Tinh thần đội ngũ là bí mật khiến những người bình thường có thể đạt được những kết quả phi thường, liệu rằng có thật sự đúng?
Bước vào giảng đường đại học là bước vào một chân trời mới, một khoảng không gian mà bạn có thể tự do tung hoành với những sở thích của bản thân. Và đồng nghĩa với sự tự do đó là bạn phải biết cách quản lý chính cuộc đời của mình. Đừng trông chờ vào bất kỳ ai, bất cứ điều gì có thể giúp mình phát triển, chỉ có sự nỗ lực phấn đấu mới khiến bạn trưởng thành.
Ai trong chúng ta cũng đã, đang và sẽ trải qua một thời sinh viên oanh liệt với hàng chục các deadline hằng ngày hằng giờ. Đôi khi bạn sẽ cảm thấy không thể nào chịu đựng nổi khi áp lực ngày càng quá lớn. Nhưng đó không phải là cảm giác tồi tệ nhất, một mình trải qua đống bài tập, một mình viết báo cáo, một mình nhắn tin trong group có tận 10 người nhưng không ai trả lời, đó mới chính là cảm giác tồi tệ nhất.
Sự cô độc chiếm lĩnh bộ não của bạn
"Vì họ rất bận, còn tôi thì rảnh nên tôi phải làm việc cả phần của họ'', đó là vấn đề mà những ai trải qua những buổi làm việc nhóm cũng đã gặp phải. Đó không chỉ là câu chuyện của riêng bạn, riêng tôi hay riêng bất kỳ ai mà đó là câu chuyện chung của thời sinh viên. Có một điều vô cùng buồn cười là mang danh "làm việc nhóm'' nhưng chúng ta phải làm việc một mình.
Đã hàng trăm lần chúng ta đặt ra câu hỏi cho bản thân: "Tại sao tôi phải làm việc của các bạn?'' Sự hồi đáp lại là gì? Chẳng là gì cả, bởi dù có nói gì thì tất cả đều không được đón nhận.
"Tao-work" là cụm từ nói giảm nói tránh cho tình trạng "đơn thân độc mã" chiến đấu với hàng chục deadline "teamwork". Nhưng cũng không sao, các bạn góp ý trả lời tin nhắn của tôi cũng đã tốt lắm rồi. Và rồi sự hi vọng nhỏ nhoi đó cũng không được tiếp nhận, cảm giác tự nhắn tin tự đề xuất tự trả lời, nó thế nào? Tôi tin bạn hiểu được điều đó.
Với họ bài tập này không quan trọng bởi lẽ luôn có tôi làm việc và họ sẽ ăn theo điểm của tôi. Tại sao không trình bày với giảng viên ư? Khi đó họ sẽ cho rằng tôi keo kiệt, ích kỷ chỉ biết nghĩ cho bản thân'', D. một người bạn giấu tên chia sẻ. Và rồi tôi ngậm ngùi "gánh team" liên tục mà bản thân không thể phản kháng lại chỉ trích của họ.
Một trường hợp không biết là tốt hơn hay tệ hơn nữa? Đó là khi họ tiếp nhận ý kiến rất nồng nhiệt, họ tôn trọng những đề xuất của bạn, nhưng cuối cùng điều họ làm lại trở nên sơ sài, thiếu kiến thức. Tất cả những điều đó cho bạn biết rằng họ không hề có sự đầu tư vào bài tập này và cuối cùng bạn phải là người chỉnh sửa, viết lại vì thời hạn nộp bài đã gần đến.
"Họ không hề có sự đầu tư vào bài tập, bởi thực tế họ biết tôi sẽ là người chỉnh sửa những sai lầm mà họ gây ra", T. một bạn giấu tên chia sẻ.
Sửa bài của các bạn cũng như việc gỡ rối vậy, gỡ hoài mà không hết rối. Mỗi lần làm bài tập nhóm, sự cô độc lại bao trùm không khí vốn dĩ đã ngột ngạt. Bạn chìm đắm trong khoảnh khắc bị bỏ lại phía sau những cuộc vui, bạn rơi vào dòng chảy của thời gian và rồi bạn bị thời gian quản lý một cách chặt chẽ vì deadline.
Và có đôi lần bạn nhận hàng loạt câu nói đại loại như: "Mày tự làm chứ ai bắt mày đâu?''. Câu nói ruồng bỏ trách nhiệm một cách dễ dàng như cách họ thở vậy.
Đó lại chính là rào cản lớn nhất khi sinh viên hay học sinh nhận một bài tập nhóm. Họ vẫn luôn than vãn với giảng viên về vấn đề làm việc nhóm không hiệu quả, nhưng đó lại là một kỹ năng không thể thiếu của sinh viên thời buổi hội nhập.
Đấu tranh có được công bằng hay giữ vững sự bình yên?
Đứng trước những áp lực bản thân bạn đặt ra một câu hỏi: "Đấu tranh có được công bằng hay giữ vững sự bình yên?'', câu trả lời chúng tôi dành cho bạn chính là cả hai. Tại sao lại như vậy?
Không một ai sinh ra để chịu đựng sự áp bức, bất công, chúng chỉ hình thành khi và chỉ khi bạn cho phép điều đó diễn ra. Và đấu tranh là cách bạn chấm dứt sự bất công mà bạn đã phải trải qua. "Tao-work" nó không dừng lại ở chuyện là làm việc một mình, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của bạn. Sự kéo dài của việc này sẽ mang đến cho bạn một cảm giác hỗn độn trong tâm hồn của chính mình. Bạn sẽ sinh ra cảm giác cô đơn, thu hẹp bản thân, khó nói ra những trắc ẩn trong lòng.
Có thể sự đấu tranh đó sẽ vả cho bạn vài vố thật đau bởi sự chỉ trích của đám đông nhưng cuối cùng bạn sẽ rút lại được là sự thỏa mãn cảm xúc của bản thân và bình yên. Bình yên ở đây mà chúng tôi nói là sự bình yên trong lòng của bạn, chứ không phải sự bình yên giả tạo của số đông. Hãy đấu tranh cho bản thân công bằng để có được sự bình yên.
Có thể bạn đã từng cho rằng, khi "tao-work" bạn sẽ có cơ hội nghiên cứu nhiều và sâu hơn những vấn đề, nhưng đừng quên rằng "công ai thì người ấy nhận" và bạn không thể sống cho họ được.
"Tôi sợ cảm giác phải cô độc một mình trong bài tập nhóm, sợ cảm giác mình không tìm được bất kỳ ai để đồng hành khi giảng viên đề nghị teamwork, tôi sợ ánh mắt của họ nhìn tôi với suy nghĩ tôi là người keo kiệt, mới làm chút đã than vãn", D. một người bạn giấu tên chia sẻ. Thế nhưng ngay lúc đó bạn không nhận thức được rằng ánh mắt hay sự chỉ trích chỉ là ảo giác tiêu cực mà bạn phải chối từ dù bất cứ giá nào.
Nên nhớ rằng, cốt lõi của teamwork là sự kết nối, một khi nó bị phá vỡ thì sẽ chẳng còn lợi ích nào. Dù bạn có hoàn thành bài xuất sắc hay đạt điểm tuyệt đối thì tất cả đều trở nên sáo rỗng khi mục tiêu cốt lõi bị đánh mất. Teamwork đơn thuần cũng chỉ là một hình thức để phát triển bản thân, đừng lạm dụng hình thức này để bóc lột trí tuệ và công sức của người khác. Tỉnh táo đi!
Nguồn: TH&PL