Hellbound - một tác phẩm viễn tưởng của đạo diễn làm nên thành công của Train To Busan - Yeon Jung Ho, phim chuyển thể từ tác phẩm truyện tranh của ông hợp tác cùng Choi Kyu Sok.
Hellbound phác họa chân dung của một thế giới - nơi mà chỉ tồn tại giáo lý và sự trừng phạt khốc liệt của kẻ mang danh chúa, tất cả tạo nên một thế hỗn loạn. 24 giờ ra mắt và đứng đầu trong BXH Top 10 phim ăn khách của ứng dụng xem phim trực tuyến lớn nhất thế giới, đồng thời được Rotten Tomatoes chấm với số điểm 100% từ giới phê bình, Hellbound là bản án địa ngục thu hút lượng người xem lớn nhất theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng.
Màn thao diễn đầy máu dưới sự chứng chiến của những kẻ sùng đạo hô to khẩu hiệu về cái chết và tội ác được đưa lên màn ảnh khiến khán giả khiếp sợ trước thực thể quái dị và mức độ tàn nhẫn của loài người. Thế giới mà Hellbound mang lại là nơi mà giáo điều của Hội Chân Lý Mới vượt qua giới hạn của pháp luật, khống chế đời sống con người buộc họ chạy theo những thứ lương thiện xáo rỗng.
Bài viết phân tích dựa trên chi tiết phim Hellbound không mang ý chỉ trích hoặc nhận định về bất kỳ tổ chức cá nhân nào.
Vỏ bọc sáo rỗng mang danh Chúa và sự "lương thiện" của Hội Chân Lý mới
Bộ phim mở đầu với màn thanh trừng đẫm máu đến từ ba "sứ giả địa ngục" mang danh kẻ theo đuổi công lý để trừng trị những ai đang sống sai. Cuộc hành quyết đã ươm mầm cho sự trỗi dậy của Hội Chân Lý Mới do Jung Jin Su thống trị với những giáo điều về tội ác và cái chết.
Mở đầu phim Jing Jin Su (Yoo Ah In) cảnh báo: "Con người chúng ta có thể nhận biết được điều đúng đắn mọi lúc mọi nơi. Chúa đã trao năng lực đó cho chúng ta. Chỉ khi lựa chọn giữa thiện và ác thì con người ta khó có thể thắng được sự cám dỗ của cái ác.
Quyền lựa chọn chính là hình phạt ẩn dưới một cái tên bóng bẩy. Bây giờ chúng ta đã đánh mất đi quyền phớt lờ cái ác, chúng ta chỉ còn nghĩa vụ phải theo đuổi cái thiện". Thế nhưng liệu đó có phải là sự thật khi chính người đặt ra quy luật là Jung Jin Su cũng phải chịu thua trước màn thanh trừng của "sứ giả địa ngục"?
Hellbound là một tác phẩm nặng nề và đầy rẫy sự kinh hãi bởi độ tàn nhẫn cùng loạt tình tiết giật gân khiến người xem rùng mình. Hellbound xứng danh là một bản án được nhiều người đón nhận nhất khi ở đây không chỉ tồn tại cái chết, những màn thao diễn vô nhân đạo mà còn khiến cho con người nhận ra nhiều điều.
Khác với Squid Game hay Train To Busan, Hellbound lựa chọn đi một con đường tắt rất nhanh xâm chiếm tâm trí của người xem. Phim phơi bày ra sự giả dối của Hội Chân Lý Mới đội lốt thần linh để kiềm hãm con người, thế nhưng một khi giáo lý sụp đổ cũng là lúc tất cả nhận ra quyền sống, quyền chết đều là ở bản thân mỗi chúng ta.
Hellbound đề cao cuộc đời của con người và ví ba thực thể siêu nhiên mang danh Chúa tượng trưng cho những tai nạn khó lường cũng giống như thiên tai. Điều này được minh chứng qua chi tiết một đứa trẻ dù mới vừa ra đời đã phải nhận cáo thị. Một câu hỏi đặt ra rằng phải chăng kẻ sinh ra đã mang tội, vậy thì giáo lý mà Jing Jin Su để lại có đúng không? Hơn thế, nhờ vào sự che chở của bố mẹ mà đứa bé vượt qua màn thiêu sống của "sứ giả địa ngục". Tất cả những điều đó minh chứng rằng mọi điều trong cuộc sống đều do con người kiểm soát từ hội chân lý mới đến màn thao diễn thất bại từ sứ giả.
Kết phim Hellbound khẳng định: "Tôi không biết Chúa là kẻ nào, cũng không quan tâm đâu. Tôi chỉ biết chắc một điều rằng đây là thế giới của con người chúng ta, thế giới của con người phải để con người lo liệu", câu nói của một người vô danh nhưng lại chốt hạ ý nghĩa mà toàn bộ phim mang lại. Không sử dụng một nhân vật chính để nói lên cái kết, Hellbound lấy một người không được biết tên để nói ra một câu ngắn gọn nhưng hàm chứa tất cả, điều này minh chứng rằng con người đang dần nhận ra và tỉnh táo trước những kẻ sùng đạo.
Phim "đen" nhưng lại "sáng"
Những năm gần đây, thị trường phim Hàn dường như phủ một màn đen với nhiều tác phẩm bóc trần góc khuất trong xã hội, con người lẫn tôn giáo. Thế nhưng một điểm chung mà chúng hướng đến là con người, cài cắm nhiều yếu tố về xã hội - giai cấp. Dù thể loại gì, ý nghĩa như thế nào đến cùng phim Hàn đều đạt được một giá trị chung là khẳng định quyền sống, còn lại những thứ khác chỉ là minh họa.
Nối gót Squid Game và Train To Busan hay "anh cả" Parasite, Hellbound mang đến những thước phim rất đen nhưng lại khiến khán giả "sáng mắt". Bên cạnh những câu chuyện hường phấn với tình đẹp, đôi khi viển vông, lại có một thị trường điện ảnh Hàn rất thực rất tối nhưng lại soi ra rất nhiều ý nghĩa. Yếu tố đồng lòng, đoàn kết là điểm chung trong phim sinh tồn.
Để so sánh giữa Squid Game và Hellbound, cả hai có điểm chung khi mang đến những câu chuyện hiện thực vào điện ảnh. Squid Game lựa chọn đi đường vòng đội sắc màu tươi sáng với những khung hình sặc sỡ bắt mắt nhưng lại khiến người xem suy ngẫm về sự đau khổ đằng sau vỏ bọc hào nhoáng. Đường đường chính chính và táo bạo hơn, Hellbound "cả gan" nói về tôn giáo trần trụi khiến ai cũng phải dè chừng.
Tất cả những điều này phải chăng xuất phát từ sự thành công của Parasite - một tác phẩm mở đường cho dòng phim mang màu sắc đen tối của Hàn Quốc. Bác bỏ đời sống màu hồng trong mơ mà khán giả nghĩ về phim Hàn mỗi khi nhắc đến, Parasite xứng danh là người khởi xướng và đổi mới phim Hàn.
Hơn thế, sự phát triển của các nền tảng streaming cũng là cầu nối đưa câu chuyện và sức sáng tạo của nhà làm phim Hàn dần vươn xa hơn. Hellbound khai thác một chủ đề nhạy cảm khi câu chuyện xoay quanh Chúa và tội ác nếu đưa lên màn ảnh rộng hay kể cả màn ảnh nhỏ truyền hình cũng rất khó để qua vòng kiểm duyệt, chính vì thế nền tảng xem phim trực tuyến là lựa chọn tốt.
Bên cạnh đó, truyền hình cũng không phải là môi trường thích hợp để phát triển dòng phim này. Nhìn vào mặt bằng chung, những bộ phim được chiếu trên màn ảnh nhỏ thường là những tác phẩm đại chúng, nhẹ đô, dễ xem, và phục vụ cho thị trường Châu Á là chủ yếu.
Đến với nền tảng xem phim trực tuyến, Hellbound, Train To Busan hay Squid Game có cơ hội lan tỏa toàn cầu. Phim cài cắm nhiều chi tiết ẩn dụ, có phần mơ hồ về con người cùng một số yếu tố mang tính nhạy cảm mà không phải ai cũng có thể xem - hiểu. Chính vì thế việc lựa chọn một nền tảng streaming toàn cầu sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả với nhiều cách nghĩ khác nhau.
Tác phẩm thành công của những thiên tài "dị biệt"
Xuất phát từ webtoon cùng tên của đạo diễn Yeon Jung Ho hợp tác với nhà văn Choi Kyu Sok. Bộ phim là sản phẩm của những thiên tài "dị biệt" khi sở hữu một "ngựa điên" Yoo Ah In và một đạo diễn quái dị với loạt tác phẩm kinh điển với đề tài kinh dị - sinh tồn.
Theo Daum, tính cách nổi loạn, kiêu hãnh và sự ngông nghênh khiến Yoo Ah In khác biệt so với phần còn lại của showbiz Hàn. Nam diễn viên mang phong độ ổn định trong diễn xuất, Yoo Ah In điển hình cho một nghệ sĩ tận tâm với nghề xứng danh ảnh đế Rồng Xanh. Một trong những trường đoạn đỉnh cao của ảnh đế Yoo Ah In được khán giả tung hô và thán phục là phân cảnh này một cảnh long-shot (cú máy quay dài và liên tục) hơn 10 phút, được thực hiện chỉ với một lần quay duy nhất (one take).
Yoo Ah In một mình dẫn dắt bầu không khí suốt đoạn độc thoại dài hai trang A4, với rất nhiều logic xoắn kép mà ngay cả biên kịch cũng cảm thấy cực kỳ khó để diễn giải một cách dễ hiểu đến người xem.
Hơn thế, ánh mắt của nam diễn viên dưới ánh đèn không một lần chớp. Để có được khả năng đó, ít ai biết rằng ảnh đế Rồng Xanh đã từng trải qua khoảng thời gian khổ luyện cực gian nan sau khi bị chê giọng nói quê mùa, nói hơi đớt, và một chiếc lưỡi quá ngắn để có thể phát âm trọn vẹn. Sau tất cả, Yoo Ah In đã hóa "ngựa điên" của màn ảnh Hàn khiến cho ai cũng khiếp sợ trước trình độ diễn xuất nhập tâm của nam diễn viên.
Bên cạnh một "gã điên" Yoo Ah In là một đạo diễn cực quái dị và nghiêm túc với những điều mình lựa chọn. Trước khi bén duyên và nổi tiếng với siêu phẩm 10 triệu vé Train To Busan, đạo diễn Yeon Sang Ho đã là một cái tên tiếng tăm trong ngành phim hoạt hình của Hàn Quốc. Phim hoạt hình của Yeon được công chiếu tại nhiều Liên hoan phim danh tiếng và nhận được vô số lời khen ngợi.
Điển Phim hoạt hình The King Of Pigs (2011) cũng là phim dài đầu tay của Yeon Sang Ho được công chiếu tại Liên hoan phim Cannes năm 2012 trong hạng mục Directors' Fortnight. Sau đó, phim hoạt hình The Fake năm 2013 của đạo diễn Yeon được chọn công chiếu trong hạng mục Vanguard của Liên hoan phim Toronto. Xuất thân từ truyện tranh và phim hoạt hình là lợi thế đưa đạo diễn Yeon Jung Ho trở thành cái tên sừng sỏ của dòng phim kinh dị - sinh tồn nặng nề.
Hellbound không chỉ được tạo ra bởi đạo diễn lừng danh mà còn được ca tụng bởi đạo diễn Bong Joon Ho - người đứng sau bộ phim đoạt giải Oscar - Parasite. Bong Joon Ho cho rằng đây là một tác phẩm sinh ra từ thiên tài. "Một thế giới thực sự tràn ngập nỗi sợ hãi mà không thể giải thích bằng những từ như 'trò đùa của Chúa' hay 'điều vô nghĩa lớn." Chúng tôi đang bùng cháy ở trung tâm địa ngục mà Yeon Sang-ho và Choi Gyu Seok đang tạo ra", đạo diễn Parasite chia sẻ.
Hellbound không chỉ một "ngựa điên" và thiên tài, phim khiến người xem choáng ngợp với màn trình diễn đỉnh cao đến từ hai diễn viên: Nữ luật sư Hey Jin (Kim Hyun Joo) và "kẻ tội đồ" chịu trưng bày cái kết dưới ánh mắt của hàng nghìn người để có tiền cho con Jung Ja (Kim Shin Rok). Và cả những con người đại diện cho xã hội mang nặng tôn giáo và sợ phải trả giá, tất cả đều tạo nên một Hellbound rất tối nhưng lại "sáng bừng" cả một nền điện ảnh Hàn.
Tạm kết
Một bộ phim rất "dark" đậm đà bởi kỹ xảo câu chuyện mà phim mang lại, Hellbound sẽ là một bộ phim khó nuốt hoặc có thể nuốt xong lại muốn ói ra vì quá khiếp sợ bởi những phân cảnh kinh tởm, gớm ghiếc. Nhưng một khi đã xem và chấp nhận đó là một tác phẩm viễn tưởng, hàm ý thì khán giả sẽ dễ dàng bị cuốn ngay vào guồng quay do Hội Chân Lý, Hội Mũi Tên và hành trình tìm kiếm sự thật về sứ giả địa ngục. Bên cạnh đó, cái kết lưng chừng với sự hồi sinh của tội đồ Jung Ja khiến khán giả càng thêm tò mò hơn về phần 2 của Hellbound.
Nguồn: TH&PL