Những năm gần đây truyền hình Việt ngày càng ấn tượng với những phim truyền hình Việt đình đám nhưng vẫn có những giới hạn chưa thể vượt qua.
Phim truyền hình Việt những năm gần đây ngày càng khởi sắc với nhiều tác phẩm chất lượng và gây tiếng vang. Một số cái tên nổi bật trong năm 2021 phải kể đến Cây Táo Nở Hoa, Hương Vị Tình Thân, 11 Tháng 5 Ngày,... Thay đổi, mới lạ và "ngon mắt" là những điều mà phim truyền hình Việt đã làm được. Thế nhưng nhiêu đó đã thực sự đủ với khán giả Việt chưa thì không chắc.
Phim truyền hình Việt kể chuyện gì?
Điều không thể phủ nhận rằng phim Việt đang ngày càng trưởng thành và tìm được định hướng riêng cho mình. Không còn những tác phẩm ăn theo xu hướng với hình thức "mì ăn liền", hay "nhập khẩu" vô tội vạ những tác phẩm nước ngoài và remake kiểu "đầu voi đuôi chuột". Phim Việt đã mang đến cho người xem nhiều ý nghĩa không dừng lại ở việc "xem cho vui" mà còn chứa đựng câu chuyện thời sự phù hợp với thực tế xã hội Việt.
Một trong những chủ đề được khai thác nhiều nhất trong phim truyền hình Việt chính là gia đình. Đó không phải là một câu chuyện mới nhưng cũng không cũ. Đứng trước một nền văn hóa Á Đông đề cao mối quan hệ "máu mủ ruột rà", gia đình giống như một xã hội thu nhỏ với nhiều kiểu người mà mỗi người một tính cách, một cuộc sống. Chính vì thế không quá khó hiểu khi phim Việt luôn lựa chọn gia đình là trung tâm của nhiều bộ phim truyền hình.
Không ít thì nhiều, câu chuyện xung đột cùng những bất đồng giữa các thế hệ được phim truyền hình lồng ghép một cách khéo léo và chân thực nhưng đôi khi có phần phóng đại. Nếu Hương Vị Tình Thân khai thác ân oán hận thù giữa những mối quan hệ phức tạp, nhọc nhằn gia tộc trong quá khứ và tương lai thì Cây Táo Nở Hoa có phần nhẹ nhàng hơn về nội dung nhưng nặng nề về tâm lý với xung đột, hiểu lầm của anh em trong gia đình. Có thể nói gia đình trong phim Việt luôn có "gia đình that, gia đình this" - giống nhau về yếu tố cốt lõi nhưng khác biệt về hình thức và cách thể hiện.
Giỏi "làm đau" nhưng ít "chữa lành"?
Lựa chọn đề tài gia đình, phim Việt đúng là ngày càng thăng hoa nhưng cũng vấp phải nhiều giới hạn mà những nhà làm phim cần phải suy ngẫm và khắc phục sớm. Phim truyền hình là những bộ phim dài tập mà mỗi tập phim là thành tố đưa đến cái kết cuối cùng mà câu chuyện phim mang lại. Thế nhưng dường như hai chữ "dài tập" đã khiến cho nhiều biên kịch "ngộp thở". Điều này minh chứng ở việc nhiều kịch bản phim quá dài và dàn trải nhiều nội dung có phần vô lý và thực sự không cần thiết.
Mới đây nhất phải kể đến Hương Vị Tình Thân, đây là một bộ phim được đánh giá cao về nội dung khi được chắt lọc, phát triển từ My Only One. Song càng về sau Hương Vị Tình Thân càng khiến khán giả phát bực khi liên tục cài cắm những chi tiết quá dài dòng từ chuyện xóa nốt ruồi đến chuyện phá án minh oan cho bố Sinh một cách vụng về. Bên cạnh đó những bi kịch chồng chèo khiến cho Hương Vị Tình Thân bỗng chốc hóa thành "hương vị nặng nề".
Dường như cán cân cảm xúc của khán giả Việt đang bị chênh lệch khi biên kịch phim truyền hình ngày càng muốn "ngược đãi" tinh thần với chuỗi bi kịch dài hạn. Cây Táo Nở Hoa là một trong những phim truyền hình sở hữu số lượng tình huống đau khổ, mệt mỏi và mang sức nặng tâm lý lớn nhất.
Đạo diễn Cây Táo Nở Hoa - Võ Thạch Thảo đã thừa nhận: "Drama là cần thiết đặc biệt ở phim truyền hình dài tập, nhưng áp dụng drama ở mức độ, cường độ như thế nào còn phụ thuộc vào nội dung và thể loại phim. Tôi cũng đồng ý là Cây Táo Nở Hoa khá bi kịch, nhất là bi kịch khá dài ở đoạn giữa phim dễ khiến người xem mệt mỏi. Đây cũng là một kinh nghiệm cho đội ngũ biên kịch chúng tôi học hỏi và khắc phục ở những dự án sau".
Tuy nhiên nếu nhìn nhận khách quan thì Cây Táo Nở Hoa cũng là một bộ phim "chữa lành". Phim sử dụng hiệu ứng ngược khi vận dụng nhiều chi tiết bi kịch nhằm đẩy cảm xúc của khán giả đến cao trào. Từ đó, người xem mới cảm nhận và thấm thía những giá trị mà hạnh phúc mang lại.
"Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa, tại sao cây táo lại nở hoa?" - câu nói được lặp đi lặp lại trong Cây Táo Nở Hoa như niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng. Dẫu bi kịch nhiều nhưng Cây Táo Nở Hoa đã thực sự "chữa lành" theo cách rất riêng. Ít phim Việt nào có thể lan tỏa và trở thành trào lưu ở khắp các trang mạng xã hội như Cây Táo Nở Hoa, đó là một dấu hiệu tốt của tương lai truyền hình Việt.
Khác với cách "chữa lành" của Cây Táo Nở Hoa, 11 Tháng 5 Ngày có thể xem là một "bước đi ngược" của truyền hình Việt trong năm 2021. Phim đã vẽ ra cho khán giả một màu sắc khác, không hoàn hảo và chỉn chu nhưng vì sao phim lại trở nên cuốn hút đến kỳ lạ. Nếu như nhiều phim Việt khác càng về cuối càng "mất sức" thì 11 Tháng 5 Ngày lại càng ngày càng "chữa lành" với nhiều tình tiết nhẹ nhàng, hấp dẫn, đáng yêu và đặc biệt "vừa đủ" không tham lam.
Dù cách "chữa lành" khác nhau nhưng cả Cây Táo Nở Hoa và 11 Tháng 5 Ngày đã thực sự thành công trong hành trình khẳng định vị trí của truyền hình Việt trong lòng khán giả. Bi kịch, tổn thương hay drama là cần thiết nhưng biên kịch lẫn đạo diễn làm phim phải thực sự cân nhắc kỹ lưỡng để dung hòa giữa việc "làm đau" và "chữa lành".
Vì sao phim remake lên ngôi?
Chất liệu làm phim là một trong những yếu tố cốt lõi và quan trọng để dẫn dắt hướng đi của câu chuyện. Nhắc đến hai bộ phim mới nhất với tấn bi kịch dài đằng đẵng là Hương Vị Tình Thân và Cây Táo Nở Hoa, đều là những tác phẩm remake từ kịch bản của Hàn Quốc. Vậy câu hỏi đặt ra rằng, vì sao phim Việt phải remake? Nếu để ý kỹ phim Việt đang thiếu chất liệu "làm đau" mà điều đó thì những kịch bản nước ngoài có thể thừa sức cho chúng ta.
Chạy theo trào lưu phim remake chứng tỏ nhà làm phim đang rất coi trọng kịch bản và đang nỗ lực tìm kiếm chất liệu phim ảnh mới ở các quốc gia đồng văn hóa. Bởi lẽ nếu nhìn nhận đúng thì kịch bản thuần Việt vẫn còn khá yếu và thiếu vắng nhiều yếu tố kịch tính, chính vì thế kịch bản remake hiện là lựa chọn tốt nhất để mang đến cho khán giả một tác phẩm chất về cốt lõi và đầy đủ về số lượng. Drama, sự bàn luận và tranh cãi là đặc trưng mà phim truyền hình bắt buộc phải có, nhưng sự tăng giảm "gia vị" như thế nào để phù hợp với tâm lý đặc thù của người Việt mới là điều đáng nói. Và sự thành công của nhiều bộ phim Việt đình đám đã chứng minh hướng đi tốt của những nhà làm phim.
Tuy nhiên để nhìn nhận như thế nào là phim remake thì có lẽ nhiều khán giả vẫn chưa nhìn nhận đúng. Chúng ta thường vô tình sử dụng từ "sao chép ý tưởng" để miêu tả về một bộ phim remake. Thế nhưng remake có phải là "làm lại" hay không thì phải phụ thuộc nhiều yếu tố từ định hướng kịch bản đến cách diễn xuất. Thực tế phim truyền hình Việt đã làm rất tốt trong việc thay đổi, chắt lọc và sáng tạo nội dung cho phim có kịch bản remake.
Cả Hương Vị Tình Thân, Cây Táo Nở Hoa, Người Phán Xử và Sống Chung Với Mẹ Chồng đều là những tác phẩm truyền hình remake từ kịch bản nước ngoài rất thành công. Đây là những bộ phim tạo ra một dấu ấn đặc trưng riêng của người Việt từ những chi tiết nhỏ nhất đến câu chuyện lớn và giá trị mà phim mang lại. Bởi lẽ một khi phim được quay ở Việt Nam, xây dựng xoay quanh câu chuyện của người Việt và được người Việt thể hiện thì đó đã là một tác phẩm Việt chứ không còn mượn danh nước ngoài.
Song, Việt Nam sẽ không mãi remake. Đã có nhiều phim Việt có chất lượng kịch bản tốt như Hướng Dương Ngược Nắng, 11 Tháng 5 Ngày. Đặc biệt hơn cả đây toàn là những tác phẩm có nội dung chặt chẽ tạo nên cơn sốt khắp các trang mạng xã hội. Nếu Hướng Dương Ngược Nắng được "nuôi dưỡng" bởi bộ ba biên kịch quen thuộc Thủy Vũ, Minh Ngọc, Quỳnh Thy - từng đứng sau thành công của nhiều bộ phim truyền hình khác như Hoa Hồng Trên Ngực Trái hay Tuổi Thanh Xuân,...
Hay 11 Tháng 5 Ngày được dẫn dắt bởi những nhà làm phim trẻ tuổi: bộ đôi đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh và Nguyễn Đức Hiếu đã thực sự lấy tinh thần của những thế hệ mới tạo ra một tác phẩm mới "lội ngược dòng" thành công và vượt mặt cả "đàn anh, đàn chị" trong phim truyền hình.
Đặc biệt, một trong những bộ phim truyền hình Việt đã làm rất tốt khi vận dụng chất liệu của chính người Việt. Về Nhà Đi Con là tác phẩm remake từ chính phim truyền hình Việt Khi Đàn Ông Góa Vợ Bật Khóc, nhưng với một tinh thần hiện đại, tươi trẻ hơn. Sự thành công của bộ phim quốc dân - Về Nhà Đi Con đã lần nữa khẳng định phim truyền hình Việt "dư sức" tạo ra sức hút để có thể vừa "làm đau" vừa "chữa lành".
Tạm kết
Healing (chữa lành) là một từ khóa và xu hướng phát triển của phim truyền hình ở nhiều quốc gia. Đặc biệt điều đó càng được thể hiện mạnh mẽ hơn sau đại dịch Covid-19 - thời kỳ mà tất cả chậm lại trong đau thương và mất mát. Và khi đó nhu cầu "chữa lành" càng được đề cao hơn bao giờ hết.
Việt Nam cũng không nên nằm ngoài vòng khi đã có một vài tác phẩm thành công trong việc sử dụng từ khóa healing để phát triển. Hơn thế, phim truyền hình Việt đã có nhiều khởi sắc đáng mừng khi bắt đầu hành trình "đào thải" những tác phẩm "mì ăn liền" kém chất lượng.
Chính vì thế, những nhà làm phim Việt cần phải thừa thắng xông lên khẳng định nhiều hơn vị trí của chính mình ở dòng phim này. Đặc biệt nhà làm phim cần cân nhắc dung hòa cán cân "làm đau" và "chữa lành" để đạt thành công tốt nhất cho tác phẩm. Bên cạnh đó, cần tận dụng tốt cơ hội người trẻ đang dần hướng về phim Việt, đừng biến đỉnh cao của hôm nay thành "trào lưu" trong phút chốc.
Nguồn: TH&PL