Người "trồng" Cây Táo Nở Hoa

Đạo diễn/Biên kịch Võ Thạch Thảo - một trong những người “trồng" Cây Táo Nở Hoa, sẽ đại diện cho tất cả, kể lại hành trình ươm mầm, chăm sóc Cây Táo cho tới ngày “Nở Hoa".

Thời điểm Cây Táo Nở Hoa đi vào chặng nước rút trong sự háo hức của biết bao khán giả trên cả nước, cũng chính là khi tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đang diễn biến phức tạp. Không thể đến studio dựng phim, Đạo diễn/Biên kịch Võ Thạch Thảo chuyển máy tính về nhà, với 10 cộng sự khác - mỗi người một nơi, trao đổi qua những cuộc gọi trực tuyến để cùng hoàn thiện từng tập phát sóng của Cây Táo Nở Hoa. Đạo diễn/Biên kịch Võ Thạch Thảo đã mất 2 năm 4 tháng, kể từ tháng 5/2019 để "trồng" Cây Táo Nở Hoa

Hành trình của Cây Táo Nở Hoa trên màn ảnh nhỏ suốt 5 tháng vừa qua, có lẽ là một hành trình nhiều hỷ, nộ, ái, ố và cũng mang đến cho bộ phim hàng loạt những con số kỷ lục của truyền hình Việt. Nhưng để có được 5 tháng toả sáng và trở thành một thương hiệu trong đời sống thường nhật và trên mạng xã hội, phía sau Cây Táo Nở Hoa là hàng trăm con người khác, từ bộ phận biên kịch, sản xuất, quay phim, đạo cụ, trang phục, âm nhạc, hậu kỳ… 

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Nếu hỏi Người "trồng" Cây Táo Nở Hoa là ai? Không thể nào tìm được một đáp án duy nhất. Có lẽ, người "trồng" Cây Táo Nở Hoa là họ - những nhà sản xuất, nhà đầu tư, cùng hàng trăm con người khác và cả khán giả mọi miền Tổ quốc. Trong bài phỏng vấn này, Đạo diễn/Biên kịch Võ Thạch Thảo - một trong những người "trồng" Cây Táo Nở Hoa, sẽ đại diện cho tất cả, kể lại hành trình ươm mầm, chăm sóc Cây Táo cho tới ngày "Nở Hoa".

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Cây Táo Nở Hoa là một bộ phim truyền hình dài tập, nhưng cũng từng được chia sẻ rằng quá trình sản xuất tương đương một phim điện ảnh. Yếu tố "điện ảnh" nằm ở những đâu trong phim? 

Về mặt kịch bản, Cây Táo Nở Hoa là một kịch bản khá tốt, dù có giai đoạn dài dòng như khán giả góp ý. Nhưng về mặt hình ảnh và chất lượng âm thanh, tôi nghĩ phim rất đồng đều từ đầu đến cuối. Để có được chất lượng đó, quy trình sản xuất Cây Táo Nở Hoa đòi hỏi rất nhiều mặt, từ nhân sự, thiết bị, phim trường, đến các quy trình sản xuất hậu chỉnh chu.

Đặc biệt 70% nhân sự của Cây Táo Nở Hoa chủ yếu là làm trong lĩnh vực điện ảnh và hầu hết đây còn là phim truyền hình đầu tiên họ làm. Chính vì vậy họ có những yêu cầu cao về công việc với mục đích chung tạo ra một phim có chất lượng tốt.

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Ở phần hậu kỳ, Cây Táo Nở Hoa có một quy trình hậu kỳ khá kỹ lưỡng, từ dựng phim, âm thanh, âm nhạc, chỉnh màu và VFX (kỹ xảo hình ảnh). Phần âm nhạc trong phim rất được chú trọng đầu tư. Ngoài các ca khúc nhạc phim, thì music score (bộ nhạc phim) trong Cây Táo Nở Hoa có 150 bài được viết mới hoàn toàn. 

Có thể nói là lần đầu tiên, phim truyền hình Việt Nam có một bộ nhạc lớn đến như vậy. Người thực hiện là bạn Trần Hữu Tuấn Bách - nhà soạn nhạc phim của Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, Tiệc Trăng Máu, Bằng Chứng Vô Hình… và Cây Táo Nở Hoa cũng là phim truyền hình đầu tiên bạn ấy làm. 

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Có nhiều ý kiến cho rằng, phim truyền hình dài tập thường được làm theo phong cách "mì ăn liền", không ít khán giả cũng mặc định phim chục tỷ, trăm tỷ sẽ chỉ có điện ảnh. Còn Cây Táo Nở Hoa, theo chị nói, dường như đã "đi ngược lại"? 

Ở thời điểm làm Cây Táo Nở Hoa, chắc chắn đây là phim có kinh phí lớn nhất miền Nam. Chúng tôi những người làm phim và Vie Channel (đơn vị sản xuất) có chung quan điểm là phải nâng cao chất lượng phim để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả. 

Thực tế cho thấy, khán giả bây giờ đã có nhiều sự lựa chọn trong việc xem nội dung gì và xem như thế nào. Nếu những người làm phim như chúng tôi không thay đổi, không thể tạo nên những nội dung tốt, hấp dẫn với hình thức, cách thể hiện phù hợp, thì chính chúng tôi sẽ mất khán giả. 

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Vậy để chấm dứt thời kỳ phim truyền hình "mì ăn liền", cần thay đổi từ đâu? 

Tôi thấy thị trường bây giờ dòng phim truyền hình không được đầu tư nội dung tới hình thức mà bạn nói là "mì ăn liền" đã giảm rõ rệt. Và điều này là hệ quả tất yếu của xu hướng truyền hình chất lượng cao đang lên ngôi. Và trong tương lai gần, tôi hy vọng thời kỳ phim truyền hình "mì ăn liền" có thể kết thúc.

Khán giả ngày nay ngoài thưởng thức phim trên TV thì họ cũng có thể xem phim thông qua các ứng dụng/nền tảng trực tuyến có trả phí. Vì các hình thức này khán giả bỏ tiền xem phim nên nhà sản xuất phải mang đến những sản phẩm chất lượng, đạt được mong muốn của "khách hàng", nếu không sẽ khó giữ chân được "khách hàng" của mình. Và chính xu hướng và nhu cầu này sẽ thay đổi cách làm phim. Các phim "mì ăn liền" sẽ kết thúc.

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0
nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Sau tất cả, liệu Cây Táo Nở Hoa có gặt hái được những "quả ngọt" xứng đáng với mức đầu tư cả về kinh phí và quy trình sản xuất, theo chị? 

Hiệu quả của một bộ phim nằm ở 2 khía cạnh: kinh doanh và độ nhận diện (truyền thông). Về hiệu quả kinh doanh, tôi không trả lời được, mà câu hỏi này phải dành cho nhà phát hành. Nhưng hiệu quả truyền thông thì chúng ta có thể thấy, Cây Táo Nở Hoa đã trở thành một thương hiệu phim được nhiều người biết đến: có người xem rất trung thành; có người xem rồi thấy ức chế quá, không phù hợp thì không xem nữa; nhưng cũng có khán giả chưa bao giờ xem mà nghe bàn luận nhiều thì họ cũng quan tâm, và trong số đó sẽ lựa chọn xem. 

Trên các nền tảng mạng xã hội, Cây Táo Nở Hoa còn tạo thành "trend" như gọi điện báo tình tiết mới của phim,… Dù chỉ mang tính chất hài hước, nhưng ít nhất đã cho thấy sự ảnh hưởng nhất định của bộ phim đối với mạng xã hội.

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Bên cạnh những "trend" đình đám trên mạng xã hội, phim còn gây tranh cãi bởi loạt tình tiết bi kịch đến mức phi lý, hay người xem còn nói vui rằng "mùa dịch ở nhà đã buồn còn xem phải Cây Táo Nở Hoa"... Chị nghĩ sao về việc Cây Táo Nở Hoa bị nhận xét quá drama?

Drama là cần thiết đặc biệt ở phim truyền hình dài tập, nhưng áp dụng drama ở mức độ, cường độ như thế nào còn phụ thuộc vào nội dung và thể loại phim. Tôi cũng đồng ý là Cây Táo Nở Hoa khá bi kịch, nhất là bi kịch khá dài ở đoạn giữa phim dễ khiến người xem mệt mỏi. Đây cũng là một kinh nghiệm cho đội ngũ biên kịch chúng tôi học hỏi và khắc phục ở những dự án sau.

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Dù làm nên nhiều kỷ lục, thành công ở cả phần truyền thông - mạng xã hội, nhưng vẫn không thể phủ nhận việc người ta nhắc đến Cây Táo Nở Hoa là một bộ phim "remake". Chữ "remake" ấy liệu có đánh mất phần nào hào quang trong tác phẩm của chị? 

Tôi không muốn so sánh bản Việt với bản Hàn, vì mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nhưng nếu mình không lên tiếng, thì có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng Việt hoá là sự vay mượn. Đây là thời đại 4.0, cuộc trao đổi văn hoá đang diễn ra trên toàn thế giới và xuyên quốc gia, xuyên lục địa. Không nên nghĩ rằng chúng ta đang vay mượn, mà thật ra chúng ta đang giao lưu, hội nhập để cùng phát triển. 

Không chỉ có Việt Nam làm phim remake, ngay cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc - những cường quốc về điện ảnh và truyền hình ở khu vực châu Á vẫn làm phim remake. Lý do để remake một bộ phim có thể đến từ việc đề tài, nội dung đó thích hợp với câu chuyện bản xứ.

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Việc remake phim là một cơ hội để mình đa dạng hóa bữa ăn tinh thần cho khán giả và giúp những người làm nghề còn "non tay" có cơ hội học hỏi. Tôi nghĩ nên biến cơ hội thành động lực để phát triển kỹ năng, sau đó mình mới làm phim kịch bản gốc được. 

Tôi cứ nghe mọi người nói phim remake là copy - paste, điều đó không công bằng với dòng phim remake. Để remake, các yếu tố văn hoá bản xứ phải được nghiên cứu và xử lý kỹ lưỡng để làm sao phù hợp với khán giả Việt. Thậm chí bạn có thể phải bỏ hẳn một số sự kiện, thậm chí là tuyến truyện nếu khi Việt hoá phù hợp. Tôi lấy ví dụ, cây táo là một biểu tượng ẩn dụ mà ở bản Việt có, bản Hàn không có. Chúng tôi cài cắm biểu tượng này xuyên suốt bộ phim để gửi gắm một thông điệp tích cực và rất Việt Nam đến với khán giả Việt.

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0
nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Vậy bản sắc Việt Nam trong Cây Táo Nở Hoa được chị và ê-kíp đặt để vào những chi tiết nào? 

Thực tế, các yếu tố văn hoá được lồng ghép thông qua không gian câu chuyện diễn ra, các mối quan hệ xã hội, cách nhân vật ứng xử, sinh hoạt, ăn uống,… Khán giả có thể thấy, Cây Táo Nở Hoa có nhiều cảnh ăn lắm. Tôi rất thích làm phim có những cảnh ăn. Một bữa ăn sẽ kể được rất nhiều thứ và thông qua đó, các vấn đề của gia đình sẽ được nêu bật rõ.

Ở tập 64, Phúc biết ba Ngọc bị bệnh, sau khi tìm tới và nói rõ điều cô bé hối hận thì cả gia đình 3 người Ngọc Hạnh Phúc có một bữa ăn với nhau. Thông qua bữa ăn đó, nhân vật nói được nỗi lòng và giải tỏa được những khúc mắc trong lòng. 

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Hay cảnh Ngọc bị đuổi khỏi phòng trọ, cả nhà phải ở tạm nhà cô Bông một đêm. Đêm đó cô Bông nấu một nồi cháo gà đãi nhà Ngọc, đó chính là tình làng nghĩa xóm. Hay như Quân và Báu gặp lại sau bao năm xa cách, việc đầu tiên hai người làm là đi chợ và nấu một bữa ăn, với họ đó chính là cách hai người cùng xây dựng gia đình. Hoặc Châu trước khi vào phòng mổ cũng nấu một bữa ăn cho chồng mình để lưu giữ, để nói lời cảm ơn với người chồng đã yêu thương và bên cạnh mình những lúc khó khăn nhất. 

Tất cả những bữa ăn đó, đối với tôi, là văn hoá, là bản sắc. Văn hoá nằm trong nếp sống và sinh hoạt. Khi mình tô đậm được nếp sống và sinh hoạt đó càng đậm bao nhiêu, thì văn hoá, đời sống của người Việt Nam càng nổi bật lên bấy nhiêu. 

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Điều đảm bảo "uy tín" cho Cây Táo Nở Hoa còn nằm ở dàn diễn viên gồm nhiều tên tuổi đình đám từ Nam ra Bắc. Là đạo diễn kiêm biên kịch, chị có "tưởng tượng" sẵn những diễn viên lý tưởng sẽ đảm nhận từng nhân vật của mình?

Sau khi viết được tầm 10 tập đầu tiên cho Cây Táo Nở Hoa, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm diễn viên và tổ chức casting cho phim. Trước đó, tôi không cố gắng tưởng tượng diễn viên nào sẽ hợp với phim mà tôi cho mình cơ hội để khám phá những điều mới mẻ.

Tôi bắt đầu với vai Ngọc. Ban đầu, tôi mời một diễn viên khác đóng vai Ngọc. Anh ấy là người tôi rất ngưỡng mộ từ lúc còn nhỏ. Đó là một diễn viên giỏi, chuyên nghiệp và có tâm. Nhưng sau khoảng 3 tuần chúng tôi thảo luận về nhân vật và anh có những góp ý mà ở thời điểm ấy, tôi nhận ra tôi và anh ấy đang đi ngược hướng nhau. 

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Tôi thấy sẽ khó khăn nếu giữa diễn viên và đạo diễn không cùng chung "tư tưởng". Vì lo lắng mình sẽ làm không tốt nên tôi nói chuyện với sản xuất. Sau đó cả tôi, sản xuất và người diễn viên ấy đã quyết định ngưng lại. Sau đó thì tôi tìm một phương án khác, và cái tên Thái Hoà vụt sáng trong đầu tôi.

Khi tôi bảo mời anh Thái Hoà đóng vai Ngọc, mọi người nhìn tôi theo kiểu "Hả?". Chính tôi đã thuyết phục anh Hoà nhận vai sau nhiều lần "đeo bám". Một trong những quyết định quan trọng của đạo diễn là phải tìm diễn viên hợp vai, vì diễn viên chính là người truyền tải "cái hồn" của bộ phim. 

Các vai diễn khác tôi cũng làm theo cách tương tự, từ thuyết phục họ nên chinh phục một dạng vai khác: Nhã Phương, Thúy Ngân, Mỹ Duyên,… đến thuyết phục nhà sản xuất đồng ý trao cho những diễn viên từng bị đánh giá không tốt một cơ hội thể hiện loại vai khó hơn. Và cuối cùng tôi đã có được dàn cast trong mơ.

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Chị nghĩ lý do nào, khiến tất cả các diễn viên mà chị tìm đến đều nhận lời tham gia Cây Táo Nở Hoa? 

Bản thân nghề diễn viên có một cái hay: Không ai muốn mình "chết" một vai, và không ai muốn mọi người nghĩ mình là diễn viên ăn may. Tất cả đều mong muốn mình là một diễn viên được công nhận!

Tôi có một châm ngôn và quan điểm làm nghề duy nhất: Nếu mình chưa nhận được câu trả lời cuối cùng, tức là mình vẫn còn cơ hội. Và thậm chí có là câu trả lời cuối cùng, chưa chắc nó đã là cuối cùng. Mình cứ đi thôi và đi thật kiên trì, tới một lúc bạn sẽ tạo được lòng tin từ người khác.

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0
nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Tìm được một đạo diễn là nữ tại Việt Nam đã khó, chị lại còn đảm nhận vai trò đạo diễn kiêm biên kịch của tác phẩm "dài hơi" như Cây Táo Nở Hoa. Có khó khăn nào không?

Khó khăn là có nhưng tôi không đơn độc. Tôi có một team biên kịch bao gồm những cô gái rất tâm huyết và xinh đẹp Ngọc Anh, Tuyết Lan, Tuyết Mai, Duy Lam. Và chúng tôi đã sát cánh và hợp tác tốt trong dự án Cây Táo Nở Hoa.

Cây Táo Nở Hoa là phim truyền hình đầu tiên tôi Việt hoá. Đã hơn 10 năm tôi không viết kịch bản phim truyền hình nên tôi khá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, tôi rất thích vì thông qua việc Việt hoá, tôi học được rất nhiều. Khó khăn của chúng tôi là làm sao có thể khiến khán giả tin câu chuyện này và đồng hành được với nó. 

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Chúng tôi phân tích kỹ các dữ kiện, tình huống của bản gốc, quyết định giữ gì, bỏ gì, thêm mới gì,…ngoài ra, thoại phim cũng là một vấn đề rất được coi trọng. Thoại phải đa màu sắc, mỗi nhân vật phải có ngôn ngữ, phong cách thoại khác nhau. Mà muốn làm được như vậy, ngoài việc bạn phải xây dựng nhân vật thật tốt thì bạn phải đi được vào bên trong của nhân vật, như thể họ chính là người nhà của bạn.

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

"Trồng" một Cây Táo hết 2 năm 4 tháng, bài học lớn nhất chị có được từ tác phẩm của mình là gì? 

Làm Gạo Nếp Gạo Tẻ, tôi học được bài học vượt qua chính mình, còn với Cây Táo Nở Hoa, tôi học bài học kiểm soát từ nội dung tới cảm xúc. Chính khán giả đã "dạy" tôi điều đó. Lắng nghe và học hỏi sẽ là kim chỉ nam để tôi tiến bộ hơn ở những dự án sau.

Sau Cây Táo Nở Hoa, chị nghĩ sao về một kịch bản gốc - hoàn toàn thuần Việt, không còn Việt hoá?

Chúng tôi đã sẵn sàng cho điều đó. Hiện tại, sau khi hậu kỳ Cây Táo Nở Hoa, tôi cũng bắt tay vào viết một kịch bản gốc cùng nhóm biên kịch. Tôi hy vọng đây sẽ là dự án thú vị tiếp theo của mình. 

nguoi trong cay tao no hoa - anh 0

Cám ơn Đạo diễn - Biên kịch Võ Thạch Thảo vì cuộc trò chuyện cùng !

Nguồn:TH&PL

Hạnh Moon|