Việt đang có những bước đi tốt hơn rất nhiều và tiếp cận rộng khắp với nhiều đối tượng khán giả. Định nghĩa "phim truyền hình chỉ dành cho ông bà" đã lỗi  thời. Hiện tại với nội dung mới mẻ, câu chuyện nhân văn và thời sự, phim truyền hình dần trở thành một người bạn của thế hệ trẻ.

phim truyen hinh viet gia dinh khong loi thoi nhung cung chang moi - anh 0
Phim truyền hình Việt chủ đề gia đình không lỗi thời nhưng cũng chẳng mới?

Chúng ta có một 11 Tháng 5 Ngày trẻ trung, một Hương Vị Tình Thân thấm đượm tình thương, hay Cây Táo Nở Hoa với những xung đột mạnh mẽ bóc trần lối sống "lấy danh nghĩa người nhà". Nhìn về trước một chút, Về Nhà Đi Con, Người Phán Xử, Sống Chung Với Mẹ Chồng đều là những tác phẩm đặc sắc. Mỗi bộ phim đều "sắm" cho mình một "bộ trang phục" nội dung chỉn chu, thú vị và cuốn hút. Tất cả những điều đó đã cho khán giả nhìn thấy được nhà làm phim đang rất nỗ lực trong hành trình khởi sắc phim Việt.

Tuy nhiên, khi nhìn tổng quát về phim truyền hình Việt chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra một điểm yếu quan trọng mà nhà làm phim cần tích cực thay đổi, chính là thiếu sự sáng tạo. Và chủ đề gia đình trong phim truyền hình đã dần bão hòa về nội dung, con người và cả cách làm phim.

Tham drama, ham remake nhưng... lỗi thời?

Xu hướng phim remake từ kịch bản nước ngoài là cách truyền hình Việt đang cố gắng khắc phục điểm yếu về kịch bản của chính mình. Đạo diễn Võ Thạch Thảo đã từng thừa nhận rằng phim Việt hiện tại đang yếu về kịch bản, chúng ta vẫn đang học hỏi và có tiềm năng phát triển. Phim remake của truyền hình Việt những năm gần đây tập trung vào một số tác phẩm của Hàn hoặc Trung. Và tất cả đều tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả. Không thể phủ nhận, nhà làm phim đang rất tích cực học hỏi và làm tốt từ nền tảng kịch bản nước ngoài. 

phim truyen hinh viet gia dinh khong loi thoi nhung cung chang moi - anh 0

Tuy nhiên, phim Việt Nam không thể mãi remake theo cách "truyền thống" với câu chuyện đóng khung trong giới hạn "làm lại". Nói đến phim remake, Cây Táo Nở Hoa là một tác phẩm nổi bật trong năm 2021, song nếu để nhìn lại tổng thể về một bộ phim truyền hình "thuần Việt" thì Cây Táo Nở Hoa chưa thể hiện hết. Phim cài cắm nhiều tình tiết về đời sống, con người Việt nhưng để so với bản gốc về tình tiết Cây Táo Nở Hoa giống đến 90%. Hay cả một bộ phim được đánh giá là sáng tạo về nội dung so với bản gốc như Hương Vị Tình Thân thì lại bị nhận xét "quá tay" khiến cho mạch phim lủn củn, dài dòng.

Vậy một câu hỏi đặt ra rằng sự sáng tạo đang ở đâu khi vốn dĩ chất liệu đời sống - con người - văn hóa Việt rất phong phú đa dạng? Đó chính là cái nền tốt của sự sáng tạo trong phim truyền hình. Không cần phải cao siêu về ngôn từ cũng chẳng cần những ý tưởng táo bạo, phim truyền hình chỉ cần giữ nguyên bản chất vốn có xuất phát từ đời sống của người Việt thì đã đủ chinh phục được khán giả.

phim truyen hinh viet gia dinh khong loi thoi nhung cung chang moi - anh 0

Phim ảnh là một trong những trụ cột của nền công nghiệp giải trí, không chỉ mang lại hào quang cho nghệ sĩ, truyền tải nội dung đẹp đẽ mà còn có vai trò tác động đến nền kinh tế của đất nước. Điển hình như Hàn Quốc qua bộ phim Hometown Cha-Cha-Cha chúng ta thấy được một thành phố biển Pohang tuyệt đẹp và nên thơ, sau bộ phim tại đây đón hàng nghìn du khách. Hay một khu phố Itaewon trong Tầng Lớp Itaewon sầm uất nhộn nhịp, cả tháp Namsan xuất hiện vô số lần. Những bộ phim là cầu nối thúc đẩy nền kinh tế du lịch qua những thước phim chỉn chu về hình ảnh.

Khán giả quốc tế nhìn thấy khu phố Itaewon trong Tầng Lớp Itaewon sầm uất nhộn nhịp, còn ở Việt Nam thì sao?

Và đương nhiên, Việt Nam cũng chẳng kém sắc về vẻ đẹp du lịch nhưng phim truyền hình lại khá thờ ơ với điều này. Nhìn vào những bộ phim truyền hình Việt chúng ra khó nhận ra những biểu tượng đặc sắc của Việt Nam như phố cổ Hội An, những con đường đậm sắc Hà Nội và góc phố nhộn nhịp của Sài Gòn. Có chăng thì cũng chỉ là những hình ảnh thoáng qua không ấn tượng.

Bên cạnh đó, câu chuyện xã hội của người Việt cũng ít được quan tâm. Những tác phẩm remake hiện nay đang đóng khung trong cách xây dựng câu chuyện của bản gốc mà quên rằng liệu điều đó có phù hợp hay không? Thực tế, những thông điệp về gia đình, tình yêu thương giữa người và người hay sóng gió gia tộc đã lỗi thời. Hiện nay, trên thế giới, phim truyền hình dần "cởi mở" từ LGBT, tôn giáo, bạo lực học đường,môi trường nhưng Việt Nam vẫn mãi quanh quẩn với "góc nhà".

phim truyen hinh viet gia dinh khong loi thoi nhung cung chang moi - anh 0

Hàn Quốc vốn dĩ là một đất nước "rất nóng" với chủ đề LGBT, tại đây dường như rất khó để giới tính thứ 3 được chấp nhận. Thế nhưng, nhà làm phim Hàn lựa chọn không im lặng mà thay vào đó họ chọn cách thể hiện tinh tế, qua tác phẩm Mine ta thấy được điều đó. Hay Hometown Cha Cha Cha khi cô giáo Cho Hui nói về giới tính đặc biệt của bản thân: "Người thích người thì sao có thể bị bệnh được chứ?", câu nói thoáng qua nhưng phải mất cả một hành trình dài để thể hiện.

Hellbound là siêu phẩm mới nhất bóc trần những góc khuất về tà giáo trong xã hội Hàn Quốc. Đây là một đất nước chịu ảnh hưởng nhiều của các giáo phái không chính thức (tà giáo). Không ít những xung đột, án mạng xảy ra trong tổ chức tà giáo phi pháp và Hellbound đã thể hiện chân thực điều đó.

Hellbound là siêu phẩm mới nhất bóc trần những góc khuất về tà giáo trong xã hội Hàn Quốc

Hàn Quốc có một nền công nghiệp giải trí đồ sộ đặc biệt ở mảng phim truyền hình. Không ít các tác phẩm của họ vươn ra thị trường thế giới, bằng cách này hay cách khác. Hàn Quốc mang phim đi xa hơn ranh giới lãnh thổ với các ứng dụng giải trí trực tuyến toàn cầu chứ không chỉ phát sóng trên kênh truyền hình truyền thống. Bên cạnh đó họ có những gương mặt truyền hình toàn cầu, trong khi những gương mặt có sự nổi tiếng quốc tế tại Việt Nam hầu hết ở mảng điện ảnh hay cũng chỉ những tác phẩm điện ảnh mới đủ sức phát hành trên ứng dụng trực tuyến.

Và điều mà truyền hình Việt Nam cần làm ở hiện tại là "dám bóc" những câu chuyện nhức nhối trong xã hội một cách triệt để. Đừng mãi đứng yên trong câu chuyện gia đình mà hãy bước ra với xã hội đặc biệt là đời sống phong phú của giới trẻ để vừa giữ được bản chất, vừa sáng tạo phù hợp với xu thế.

phim truyen hinh viet gia dinh khong loi thoi nhung cung chang moi - anh 0

Phim truyền hình: Dừng ở đâu thì đỡ... bất thình lình? 

Bên cạnh câu chuyện về sự sáng tạo, phim truyền hình vấp phải một điểm yếu mà mãi không sửa chính là mạch phim. Dài dòng, lê thê với những câu chuyện hư cấu không khớp với thực tế khiến cho phim Việt dần "nhạt" và đánh mất khán giả. "Thô nhưng thật", Việt Nam rất ít phim khiến người xem cảm thấy đủ và đưa cảm xúc của khán giả tăng đều. 

Từ một tác phẩm được ví sẽ là bom tấn truyền hình 2021 thì Hương Vị Tình Thân lại khiến khán giả "tụt mood" liên tục bởi sự dài dòng không đáng có. Ở phần 1 phim tạo được cảm xúc thích thú với câu chuyện của nhân vật Nam, song càng đi sâu ở phần 2 thì Hương Vị Tình Thân khiến người xem khó chịu với diễn biến xoay quanh xã hội đen hư cấu.

Hay cả tác phẩm Cây Táo Nở Hoa đã gây hiệu ứng tốt với chuỗi bi kịch dài đằng đẵng thì bỗng nhiên lại mang đến một cái kết chưng hửng thiếu cảm xúc và nhạt nhòa. Và cả 11 Tháng 5 Ngày - bộ phim được nhắc đến với sự thích thú, tự hào về một tác phẩm truyền hình của người trẻ "thuần Việt" nhưng lại để lại một cái kết không thể chán hơn. 

Cây Táo Nở Hoa đã gây hiệu ứng tốt với chuỗi bi kịch dài đằng đẵng thì bỗng nhiên lại mang đến một cái kết chưng hửng thiếu cảm xúc và nhạt nhòa

"Điểm dừng" là thứ mà phim truyền hình Việt cần chăm chút nhiều hơn để cuối cùng dấu ấn về một tác phẩm chất lượng sẽ không hao hụt. Tập cuối luôn là khoảnh khắc mà người xem trông chờ, vậy thì tại sao chúng ta không đẩy cho phim một cái kết trọn vẹn và hoàn hảo mà lại "ngược đãi" cảm xúc khán giả bằng những cú kết "chán chẳng muốn nói". Tập cuối là sự chấm dứt của bộ phim nhưng không đồng nghĩa với việc phim sẽ trôi hết trong lòng khán giả. 

Truyền hình Việt rất hiếm những bộ phim "vừa đủ" trong đó có hai cái tên sáng giá là Về Nhà Đi Con (85 tập) và Sống Chung Với Mẹ Chồng (34 tập). 85 tập phim là một con số khá dài cho một tác phẩm truyền hình nhưng điều Về Nhà Đi Con làm được là luôn giữ cách mạch phim nối đuôi nhau và hấp dẫn. Riêng với Sống Chung Với Mẹ Chồng, phim cũng sử dụng công thức bi kịch nhưng chỉ gói gọn trong 34 tập phim, điều này chứng tỏ nhà làm phim nhận thức được câu chuyện nào đáng để kéo dài, còn tình tiết nào nên được gọt bỏ. 

phim truyen hinh viet gia dinh khong loi thoi nhung cung chang moi - anh 0

Nhìn về những bộ phim truyền hình chỉ có 16 hay 20 tập của Hàn Quốc, họ đã rất thành công khi mỗi tập phim đều chất lượng và đáng xem. Một tập kéo dài khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng hơn, hoặc có thể 2 tiếng nhưng người xem vẫn luôn thích thú theo dõi từ đầu đến cuối. Vậy điều gì trong phim Hàn đã níu chân khán giả? Đó là nhờ chất lượng và câu chuyện mà tập phim mang lại. Chính vì thế, không phải tự nhiên mà phim Hàn sau khi phát sóng đều khiến người xem nhớ lâu từng chi tiết.

Gia đình vẫn là yếu tố cần, vậy còn yếu tố "đủ"? 

Nhắc đến Việt Nam, ưu thế của phim truyền hình với chủ đề gia đình là không thể bác bỏ. Hầu như tất cả câu chuyện về tình thân đều thu hút người xem, bởi lẽ văn hóa truyền thống Á Đông với tấm lòng tương thân tương ái luôn được xem trọng. Gia đình vẫn luôn là chủ đề quan trọng và cần khai thác nhiều hơn. Nhưng khai thác như thế nào là đúng và đầy thì nhà làm phim Việt phải thay đổi phù hợp với bối cảnh xã hội Việt.

Sống Chung Với Mẹ Chồng và Về Nhà Đi Con là hai bộ phim truyền hình ''đủ''

Đã không còn cái thời "xem phim chỉ cần nội dung", dù câu chuyện kịch bản có hay như thế nào, đẹp đẽ ra sao nhưng lại được thể hiện một cách vụng về thì đó cũng không phải là một tác phẩm đáng xem. Chúng ta cần nhìn nhận đúng rằng chủ đề gia đình đang bão hòa về nội dung.

Giả sử 10 bộ phim với dàn diễn viên, bối cảnh, màu phim khác nhau nhưng dường như mọi thứ đều thay đổi đang chỉ là lớp áo bề ngoài mà quên đi giá trị cốt lõi. Đừng để chủ đề gia đình chỉ đóng khung với tình yêu phụ mẫu, drama sóng gió, hành trình vượt khó mà thay vào đó là những hướng tiếp cận đa dạng nhiều chiều hơn với đại chúng. Phim truyền hình có thể phóng đại nhưng không thể xa rời thực tế và với chủ đề gia đình thì càng không. 

Vậy làm cách nào để phim truyền hình Việt chuyển mình mạnh mẽ hơn? Đầu tiên, chúng ta cần có sự tiếp cận sâu và rộng để thấy được điều mới mẻ. Bên cạnh đó, thời trang cũng là yếu tố phim Việt đang yếu và cần đầu tư nhiều hơn. Hiện tại rất ít phim chăm chút về khâu trang phục cho diễn viên. Những bộ đồ thảm họa trong Hương Vị Tình Thân chính là lời cảnh tỉnh để phim Việt buộc phải thay đổi và nhìn nhận đúng hơn về vai trò của phục trang trong phim.

phim truyen hinh viet gia dinh khong loi thoi nhung cung chang moi - anh 0

Mặc đẹp trong phim không phải là điều để tung hô nữa mà thay vào đó hãy biến nó thành điều hiển nhiên. Khi diễn viên được nâng tầm trang phục cũng là lúc phim Việt được nhìn với một ánh mắt khác không còn là sự soi xét mà là sự tự hào.

Nói về yếu tố "đủ" không thể quên tính nhân văn được thể hiện trong phim nhưng "nhân văn" thế nào mới đúng. Phim truyền hình đã bị giới hạn "số" nhân văn, trong khi có rất nhiều vấn đề cần được nói từ đời sống, giới tình, học đường, tệ nạn xã hội và mới nhất là đại dịch Covid-19. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, ngoài dự án Những Ngày Không Quên vào năm 2020 thì hiện tại vẫn chưa có một tác phẩm nào tiếp theo phản ánh thực tế đại dịch. 

phim truyen hinh viet gia dinh khong loi thoi nhung cung chang moi - anh 0
Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, ngoài dự án Những Ngày Không Quên vào năm 2020

Phim truyền hình phải có drama nhưng kịch tính cũng giống muối mặn "quá tay" sẽ bị chát. Chính vì thế nhà làm phim cần "gia giảm" yếu tố drama như thế nào để đủ với khán giả trong từng bối cảnh. Đặc biệt ở thời điểm hiện tại, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang mang nặng những tổn thương do ảnh hưởng của Covid-19 quá kinh khủng. Ngay lúc này câu chuyện drama không còn phù hợp thay vào đó là yếu tố "chữa lành" thành "át chủ bài" đưa phim thành công, mà minh chứng rõ ràng là 11 Tháng 5 Ngày.

phim truyen hinh viet gia dinh khong loi thoi nhung cung chang moi - anh 0

Mất mát, đau khổ, cô đơn tuyệt vọng là những cảm xúc mà con người đang chịu đựng giữa bối cảnh phức tạp của dịch bệnh. Chính vì thế không có lý do gì phim ảnh lại tiếp tục "hành hạ" khán giả với những drama "xoắn não" và phim healing là "thuốc chữa lành" tâm hồn phù hợp ở thời điểm hiện tại.

Sau tất cả, phim Việt về gia đình vẫn luôn là đề tài đáng mong chờ nhưng nhà làm phim Việt không thể đứng yên với "góc nhà" cũ kỹ, quen thuộc. Thay vào đó, cần đẩy mạnh nhiều yếu tố mới mẻ một cách vừa đủ để mang đến cảm xúc trọn vẹn hơn cho khán giả từ cả từ phần nghe, nhìn đến kịch bản và diễn xuất.

Tạm kết

Truyền hình Việt đang ngày càng "thay da đổi thịt" với nhiều tác phẩm chất lượng nhưng đi theo đó vẫn là những điểm yếu mà nhà làm phim cần nhìn nhận. Hay nói cách khác phim truyền hình phải là trụ cột vững chắc trong nền công nghiệp giải trí để không chỉ "kể chuyện" cho khán giả mà còn tác động đến kinh tế của các ngành liên quan. 

"Trộm vía" phim Việt: Gia đình nào cũng có bộ ba mỹ nhân "nghiêng nước nghiêng thành"?

Phim truyền hình Việt giỏi "làm đau" nhưng ít "chữa lành"?

11 Tháng 5 Ngày: Phim cũ nhưng mới và cách Thanh Sơn - Khả Ngân "chữa lành" khán giả

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ