Rạp phim liệu sẽ đi về đâu khi liên tục đóng mở khiến khán giả hoang mang.
Rạp phim vừa được chính thức mở cửa sau 5 tháng "ngủ đông" do ảnh hưởng của Covid-19. 5 tháng vừa qua là một khoảng thời gian rất đặc biệt đối với khán giả, nhà làm phim, nhà sản xuất và đơn vị phát hành. Dường như mọi hoạt động nghệ thuật đều tạm dừng hoạt động, sở thích và xu hướng cũng dần thay đổi.
Chính vì thế lần trở lại vào ngày 19/11 của rạp phim không đơn giản là câu chuyện mở rạp và xem phim mà còn là bài toán khó cho nhà phát hành khi đứng trước những nghi ngại của khán giả về độ an toàn khi ra rạp.
Ở thời điểm hiện tại, xem phim tại rạp là điều gì đó xa xỉ đối với khán giả khi quá nhiều nguy cơ lây nhiễm tiềm tàng. Đứng trước muôn vàn khó khăn, liệu điều gì sẽ khiến khán giả thực sự "muốn" ra rạp?
Cùng lắng nghe chia sẻ của các bạn trẻ về vấn đề này!
Rạp phim chưa là lựa chọn ưu tiên để khán giả "cởi mở"?
"Ngày trở lại" của rạp phim đã đến nhưng "ngày trở lại" của khán giả thì vẫn còn là dấu chấm hỏi. Bởi lẽ nếu so sánh giữa việc ăn uống tại quán và xem phim rạp thì có lẽ nhu cầu về ăn uống vẫn được quan tâm hơn rất nhiều. Không phải tự nhiên mà rạp phim bị "thất sủng", mặc dù được cho phép hoạt động lại nhưng rạp phim chắc hẳn còn rất nhiều khó khăn. 19/11 là thời điểm cận kề kỳ nghỉ cuối tuần và 20/11, đây được xem là thời gian thuận lợi và là một phép thử cho nhà phát hành.
Chia sẻ về sự trở lại này của rạp phim, bạn Oanh Kiều chia sẻ: "Mình thật sự mừng vì rạp phim được mở lại. Chưa thể đánh giá sự thành bại của quyết định này nhưng thực tế đây là hướng đi đúng để khôi phục điện ảnh. Không thể mãi "ngủ đông" cũng không thể mãi sợ thất bại mà đóng cửa, như thế rạp phim và điện ảnh sẽ chết. Nhà phát hành cần một khoảng thời gian để "thử" sau Covid-19".
Tuy nhiên, nếu rạp mở nhưng khán giả chưa "cởi mở" thì sao? Bày tỏ quan điểm về việc khán giả nên hay không lựa chọn ra rạp vào thời điểm này, bạn Duy Long nêu rõ quan điểm: "Mình nghĩ nó phụ thuộc vào quan điểm, góc nhìn của mỗi người. Việc ăn uống tại quán thực tế vẫn là nhu cầu quan trọng và cơ bản nhất mỗi người. Đa số các quán đều có không gian khá mở và thông thoáng, chỉ số ít quán ăn là có điều hoà.
Riêng về rạp phim thì đa số lại là không gian kín lại luôn có điều hoà nên mức độ an toàn theo mình là khá thấp. Vậy nên rạp phim sẽ không là lựa chọn mình ưu tiên "cởi mở" trong lúc này. Giả sử các rạp được mở nhưng không có điều hoà vậy thì trải nghiệm điện ảnh cũng không trọn vẹn, giống việc ngồi xem phim trong phòng xông hơi".
Đồng quan điểm với Duy Long, bạn Hồng Thắm chia sẻ về sự lo ngại khi ra rạp trong thời gian này: "Xem phim chỉ là nhu cầu giải trí không thiết yếu bằng. Vậy nên tâm lý nhiều người sẽ cảm thấy việc giải trí chưa thật sự cần thiết so với việc đảm bảo sức khỏe trong tình hình dịch vẫn đang còn phức tạp hiện nay".
Ưu đãi nhiều hơn thì may ra khán giả mới chú ý…?
Để khán giả làm quen với việc rạp phim trở lại, người đi đầu phải là nhà phát hành. Những chính sách ưu đãi là một trong những yếu tố đặc biệt để khán giả có thể chú ý hơn đến nhu cầu xem phim giải trí. Trước tình hình phim Việt quyết định "đóng đô" vào tháng 12, bom tấn Âu-Mỹ cũng mất đi sức nóng do quá nhiều bài review, spoil hay cả việc xuất hiện link xem phim full trên mạng, nhà phát hành không thể chỉ dựa vào phim chất lượng để thu hút khách.
Chia sẻ về những điểm thu hút khi xem phim tại rạp, bạn Hương Thảo chia sẻ: "Đối với mình thì thu hút nhất khi đến rạp phim là bắp. Chính vì thế rạp phim có thể tung ra những ưu đãi về combo bắp nước, mình rất mong chờ các rạp phim sẽ ưu đãi tặng quà hoặc voucher cho khách hàng thường xuyên đến rạp".
Tuy nhiên, ưu đãi chưa phải là tất cả khi an toàn không được đảm bảo. Bạn Duy Long - fan yêu thích xem phim rạp cũng rất lo ngại: "Nếu đặt vào trường hợp phải lựa chọn thì mình sẽ ưu tiên rạp phim đảm bảo nguyên tắc và mức độ phòng dịch hiệu quả đến đâu. Sau khi trải qua đợt dịch lớn như thế mình nghĩ ai đã có tâm lý sợ và đề phòng cao thì dù có nhiều chính sách hơn họ vẫn sẽ lựa chọn xem phim tại nhà. Thay vì tập trung vào đại đa số, các rạp phim nên có chính sách vào những đối tượng muốn đến rạp xem".
Không dừng lại ở việc mở chính sách ưu đãi hay an toàn về phòng chống dịch, rạp phim cần mang đến nhiều giá trị hơn thế. Bạn Túy Cát bày tỏ quan điểm: "Khán giả có thể tiếp cận điện ảnh qua nhiều nền tảng và hình thức khác dễ dàng hơn như truyền hình, ứng dụng streaming,... Do vậy, dịch vụ rạp phim muốn tạo sự khác biệt cốt yếu phải đến từ việc chon lọc nội dung phim và tăng cường công tác bảo vệ bản quyền với bên đối tác tránh việc tiết lộ nội dung hay spoil phim".
Healing là xu hướng hậu Covid-19, nhưng không phải lựa chọn để ra rạp?
Bên cạnh những "nút thắt" về việc nên hay không ra rạp xem phim vào thời điểm "bình thường mới" , thì thể loại phim cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Nếu 5 tháng trước, dòng phim drama, kịch tính và giật gân luôn là lựa chọn tốt dành cho khán giả, nhưng đến thời điểm hiện tại sở thích xem phim đã khác. Phim "chữa lành" lên ngôi với loạt tác phẩm "bình thường" nhưng không tầm thường. Song liệu dòng phim "chữa lành" này có thật sự thu hút khán giả ra rạp?
Túy Cát chia sẻ: "Những phim với nội dung xoa dịu, làm mềm tinh thần sau dịch Covid-19 là rất ý nghĩa và cần thiết. Tuy nhiên, đặt ở rạp phim thì khó thành công, giống như người gầy mặc chiếc áo quá rộng vậy đó. Màu sắc phim này có thể phát triển nhưng khó để thống lĩnh rạp phim. Và cả mảng truyền hình thì cũng cần thêm đổi mới".
Trái với Túy Cát, Duy Long cho rằng dòng phim "chữa lành" vẫn có cơ hội ở màn ảnh rộng nhưng với điều kiện nhà làm phim phải thực sự chiến: "Hậu Covid-19 thì đúng là vắc-xin tinh thần đã trở thành điều không thể thiếu vì giúp "chữa lành" và làm phong phú xúc cảm sau khoảng thời gian dài gối mình trong căn phòng nhỏ, hẹp. Vậy nên đây sẽ là trận chiến thực sự giữa các nhà làm phim với một điểm ưu tiên nghiêng về dòng phim chữa lành. Mình nghĩ hậu covid-19 sẽ là một cuộc cạnh tranh thực sự xem đâu mới bộ phim chất lượng, dẫu không có lợi thế vẫn đạt được thành công, thu hút người xem".
Nhìn chung, khán giả vẫn chưa thực sự tự tin với việc trở lại rạp. Điều này cũng rất dễ hiểu khi nỗi sợ của con người ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc sự trở lại của rạp phim và điện ảnh sẽ thất bại. Các đơn vị phát hành, nhà làm phim, nhà sản xuất và diễn viên cần cho khán giả thời gian để thích nghi và làm quen với sự trở lại này. Mở cửa là điều tất yếu đôi khi phải chấp nhận lỗ trong thời gian đầu nhưng chắc chắn hướng đi tích cực này sẽ không lãng phí.
Nguồn: TH&PL