Cây Táo Nở Hoa có thể chưa hẳn là một bộ phim hoàn hảo nhưng đã “gieo" những hạt giống đẹp đẽ về gia đình Việt, truyền hình Việt cho khán giả.
"Là một người phụ nữ của gia đình, tôi trước giờ chỉ quanh quẩn dưới góc bếp và nuôi dạy con cái. Vì chồng phải đi làm ăn xa nên cuộc sống của tôi chẳng vui vẻ là bao. Cảm ơn đạo diễn đã làm nên bộ phim hay và tình cảm như Cây Táo Nở Hoa. Tôi thực sự đã rất nhớ chồng mình mỗi khi nhìn thấy vợ chồng Ngọc, cảm giác ấy thật khó tả và nói ra bằng lời…" - Khán giả Thuý Quỳnh chia sẻ trong bức thư tay gửi nhà Táo, ở thời điểm phim truyền hình Cây Táo Nở Hoa đi vào chặng kết thúc.
Hơn 5 tháng phát sóng, Cây Táo Nở Hoa đã nhận được sự theo dõi của khán giả trên mọi miền tổ quốc và đem về hàng loạt kỷ lục mới trong lịch sử truyền hình Việt. Thành công của Cây Táo Nở Hoa, có lẽ không còn nằm ở những con số "khủng" được thiết lập sau mỗi tập phim, mà nằm ở chính sự đồng cảm của nhiều khán giả, không phân biệt tuổi tác, giới tính và hoàn cảnh. Những cô cậu vừa ngoài 20 đầy sốc nổi sẽ nhìn thấy mình ở Dư, Trúc, Ngà; hay phụ nữ ngoài 30 lại tìm thấy mình ở Châu, Báu; còn ai đã sống quá nửa đời người càng bồi hồi hơn khi chứng kiến hành trình của Ngọc, Hạnh.
Ngọc, Ngà, Châu, Báu, Dư - từng nhân vật với từng câu chuyện riêng đã khơi dậy nhiều khía cạnh trong gia đình Việt Nam nói riêng, và bên ngoài xã hội nói chung. Mặc dù vẫn còn tồn tại những khuyết điểm khiến Cây Táo Nở Hoa chưa phải một bộ phim hoàn hảo, nhưng 71 tập phim của Cây Táo Nở Hoa vẫn xứng đáng được coi là một hành trình trọn vẹn, với nhiều "bài học" để lại cho cả người xem, người sản xuất phim, người làm phim trong tương lai không xa.
Cây Táo Nở Hoa được mua kịch bản chuyển thể từ bộ phim nổi tiếng What's Wrong, Poong Sang của Hàn Quốc. Bộ phim từng đạt mức rating khá ấn tượng trên màn ảnh Hàn ở thời điểm phát sóng: 22,7% rating trung bình toàn quốc cho tập cuối và trung bình 12,2% rating cho mỗi tập phim (theo số liệu của AGB Nielsen). Về Việt Nam, What's Wrong, Poong Sang từ 40 tập được phát triển thành 71 tập, thêm nhiều thời lượng để đi sâu vào câu chuyện của mỗi nhân vật.
Ngay từ số lượng tập phim được tăng lên so với bản gốc, có thể thấy Cây Táo Nở Hoa không phải một phim remake theo hướng "làm lại" y hệt. Đội ngũ biên kịch của Cây Táo Nở Hoa đã làm dày kịch bản khá nhiều để tạo thêm đất diễn cho từng diễn viên. Quá khứ của mỗi nhân vật trong phim đã được bản Việt khai thác khá trọn vẹn, nhằm tháo gỡ nhiều khúc mắc mà bản Hàn chưa thể làm được.
Điển hình là những phân cảnh nặng ký của chị Hạnh (do diễn viên Hồng Ánh thủ vai) đã nêu bật cuộc sống "phận đàn bà, trăm năm vẫn khổ", hay Phúc - con gái chị Hạnh và anh Ngọc, một bạn trẻ Gen Z điển hình với sự khát khao được thấu hiểu trong "vùng tối" của bản thân.
Những nhân vật ở Cây Táo Nở Hoa cũng được "chăm chút" kỹ càng từ ngoại hình, thông qua đó để nói lên tính cách, trải nghiệm của họ với người xem truyền hình. Đó là chiếc áo sờn vai, bạc màu của anh Ngọc - người đàn ông khắc khổ nguyên một cuộc đời, hay sự diêm dúa xanh đỏ đến "nhức mắt" của Báu - cô nàng nổi loạn, sống ảo để che giấu một tâm hồn đang tổn thương, hoặc Châu - bác sĩ thành đạt nhưng an toàn, hiền hậu với những bộ đồ công sở nhàm chán, và không thể thiếu Trúc - tiểu thư nhà giàu thướt tha trong loạt đầm hoa, không khao khát điều gì hơn một tình yêu.
Từng diễn viên trong Cây Táo Nở Hoa đã được đặt, để vào đúng vị trí mà họ nên ở để tỏa sáng nhất trong tác phẩm này. Mặc dù ban đầu, những dấu chấm hỏi đã liên tục được khán giả đặt quanh dàn diễn viên toàn những tên tuổi đình đám của Cây Táo Nở Hoa.
Sau hàng loạt vai diễn bị đánh giá là "một màu" với hình ảnh trong sáng, yếu đuối, Nhã Phương "đã không còn là Nhã Phương" khi trợn mắt, la hét và cả khóc lóc không ngừng để thể hiện Báu "điên rồ" của Cây Táo Nở Hoa. Báu thực sự làm người xem ức chế đến mức "muốn tát cho nó tỉnh lại", và đó chính là thành công của Nhã Phương khi trở lại với truyền hình sau thời gian dài tham gia phim điện ảnh.
Thuý Ngân đánh dấu sự trở lại của mình sau thành công rực rỡ với Gạo Nếp Gạo Tẻ - một phim truyền hình remake nổi đình đám tại Việt Nam, có cùng nhà sản xuất với Cây Táo Nở Hoa. Chính đạo diễn, biên kịch Võ Thạch Thảo từng chia sẻ, nhiều người trong ê-kíp nghĩ Thuý Ngân sẽ được giao vai Báu, nhờ màn thể hiện quá xuất sắc nhân vật Hân "hoa hậu" ghê gớm trong Gạo Nếp Gạo Tẻ. Không phải là một nhân vật "đậm màu" trong nửa đầu Cây Táo Nở Hoa, Châu là "đóa hoa" nở muộn trên Cây Táo và Thuý Ngân đã giữ vững phong độ xuyên suốt quá trình ấy để chờ tới ngày bùng nổ.
Nhờ Cây Táo Nở Hoa, Trương Thế Vinh và Song Luân cũng có màn thể hiện khá đột phá so với chính mình của trước đây. Trương Thế Vinh chấp nhận từ bỏ những "cơ bụng 6 múi" của mình để vào vai Ngà - một kẻ to xác đam mê cờ bạc, mắc vấn đề về tâm thần.
Song Luân rũ bỏ được điều nhiều khán giả nhận định và chính anh tự công nhận "từng chỉ cần những vai diễn mà mình đẹp khi lên hình là được" với Dư - cậu "con rơi" xã hội đen, ngỗ nghịch, bất cần nhưng cũng không thiếu sự chính nghĩa.
Và có lẽ, không thể không kể đến cô Bông - một người hàng xóm vừa đáng mến, vừa khiến bất kì người Việt nào cũng phải thốt lên "hàng xóm nhà tôi đây rồi" khi xem Cây Táo Nở Hoa. Bằng màn kết hợp cùng NSND Lan Hương, đạo diễn Võ Thạch Thảo làm khán giả miền Bắc hài lòng với màn tái hiện Sống Chung Với Mẹ Chồng đầy "đâm chọc", chua ngoa nhưng cũng làm khán giả miền trong phải động lòng vì bản tính xởi lởi, tốt bụng rất đơn thuần.
Không hô hào về một kịch bản "thuần Việt" với những yếu tố Việt hóa được bày biện hết trên màn ảnh nhỏ, Cây Táo Nở Hoa khiến người xem hoàn toàn quên mất đây là một bộ phim remake nhờ từng chi tiết nhỏ nhặt. Văn hoá và lối sống của người Việt nằm ở những mối quan hệ xã hội, lời thoại, bối cảnh, trang phục… nhưng cũng nằm ở một nơi rất thú vị, theo đạo diễn, biên kịch Võ Thạch Thảo chia sẻ. Đó chính là những bữa ăn.
Cây Táo Nở Hoa bắt đầu và kết thúc bằng một bữa ăn giữa các thành viên trong gia đình. Xuyên suốt bộ phim cũng là nhiều bữa ăn khác diễn ra đều đặn giữa các nhân vật, hay trong từng gia đình riêng của mỗi nhân vật. Những câu chuyện thường xảy ra trên mâm cơm - thói quen của nhiều gia đình Việt được Cây Táo Nở Hoa xây dựng khá thành công, mang tính kết nối hay "châm ngòi" cho tình tiết tiếp theo của phim, khiến người xem cảm thấy thân thuộc.
Phong vị Việt của Cây Táo Nở Hoa không chỉ nằm ở những tình tiết, mà đậm đà nhất ở câu thoại ngay tập đầu tiên, do anh Ngọc bồi hồi nhắc lại lời của ông nội mình: "Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa, tại sao cây táo lại nở hoa?". Đây là một câu thơ trong tác phẩm Phố Ta của nhà thơ Lưu Quang Vũ, sau hơn 50 năm ra đời bỗng nổi tiếng trở lại nhờ Cây Táo Nở Hoa.
Đối với nhà thơ Lưu Quang Vũ, câu thơ này dùng để an ủi một người đang bị "mích lòng" bởi những gì diễn ra trong xã hội lúc bấy giờ; thì bộ phim Cây Táo Nở Hoa, cũng dùng câu thơ để "an ủi" người xem sau khi lột tả bi kịch của một gia đình lao động nghèo khó, với những cá tính và cách hành xử khác nhau đại diện cho nhiều dạng người trong xã hội. Và hơn hết, "Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa, tại sao cây táo lại nở hoa?" còn là lời "an ủi" cho hàng triệu khán giả Việt giữa tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng hơn bao giờ hết.
Tháng 6 vừa qua, 12 hộ dân trong điểm phong toả thuộc phường Tân Hưng Thuận, quận 12 (TP.HCM) đã được đại diện phường tặng 12 cây táo. "Chúng tôi nghĩ ra cuộc thi trồng cây táo để mọi người cùng chăm cây, vun trồng để ra hoa, kết trái, từ đó thêm vui vẻ, giảm bớt lo âu và những ngày cách ly cũng có thể trôi qua nhanh hơn" - Ông Phan Cường, Chủ tịch UBND phường Tân Hưng Thuận chia sẻ.
Cuộc thi trồng cây táo diễn ra vào đúng thời điểm phim Cây Táo Nở Hoa vừa lên sóng truyền hình được gần 2 tháng. Hình ảnh những hộ dân Sài Gòn chăm sóc cây táo của riêng mình nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, khiến nhiều người lập tức liên tưởng đến cây táo của anh Ngọc trong bộ phim Cây Táo Nở Hoa. Và có lẽ, suốt thời gian giãn cách kéo dài, hàng trăm nghìn khán giả khắp cả nước cũng hồi hộp chứng kiến hành trình "trồng" cây táo của gia đình Ngọc, Ngà, Châu, Báu, bởi cứ sau mỗi tập phim, người ta lại phải lên mạng hỏi nhau: "Thế tóm lại là chừng nào cây táo nở hoa?".
Sự xuất hiện của Cây Táo Nở Hoa, không chỉ mang đến những thông điệp ý nghĩa về gia đình, mà còn xua tan phần nào không khí căng thẳng của dịch bệnh. Chọn một chủ đề không mới trong phim truyền hình nói chung và vẫn tiếp tục xoáy sâu vào những bi kịch về tình yêu, hôn nhân, mâu thuẫn giữa anh em ruột thịt, Cây Táo Nở Hoa không cố gắng trở thành một tác phẩm đột phá. Hướng đi của bộ phim đã đúng đắn ngay từ đầu khi lựa chọn sự hài hoà về chất lượng và chỉn chu về nội dung, để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình của từng người xem lại gần nhau.
TikTok - mạng xã hội đại diện cho thế hệ trẻ đã ngập tràn những clip về Cây Táo Nở Hoa sau mỗi tập phim. Thú vị nhất chính là "trend" các bạn trẻ gọi điện về nhà cho bố mẹ, ông bà để kể lại tình tiết mới nhất của phim, hay những clip ghi lại cảnh các bà mẹ vừa xem phim, vừa sụt sịt than thở: "Trời, sao khổ dữ vậy?".
Phim truyền hình từng được định nghĩa như những bộ phim chiếu vào giờ cơm tối, để cả gia đình quây quần bên mâm cơm, cùng nhau xem và bàn luận. Ở thời đại nền tảng xem phim trực tuyến lên ngôi, giới trẻ lựa chọn điện thoại thông minh và máy tính bảng thay vì TV, chọn Netflix thay vì đồng hành cùng ông bà, bố mẹ mình trong một bộ phim truyền hình dài tập. Cây Táo Nở Hoa đã thực sự tôn lên phần giá trị bị lãng quên từ lâu của phim truyền hình - gắn kết mọi người trong gia đình lại gần nhau mà không phân biệt thế hệ, tuổi tác.
Đến cuối cùng, thông điệp mà bộ phim muốn mang lại, như nhà sản xuất chia sẻ và nhiều khán giả đã bình luận, chính là: Gia đình luôn ở bên ta, cốt lõi của mỗi gia đình vẫn là một "Cây Táo" tốt đẹp, cần thử thách để nở hoa. Chẳng có một gia đình nào hoàn hảo, nhưng hơn hết, gia đình sẽ là nơi tạo nên mỗi cá nhân và tạo ảnh hưởng không nhỏ lên tính cách, hành vi của từng cá nhân trong quá trình trưởng thành. Cây Táo Nở Hoa gửi gắm bài học ý nghĩa về "đối nhân xử thế" trong gia đình, cũng nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn dành cho gia đình của chính mình.
Lợi thế từ một kịch bản gốc hấp dẫn của Hàn Quốc, nhưng việc quyết định kéo dài số tập của Cây Táo Nở Hoa khiến phim không tránh khỏi một số tình tiết lê thê quá mức cần thiết. Kể từ khi bước vào chặng cuối, Cây Táo Nở Hoa từng làm người xem mệt mỏi bởi màn "đi tìm lá gan" cho anh Ngọc từ tập này qua tập khác. Kết thúc viên mãn nhưng vội vàng của Cây Táo Nở Hoa ở tập 70 - 71, khép lại toàn bộ bi kịch một cách chóng vánh cũng khiến người xem phần nào hụt hẫng đến "không thể tin được Cây Táo đã nở hoa".
Trước đó, Cây Táo Nở Hoa dù bùng nổ nhiều bi kịch phi thực tế, nhưng vẫn cuốn hút người xem bởi những trường đoạn diễn xuất xúc động từ dàn diễn viên gạo cội. Hay tình yêu "ngôn tình" của cặp đôi Dư - Trúc đã từng vấp phải tranh cãi, nhưng cũng dần già chinh phục khán giả bởi mức độ ngọt ngào xen lẫn đau thương tăng dần sau màn xuất hiện của "tiểu tam" Trinh.
Yếu tố drama như một gia vị không thể thiếu trong phim truyền hình dài tập nói riêng, và Cây Táo Nở Hoa nói chung. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi việc loại gia vị này đã bị "nêm nếm" quá tay trong một số giai đoạn của bộ phim. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng nhận xét về yếu tố drama của Cây Táo Nở Hoa: "Nhiều khán giả cho rằng phim quá bi kịch, tôi nghĩ họ có lý của họ, nhưng đồng thời tôi cũng tin rằng nhiều khán giả vì sự quá bi kịch của bộ phim mà không ngừng được việc theo dõi".
Đặt sang một bên những "hạt sạn" trong một tác phẩm dài hơi, Cây Táo Nở Hoa vẫn xứng đáng bước vào "hàng ngũ" phim truyền hình Việt bài bản từ khâu tiền kỳ, hậu kỳ đến phát hành. Đạo diễn, biên kịch Võ Thạch Thảo từng chia sẻ, ở thời điểm làm Cây Táo Nở Hoa, chắc chắn đây là phim có kinh phí lớn nhất miền Nam.
Mức độ chịu chi của những người "trồng" Cây Táo đã mang đến cho bộ phim một chất lượng đồng đều từ đầu đến cuối, với những con số "khổng lồ": 70% nhân sự làm trong lĩnh vực điện ảnh, bộ nhạc phim gồm 150 bài được viết mới hoàn toàn, 200 bối cảnh từ Sài Gòn đến Vũng Tàu, Phú Quốc… đến phim trường dựng riêng, 2000 diễn viên tham gia từ chính, phụ tới quần chúng và hàng nghìn bộ trang phục nói lên tính cách của từng nhân vật.
Cây Táo Nở Hoa đã góp sức cho sự "nở hoa" của truyền hình Việt trong lòng khán giả, phần nào đó chứng minh rằng, một bộ phim truyền hình ở thời đại này không nên được làm theo cách "mì ăn liền". Thời của phim truyền hình "mì ăn liền" - một "thương hiệu" mà người ta gán ghép cho những bộ phim dài tập, quay hình trong một vài bối cảnh với phần âm thanh, màu sắc được xử lý nhanh gọn rồi đi chiếu đang dần chấm dứt. Và quan niệm rằng chỉ phim điện ảnh mới có mức đầu tư lên đến chục tỷ, trăm tỷ trong thói quen thưởng thức của khán giả cũng cần thay đổi.
"Khán giả ngày nay ngoài thưởng thức phim trên TV thì họ cũng có thể xem phim thông qua các ứng dụng/nền tảng trực tuyến có trả phí. Vì các hình thức này khán giả bỏ tiền xem phim nên nhà sản xuất phải mang đến những sản phẩm chất lượng, đạt được mong muốn của 'khách hàng', nếu không sẽ khó giữ chân được 'khách hàng' của mình. Và chính xu hướng và nhu cầu này sẽ thay đổi cách làm phim, các phim 'mì ăn liền' sẽ kết thúc" - Đạo diễn, biên kịch Võ Thạch Thảo chia sẻ về động lực tạo nên một phim truyền hình chất lượng.
Sẽ còn là một chặng đường rất dài để phim truyền hình Việt có được những kịch bản gốc ấn tượng và tạo được tiếng vang trên thị trường phim ảnh khu vực. Nhưng Cây Táo Nở Hoa, cùng nỗ lực của nhà sản xuất, nhà đầu tư đã "gieo" xuống những hạt giống đẹp đẽ về phim truyền hình Việt trong lòng khán giả hiện đại.
Hành trình của Cây Táo Nở Hoa khép lại, cũng là khi niềm háo hức của người xem tiếp tục đặt lên một tác phẩm tiếp theo. Kỳ vọng ấy sẽ trở thành áp lực nhưng cũng là động lực quý giá nhất mà suốt nhiều năm qua, phim truyền hình Việt đang tìm kiếm.
Nguồn:TH&PL