Tính nghệ thuật là công cụ hữu hiệu trong việc phác họa nên cuộc sống và những bí mật của giới tài phiệt trong phim Hàn Quốc.
Mine, Penthouse, Thế Giới Hôn Nhân, Lâu Đài Trên Không hay mới nhất là The Road: Tragedy Of One là những bộ phim thuộc thế giới tài phiệt. Những góc khuất về cuộc sống của giới siêu giàu Hàn được vạch trần một cách chân thực và rõ ràng khiến cho người xem không khỏi giật mình.
Nếu chú ý trong những bộ phim về giới siêu giàu Hàn Quốc, mỗi gia đình đều có những thú vui riêng về nghệ thuật. Nếu Mine là thú vui thưởng thức tranh, nuôi công thì Penthouse là những cuộc đấu đá để tranh vị trong giới Opera.
Penthouse sử dụng nền nhạc giao hưởng dành cho tầng lớp quý tộc để diễn tả những bi kịch của giới thượng lưu. Mỗi nhịp điệu của bộ phim nhún nhảy trên từng nốt nhạc vô tình khắc họa nên một bức tranh hoàn mỹ về tội ác, con người. Khác với Penthouse, Mine sử dụng thú vui thưởng thức tranh để lồng ghép những yếu tố ẩn dụ về cuộc sống, góc khuất trong tâm hồn của mỗi người.
Nghệ thuật kể cho ta nghe...
Chúng ta đã từng thưởng thức hàng trăm bộ phim lấy cảm hứng đến từ âm nhạc và dần quen với những mô típ về ước mơ tươi đẹp và niềm đam mê. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng xem qua những bộ phim kinh điển với đề tài âm nhạc như The Pianist với tình yêu nghệ thuật giữa chiến tranh tàn khốc. Hay câu chuyện nhẹ nhàng và nhân văn khi âm nhạc như một liều thuốc chữa bệnh trong The Chorus.
Âm nhạc dường như trở thành một biểu tượng đẹp đẽ để con người ta ngợi ca cảm xúc, cuộc sống tươi đẹp và khao khát mãnh liệt với nghệ thuật. Đặc biệt, với dòng nhạc Opera cao quý và bí ẩn, cứ ngỡ chỉ dành riêng cho những ai yêu và biết cách thưởng thức thứ âm thanh kỳ diệu này.
Tuy nhiên, Penthouse đã tạo ra một ngoại lệ, chẳng cần có tâm hồn đẹp, chẳng cần thực sự đẳng cấp hay quý tộc, chỉ cần chúng ta thực sự "biết cách" biến chúng thành của mình như cách Cheon Seo Jin đã làm. Mỗi câu chuyện được âm nhạc kể nên một cách rành mạch, chân thực qua từng nốt trầm bổng.
Mở đầu Penthouse II là giọng ca cao vút của nữ phản diện Cheon Seo Jin. Với bề ngoài đẳng cấp sang trọng, nổi tiếng của một nghệ sĩ Opera nhưng phía sau là tiểu tam giật bồ, bỏ chồng, cướp chồng sau đó quay lại ngoại tình với chồng cũ.
Một trong những phân cảnh nổi bật mà âm nhạc kể cho ta nghe là buổi lễ đính hôn của Cheon Seo Jin và chủ tịch Chu Dan Tea đang đắm chìm trong một bản nhạc ngọt ngào, nhẹ nhàng nhưng lại bẻ lái bởi giai điệu dứt khoát, gấp gáp. Ngay sau đó là sự xuất hiện bất ngờ của chồng cũ Cheon Seo Jin (bác sĩ Han) và kẻ thù Oh Yoon Hee với mối quan hệ vợ chồng.
Âm nhạc kết hợp cùng diễn xuất của dàn diễn viên tên tuổi đã tạo nên một vở bi hài kịch khiến khán giả phải bật cười ngao ngán với sự hài hước nhưng kịch tính dưới bàn tay của nhà biên kịch Kim Soon Ok.
Bên cạnh Penthouse, Mine được cho là bộ phim vận dụng yếu tố nghệ thuật độc đáo thông qua hội họa. Khi nhìn vào bức tranh vẽ chú vi on bị kẹt, Seo Hyun nhận ra rằng bản thân cũng đang kẹt trong chính cuộc đời của mình, giới tính của mình.
Đối với cô nghệ thuật vẽ tranh chính là tình yêu, một tình yêu thuần khiết và ngọt ngào với Suzy. Đứng trước câu hỏi về sự hạnh phúc cô chỉ trầm mặc và nói về những kỷ niệm khi bên cạnh Suzy, có lẽ cô chỉ hạnh phúc khi ở cạnh người cô thương mà thôi. Cũng giống như việc vẽ vậy, khi mất đi Suzy cô chẳng còn có thể vẽ nữa bởi thứ cô yêu là Suzy và những giây phút được vẽ bên cô ấy.
Không những thế, thú vui nuôi công - một loài vật vô cùng quý giá, đương nhiên nó không đơn giản là một vật nuôi. Chú công bị nhốt trong lồng suốt năm suốt tháng biểu thị cho sự giam cầm. Dù là loài vật đẹp đẽ, quý giá thì cuối cùng cũng chỉ mãi có thể ở trong lồng mà chẳng thể thoát khỏi ánh mắt nhìn ngó của con người.
Cũng giống như gia tộc họ Han, quyền lực, tiền bạc, danh vọng tất cả đều đủ đầy nhưng họ lại thiếu tốn một sự tự do trong chính vỏ bọc hào nhoáng. Tự do là thứ gì đó xa xỉ khiến cho họ cảm thấy nghẹt thở, phu nhân Han lúc nào cũng phải trong bộ dạng quý tộc, cháu trai phải tuân theo lời dòng họ cưới một cô gái không quen không biết để củng cố quyền lực.
Nếu chú công bị nhốt trong lồng thì những kẻ giàu có quyền quý lại bị nhốt trong chính những bữa tiệc xa hoa, dinh thự hoành tráng đầy kẻ ăn người ở và cả cái không khí với mức độ bão hòa oxy gấp 15 lần không khí bình thường, họ uống nước từ các sông băng ở Nam Cực.
Vẻ đẹp của nghệ thuật không thể che lấp được góc khuất của giới thượng lưu
Bằng một cách nào đó, dòng nhạc Opera đã trở thành móc xích quan trọng cho những tình tiết kịch tính được thể hiện trong Penthouse. Hơn thế, mỗi giai điệu vừa liên kết với từng phân cảnh, vừa là sợi dây buộc chặt mối quan hệ của các tuyến nhân vật trong phim.
Cheon Seo Jin vì không có được giọng hát tuyệt vời như Oh Yoon Hee đã mang lòng thù hận hủy hoại giọng hát của đối thủ và tàn nhẫn gây ra cái chết của chính bố ruột. Và cũng chính vì thứ âm thanh tuyệt diệu đã mang lại sự nổi tiếng, quyền lực nhưng đổi lại Seo Jin luôn bị uy hiếp, đe dọa bởi chính con gái ruột của mình.
Cheon Seo Jin liên tục bị những màn "gậy ông đập lưng ông" khiến cho người xem hả hê. Chỉ với 4 tập đầu của Penthouse II đã khiến cho ác nữ Seo Jin mất đi nhiều thứ, đặc biệt là giọng hát. Từ đó, cái kim trong bọc cũng có ngày bị phát hiện khi người hát thế lại chính là kẻ thù Oh Yoon Hee, bị con gái và kẻ thù uy hiếp chưa đủ cô còn bị con chồng đe dọa. Xem ra ác nữ Cheon Seo Jin vì thứ âm thanh kỳ diệu đó mà đã mất quá nhiều.
Các Rich Kids cũng không nằm ngoài, mỗi đứa con trong các gia đình quyền quý tại tòa tháp 100 tầng Hera Palace là một nốt nhạc trong bản giao hưởng đầy tính toán. Chúng được sắp xếp chặt chẽ trong một khuông nhạc mang tên Cheong A. Vì để dành được chiếc vé vào ngôi trường danh giá Cheong A mà Oh Yoon Hee đã giết chết Min Seol Ah (Penthouse I).
Vì cuộc thi Liên hoan nghệ thuật Cheong A mà hội Rich Kids bày trò bắt nạt Je Ni, hãm hại cản trở Ro Na. Những âm thanh cao vút của dòng nhạc Opera ngày càng vang vọng và đi sâu vào những diễn biến của nhân vật trong phim.
Mine mang đến cho người xem những góc nhìn nghệ thuật đầy thú vị không dừng lại ở những bức tranh, mà còn thể hiện qua nghệ thuật kiến trúc đầy hoa lệ và ẩn ý. Khung cảnh đầy tráng lệ với những khuôn viên rộng thênh thang, Mine là bộ phim có sức đầu tư siêu mạnh khi lựa chọn bối cảnh cực hoành tráng và nổi tiếng. Mỗi phân cảnh trong Mine đều chứa đựng những hàm ý về lối sống và tâm tư của con người. Những khung cảnh đầy xa hoa đối lập với những cô đơn của giới siêu giàu.
Bên cạnh đó, chiếc cầu thang được xuất hiện xuyên suốt bộ phim cũng mang một ý nghĩa không hề nhỏ. Chúng ta đã từng biết sự phân chia rạch ròi giữa các giai cấp qua chiếc cầu thang trong Parasite thì ở Mine, chiếc cầu thang lại thể hiện giới hạn của chủ nhân và người hầu.
Nếu chúng ta để ý kỹ thì người nhà họ Han luôn đi từ cầu thang trên xuống và người hầu sẽ đi từ cầu thang dưới lên. Và duy nhất có sự khác biệt ngược lại ở ngay tập đầu đó chính là Han Soo Hyuk đi từ dưới lên và cô hầu gái Kim Yo Yeon đi từ trên xuống. Chính chi tiết này đã dự báo cho một mối tình ngang trái giữa hai giai cấp, hai cuộc sống.
Bên cạnh đó cách sắp xếp bối cảnh song song thể hiện sự cân bằng giữa các thế lực trong phim. Bố cục đối xứng được thể hiện một cách hoàn hảo từ những cảnh nói chuyện thông thường, đến bữa tiệc xa hoa. Chính yếu tố này bộc lộ những cuộc tranh đấu không hồi kết giữa thiện và ác, giữa sự thật và dối trá.
Từ Penthouse cho đến Mine đều mang đến những góc nhìn rất nghệ thuật. Thế nhưng, vẻ đẹp đó lại không giúp họ che giấu cuộc sống đầy bi kịch mà còn vạch trần rõ hơn những góc khuất đau khổ và có phần tàn bạo của giới siêu giàu.
Vừa là ổ khóa, vừa là chìa khóa?
Tính chất âm nhạc đối lập với tình tiết câu chuyện nhưng không hề riêng lẻ trong Penthouse được thể hiện rất tốt. Sự thay đổi của âm nhạc gắn liền với những bước ngoặt của phim tạo ra sợi dây cảm xúc giữa nhà làm phim và khán giả.
Cứ tưởng cuộc thi Liên Hoan Nghệ Thuật Cheong A sẽ là chìa khóa hóa giải được phần nào sự tội lỗi trong lòng Ro Na về cái chết của Seol Ah. Nhưng không, biên kịch Kim Soon Ok luôn tạo ra những cú lật mặt liên hoàn khiến cho khán giả ngã ngửa. Tham vọng âm nhạc khiến cho bi kịch xuất hiện khi Eun Byul rơi vào cơn điên loạn vì áp lực chiến thắng mà giết chết Ro Na tại tập 5 của bộ phim. Tình tiết này đã đưa Eun Byul đi vào và khóa chặt cánh cửa của tội ác, bắt đầu chìm đắm trong nỗi ám ảnh của máu và tham vọng.
Chúng ta quay trở lại một chút với phần một, âm nhạc chính là nguyên nhân khơi mào cuộc chiến của tầng lớp thượng lưu, đưa các nhân vật đi vào vòng xoáy tham vọng. Âm thanh cao vút của dòng nhạc giao hưởng đã đưa ác nữ Cheon Seo Jin rơi vào sự khủng hoảng liên hồi.
Với áp lực chiến thắng cô ta luôn bị chì chiếc đến mức giết bố ruột, không những thế cô ta còn hủy hoại giọng hát của Yoon Hee một cách tàn nhẫn từ đó luôn bị uy hiếp bởi thế lực nhiều phía. Ngoài Seo Jin, Yoon Hee giết Seol Ah vì muốn Ro Na được học tập và thỏa mãn đam mê âm nhạc tại trường cấp 3 nghệ thuật Cheong A (Penthouse I).
Âm nhạc là ổ khóa nhốt lấy cuộc đời của mỗi nhân vật trong phim. Ai ai cũng muốn được sở hữu thứ danh vọng mà Opera mang lại. Sinh ra vốn dĩ để con người ta thư giãn, thưởng thức, thế nhưng chỉ khi nghệ thuật bị tham vọng chi phối thì chúng biến thành một chiếc ổ khóa khó có thể giải mã được. Đây có lẽ là tấm gương vàng phản chiếu bức tranh tả thực hai chiều của giới thượng lưu một cách tròn trịa.
Penthouse III đã đi gần hết chặng đường và dòng nhạc Opera là điều không thể thiếu trong hành trình tranh giành quyền lực, những cuộc trả thù đẫm máu. Suốt 3 phần, Opera luôn là mục tiêu, là lý tưởng của hội Rich Kids, trong tập 8 buổi hòa nhạc đầy màu sắc nghệ thuật với phong cách quý tộc Châu Âu đã phần nào gỡ nút thắt của bộ phim.
Bề ngoài là một buổi thử giọng đơn thuần nhưng thực sự là cuộc chiến của Eun Byul và Ro Na. Chiến thắng của Ro Na là chìa khóa giải mã năng lực thực thụ của cô, đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn khác của cô bé Ro Na trong hành trình trả thù cho mẹ mình - Yoon Hee.
Những thứ nghệ thuật hào nhoáng có thể sẽ nhốt chúng ta trong cảm giác danh vọng, thỏa mãn với cuộc sống giàu sang đầy ảo mộng. Nhưng chính nó cũng là chiếc chìa khóa đưa ta thoát ra khỏi những bế tắc, mợ cả Seo Hyun trong Mine cứ ngỡ bản thân đang bị nhốt trong cánh cửa hào môn, trong định kiến về giới tính. Thế nhưng thực sự cô chẳng hề mắc kẹt ở đâu cả, tất cả chỉ là do bản thân cô chưa hiểu được chính mình.
Khi bức tranh con voi được giải mã cũng là lúc Seo Hyun hiểu được bản thân cần phải làm gì, cần sống như thế nào? Bên cạnh đó, thực ra phu nhân Han mỗi khi nhìn vào chú công bị nhốt đều nhìn thấy chính mình, bà cảm thông với nó cũng chính là cảm thông với bản thân. Bà hiểu rằng muốn đứng ở vị trí không ai đứng được thì phải chịu cảm giác không ai chịu được, ở cái tuổi không thể thay đổi cuộc sống bà chấp nhận sống một cách bó buộc bởi sự giàu có.
Tạm kết
Tính nghệ thuật trong dòng phim tài phiệt luôn được đề cao và phát triển để ẩn chứa những bí mật của giới siêu giàu. Yếu tố nghệ thuật đã phác họa nên cuộc sống của giới thượng lưu cùng những góc khuất khó có thể nói ra chỉ có thể thể hiện bằng hình ảnh để mang đến xúc cảm cho người xem. Nhưng tạm gác những ý đồ của đạo diễn chúng ta phải công nhận rằng tính nghệ thuật trong các bộ phim về giới tài phiệt được đầu tư vô cùng chỉn chu, công phu và hoàn hảo đến từng chi tiết.
Nguồn: TH&PL