Chúng ta luôn cần có sự giúp đỡ trong cuộc sống nhưng xin bạn đừng để sự nhờ vả trở thành "gánh nặng" của một ai đó... trong cuộc sống này ai cũng bận như nhau cả!
Nhà tâm lý học xã hội Heidi Grant chia sẻ 4 cách phổ biến mà chúng ta vô tình khiến người khác trở nên kỳ quặc khi chúng ta yêu cầu họ giúp đỡ. Đọc ngay bài viết này trước khi bạn muốn nhờ vả lần tiếp theo.
Yêu cầu giúp đỡ không chỉ là những gì bạn nói và làm, mà nó còn thể hiện cả những gì bạn không nói và làm nữa. Dưới đây là 4 trong số những sai lầm phổ biến nhất mà chúng ta thường mắc phải khi yêu cầu giúp đỡ.
Sai lầm #1: Nhấn mạnh rằng đối phương sẽ tận hưởng sự giúp đỡ như thế nào
"Cậu sẽ thích nó cho mà xem! Sẽ vui lắm!", một trong những cộng tác viên của tôi có một người bạn có thói quen yêu cầu theo cách này. "Lúc nào đó cậu có thể giúp tôi sơn lại phòng khách không? Rồi tụi mình sẽ cùng uống bia và buôn chuyện! Chỉ có tụi mình mà thôi!", cô ấy sẽ nói kiểu vậy.
Hoặc, "Này, cậu có thể đón tôi ở tiệm sửa xe được không? Lâu lắm rồi tôi chưa gặp cậu! Phượt 'road trip' đi!". Đó là một minh chứng cho sức mạnh của tình bạn vẫn tồn tại theo kiểu yêu cầu này.
Đừng bao giờ cố gắng thuyết phục một cách rõ ràng ai đó rằng họ sẽ thấy việc giúp bạn là bổ ích. Mặc dù việc giúp đỡ thực sự khiến mọi người hạnh phúc, nhưng việc nhắc nhở họ nhìn chung sẽ khiến họ mất đi niềm vui khi giúp đỡ người khác.
Thứ nhất, việc nhấn mạnh điều này nồng nặc "mùi" kiểm soát, bạn đang vô tình phá vỡ đi quyền tự chủ của họ. Thứ hai, điều đấy mang tính giả định lắm luôn! Đừng nói với họ rằng họ sẽ cảm thấy như thế nào - hãy để họ tự quyết định cảm xúc của của chính mình.
Bạn hoàn toàn có thể chỉ ra lợi ích của việc giúp đỡ nếu bạn làm một cách "tinh tế". Nhưng bạn phải cẩn thận, tránh thêm thắt và trộn lẫn lý do vị kỷ với lý do vị tha, bởi vì điều này sẽ khiến người khác nghĩ rằng bạn đang thao túng tâm lý họ.
Sai lầm #2: Miêu tả sự giúp đỡ bạn cần như một điều nhỏ nhoi, không đáng kể
Một chiến thuật phổ biến tiếp theo là miêu tả sự giúp đỡ mà chúng ta cần như một sự giúp đỡ nhỏ nhặt, không đáng kể. Vì vậy, chúng ta thường nhấn mạnh vào sự thiếu bất tiện, chẳng hạn như: "Cậu có thể đi qua ngõ này lấy giùm tớ quyển sách được không? Tiện đường cậu đi làm đấy". Hoặc là nhấn mạnh rằng việc giúp đỡ chúng ta sẽ mất ít thời gian như thế nào: "Cậu có thể thêm những cập nhật này vào cơ sở dữ liệu không? Sẽ không mất quá năm phút đâu".
Và vấn đề là bằng cách "thu nhỏ" yêu cầu của chính mình, chúng ta cũng đang giảm thiểu luôn sự giúp đỡ của người khác và giảm thiểu cả những cảm giác ấm áp mà sự giúp đỡ có thể mang đến cho họ. Cũng có những lúc chúng ta tính toán sai "độ nhỏ" của yêu cầu, đặc biệt là khi đối phương làm công việc mà chúng ta không hiểu rõ bản chất.
Ví dụ, một biên tập viên sách mà tôi quen thỉnh thoảng nhận được email từ một người bạn cũ "nhờ" cô ấy xem qua bài viết của anh ấy. Những email nhờ vả ấy thường được diễn đạt như một yêu cầu nhỏ bé, chẳng hạn như: "Tôi nghĩ nó khá ổn rồi, cậu hiệu đính nhanh giùm tôi nhé? Không mất nhiều thời gian đâu à". Sau đó, khi cô ấy mở tệp đính kèm ra thì chiếc file này lại luôn là một bài luận học thuật dài đến 6.000 từ…
Nếu bạn từng đi "nhờ vả" người khác kiểu này, tôi không nghĩ đó là vì bạn ích kỷ đâu. Bạn chỉ là không biết mà thôi. Bạn không biết số giờ cần để thực hiện yêu cầu mà bạn đưa ra. Nhưng những gì bạn đang vô tình làm lại đang truyền tải một điều rằng bạn nghĩ công việc mà người khác làm là công việc dễ dàng, nhanh chóng, không đáng kể và không quá vất vả. Vì thế mà đây không phải là một cách hay để yêu cầu sự giúp đỡ.
Sai lầm #3: Nhắc mọi người rằng họ vẫn nợ bạn điều gì đó
"Còn nhớ lần tôi đảm nhận vị khách hàng khó tính của anh không?"
"Có nhớ lần tôi đã đi dịch họp hộ cậu vì cậu đi làm muộn?"
"Cậu có nhớ là cậu luôn quên chìa khóa nhà, làm tôi lần nào cũng phải về mở cửa cho cậu không?"
Vì yêu cầu giúp đỡ khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, chúng ta có thể sẽ muốn nhắc người giúp đỡ tiềm năng về việc chúng ta đã từng hỗ trợ họ trong quá khứ. Và cách này quả nhiên cũng đầy khó xử. Ví dụ, khi người bạn biên tập sách của tôi nhận được tệp đính kèm dài 6000 chữ trong hộp thư đến, cô ấy đã muốn từ chối. Nhưng cô ấy cảm thấy bản thân không thể thực sự làm điều đó.
Vì vậy, cô ấy đã viết mail trả lời người bạn kia, giải thích một cách lịch sự rằng anh ấy đang yêu cầu cô ấy làm một việc mất khoảng 40 giờ làm việc và hỏi liệu có một chương cụ thể nào mà anh ấy đặc biệt chưa an tâm không. Sau đó, anh ấy trả lời email với nội dung "nhắc" cô ấy rằng anh ấy đã từng sửa bài viết giúp cô ấy khi cô ấy còn là một người phụ trách chuyên mục.
Về lý thuyết, có thể chúng ta thấy điều này hợp lý. Anh đã giúp đỡ cô và họ là bạn cũ, vậy chẳng phải là cô nên đáp lại anh bằng việc giúp đỡ anh sao?
Mặc dù sự "có qua có lại" khiến mọi người dễ có xu hướng đồng ý với một yêu cầu giúp đỡ hơn, nhưng đồng thời, điều này cũng khiến chúng ta cảm thấy bị kiểm soát, khiến việc giúp đỡ chẳng còn vui vẻ. "Có qua có lại" phát huy hiệu quả nhất là khi các hành động giúp đỡ tương đương nhau. Trong trường hợp này, việc biên tập một bài 500 từ và chỉnh sửa một luận văn lịch sử 50.000 từ là hai việc không hề tương đương.
Điểm mấu chốt của sự giúp đỡ qua lại là: Nếu bạn phải nhắc nhở ai đó rằng họ nợ bạn một điều, rất có thể họ sẽ không cảm thấy vậy. Nhắc nhở rằng họ nợ bạn một ân huệ khiến họ cảm thấy như thể bạn đang cố gắng kiểm soát họ vậy. Thành thật mà nói thì bạn đúng là đang như thế... Nó không hào phóng và cũng không tạo ra cảm giác vui vẻ.
Sai lầm #4: Nói về sự giúp đỡ của họ sẽ có lợi cho bạn nhường nào (thay vì tập trung vào cảm kích sự giúp đỡ của họ)
Tất cả chúng ta đều biết chúng ta cần bày tỏ lòng biết ơn và đánh giá cao sự giúp đỡ của người khác. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta thường mắc phải một sai lầm nghiêm trọng khi nhờ ai đó giúp đỡ là: Chúng ta tập trung vào cách chúng ta cảm thấy - chúng ta hạnh phúc như thế nào, chúng ta đã nhận được lợi ích như thế nào từ sự giúp đỡ - hơn là tập trung vào người giúp đỡ chúng ta.
Các nhà nghiên cứu Sara Algoe, Laura Kurtz và Nicole Hilaire tại Đại học Bắc Carolina đã phân biệt hai kiểu biểu hiện lòng biết ơn: "khen ngợi người khác" - thừa nhận và xác thực tính cách hoặc khả năng của người giúp và "tự hưởng lợi ích" - mô tả rằng người nhận cảm thấy vui như thế nào khi được giúp đỡ.
Điều này rất đáng để suy nghĩ, bởi vì hầu hết chúng ta đều nhận thức sai về lòng biết ơn. Bản chất con người thường rất ích kỷ. Chúng ta có xu hướng nói về bản thân, ngay cả khi chúng ta nên nghĩ và nói về người khác.
Đương nhiên, khi nhận được một ân huệ lớn, chúng ta sẽ muốn bày tỏ cảm giác của bản thân về điều đó. Và chúng ta cho rằng đó là những gì mà người giúp đỡ muốn nghe, rằng họ giúp vì muốn chúng ta hạnh phúc, nên họ muốn biết chúng ta hạnh phúc nhường nào. Tuy nhiên, giả định này lại không hoàn toàn đúng.
Đúng là có người giúp vì muốn bạn hạnh phúc, nhưng động lực trở nên hữu ích cũng gắn liền với danh tính và lòng tự trọng của họ. Họ giúp đỡ vì họ muốn trở thành người tốt, theo đuổi mục tiêu, giá trị của bản thân và được mọi người ngưỡng mộ. Người giúp đỡ muốn nhìn nhận bản thân một cách tích cực, vì thế mà sẽ thật khó để họ giúp đỡ bạn nếu bạn chỉ liên tục nói về mình.
Nguồn: TH&PL