Bước dần sang cái Tết thứ hai gắn liền với đại dịch có thể khiến chúng ta thấy khó khăn và kiệt sức hơn bao giờ hết.
Là một nhà tâm lý học, tôi luôn phải chuẩn bị sẵn sàng cho những cảm xúc không mong muốn trong các kỳ nghỉ lễ từ các bệnh nhân của mình. Nhưng năm nay lại có thể đặc biệt khó khăn khi chúng ta bước vào mùa đông đại dịch thứ hai khiến tất cả mọi người trở nên kiệt sức.
Trong khoảng thời gian được cho là thời điểm hạnh phúc nhất trong năm, nhiều người phải vật lộn với căng thẳng và lo lắng liên quan đến việc họp mặt gia đình, chuẩn bị chu đáo mọi thứ, đi du lịch và mua quà cáp. Những mất mát, đau buồn liên tiếp ập đến trong đại dịch và những chuyện buồn trong kỳ nghỉ có thể cản trở bất kỳ niềm vui nào và cướp đi năng lượng cũng như động lực của chúng ta để hòa nhập với thế giới.
Các ngày nghỉ lễ, Tết cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy cô đơn hơn. Những người không có được sự hỗ trợ, ủng hộ của gia đình hoặc bạn bè tốt có thể cảm thấy đặc biệt bị bỏ rơi trong thời gian này, khi việc tụ họp chỉ là một tiêu chuẩn. Và những ngày nghỉ lễ cũng thường khiến những thách thức tâm lý hiện có của con người trở nên tồi tệ hơn.
Dưới đây là những cách mà bạn có thể thực hiện để "kiên cường" hơn trong mùa lễ này.
Giảm bớt kỳ vọng
Trong suốt một năm, dù chúng ta có gặp phải nhiều chuyện không vui thế nào hay đã thấy khó khăn, nản lòng ra sao thì dường như chúng ta vẫn có những kỳ vọng rất cao đối với những ngày lễ, Tết.
Ilyse DiMarco, nhà tâm lý học lâm sàng tại Summit, N.J và là tác giả của cuốn sách "Mom Brain", cho biết: "Thậm chí, bây giờ, để có những ngày nghỉ tuyệt vời chưa từng có nhằm bù đắp cho một năm qua lại càng khó khăn, áp lực hơn. Việc hạ thấp kỳ vọng này sẽ tốt hơn nhiều cho sức khỏe tinh thần của chúng ta".
Theo một bài báo năm 2006, việc đặt kỳ vọng thấp hơn có thể chỉ là lý do người Đan Mạch luôn đứng top đầu trong các cuộc khảo sát về mức độ hạnh phúc. Có lẽ chúng ta có thể học hỏi từ họ và lường trước rằng mọi thứ có thể sẽ không diễn ra như kế hoạch.
Sonja Lyubomirsky, giáo sư tâm lý học tại Đại học California tại Riverside và là tác giả của cuốn sách "The How of Happiness: A New Approach to Getting the Life You Want", cho biết: "Hãy nghĩ về những ngày lễ, kỳ nghỉ trước đây - hãy nhìn lại xem chúng đã không hoàn toàn tuyệt vời như thế nào hoặc bạn có thể đã mất một khoảng thời gian để ổn định lại chế độ ngày nghỉ việc ra sao. Điều quan trọng chính là bạn nên trân trọng những gì bạn có chứ không phải những gì bạn muốn".
Cuối cùng, hãy kỳ vọng ở một mức độ vừa phải về phản ứng của người khác đối với quà tặng của bạn vì bạn chỉ chịu trách nhiệm lựa chọn quà một cách cẩn thận - những gì xảy ra tiếp theo nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.
Gạt qua một bên "những việc nên làm"
Chúng ta rất dễ bị choáng ngợp trong tất cả những việc chúng ta nên làm trong kỳ nghỉ, lễ Tết. Chúng ta nên gửi email hoặc thiệp với những lời chúc. Chúng ta nên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tìm cách nhận được tất cả những món quà mà mình muốn, nấu đủ loại thức ăn khác nhau để phục vụ cho khẩu vị của mọi người... Danh sách những việc cần làm luôn có thể trở thành kẻ thù của bạn.
Oliver Burkeman, tác giả của cuốn sách "Four Thousand Weeks: Time Management for Mortals", chia sẻ rằng: "Thật hữu ích khi nhận ra rằng chúng ta sẽ không bao giờ có thể hoàn thành tất cả mọi việc. Một danh sách chỉ có ít việc cần làm không phải là vấn đề - tất cả các danh sách đều tồn tại trong phạm vi vô hạn của ý tưởng. Một khi bạn gạt đi ảo tưởng về sự hoàn hảo và thừa nhận rằng con người chúng ta có giới hạn thì bạn sẽ buộc phải lựa chọn ra những điều thực sự quan trọng".
Đây là một cái bẫy tư duy phổ biến mà tất cả chúng ta đều mắc phải: Tạo dựng hạnh phúc của bản thân dựa trên những tiêu chuẩn bất khả thi và những thứ mà chúng ta không thể kiểm soát.
Thay vào đó, bạn hãy trân trọng sự không hoàn hảo và đơn giản, cho mọi người biết trước bạn đang thực hiện những điều chỉnh nào để giảm bớt căng thẳng trong kỳ nghỉ, dịp lễ Tết. Ông Burkeman nói rằng: "Sẽ rất thoải mái khi bạn chấp nhận rằng không tồn tại sự hoàn hảo và điều này cũng sẽ cộng hưởng đến những người khác".
Tạo không gian cho tất cả trạng thái cảm xúc
Một trong những tác động nguy hiểm nhất của những ngày lễ hoàn hảo được mô tả trong phim ảnh, quảng cáo và phương tiện truyền thông là chúng ta luôn mong đợi nụ cười, niềm vui và hạnh phúc. Mặc dù những cảm xúc này xuất hiện phổ biến trong các kỳ nghỉ, dịp lễ Tết nhưng mất mát, buồn bã và những cảm xúc tiêu cực khác cũng vậy.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, nhìn chung, những cảm xúc lẫn lộn thường xảy ra xuyên xảy hơn nhiều so với những gì chúng ta nhận ra. Thay vì có hại, chúng thường tăng cường khả năng phục hồi của một người trong giai đoạn căng thẳng và liên quan đến việc có một ý thức mạnh mẽ về mục đích hoặc ý nghĩa trong cuộc sống.
Hơn nữa, việc đẩy lùi hoặc kìm nén những cảm xúc tiêu cực ngược lại sẽ khiến chúng trở nên mạnh mẽ và ập đến thường xuyên hơn. Vì vậy, hãy cho phép nỗi đau và sự mất mát cùng tồn tại với những cảm xúc khác. Hãy để ý và đặt cho chúng những cái tên khác nhau, chia sẻ hoặc viết về chúng, hay thể hiện chúng qua nghệ thuật có thể đặc biệt giúp ích.
DiMarco cũng gợi ý rằng chúng ta cũng nên có lòng trắc ẩn với bản thân, nhận ra rằng chúng ta là những người phải vật lộn trong những ngày nghỉ. "Bạn có thể chủ ý kết hợp các truyền thống nhắc nhở bạn về người thân đã khuất, chẳng hạn như cho phép bản thân buồn và vui khi bạn nói về họ", bà nói.
Cởi mở hơn với những "truyền thống mới"
Nếu bạn thấy mình là "con tin" của những truyền thống ngày lễ mà ngày càng khó duy trì thì có lẽ đã đến lúc bạn nên suy nghĩ lại về chúng.
Hãy xem xét lại những truyền thống, thói quen mà bạn làm từ năm này qua năm khác ấy có còn phù hợp với giá trị của bạn không, có đưa bạn đến gần hơn với những gì bạn muốn trong cuộc sống không.
Ông Burkeman gợi ý rằng bạn nên cho phép bản thân sống chậm lại và hình dung lại những ngày nghỉ bằng cách gọi đồ ăn từ bên ngoài hoặc ở nhà chẳng hạn. Bạn có thể khiến một số người thân hay bạn bè thấy thất vọng nhưng "chúng ta luôn có thể làm ai đó thất vọng", ông nói. "Vì vậy, tốt hơn hết là chúng ta nên có chủ ý và suy nghĩ về nó".
Thoát ra khỏi tâm trí rối loạn
Khi ngày nghỉ trở nên quá tải và bạn thấy mình bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn trong trầm tư, lo lắng và sợ hãi thì việc ra ngoài có thể giúp bạn giải tỏa nhanh chóng.
Teodor Postolache, giáo sư tâm thần học tại Đại học Y Maryland, cho biết: "Ánh sáng, đặc biệt là vào buổi sáng, có thể kích hoạt não và nhìn chung là quan trọng đối với tâm trạng và sức khỏe tinh thần của bạn. Nó rất cần thiết đối với hầu hết những người mắc bệnh trầm cảm theo mùa, nhưng nó có thể hữu ích cho nhiều người trong chúng ta khi ngày càng trở nên ngắn và lạnh hơn".
Khi đi ra ngoài, bạn hãy cố gắng di chuyển, ngay cả khi chỉ đơn giản là chỉ đi bộ xung quanh khu nhà của mình. Các bằng chứng từ nghiên cứu trong ba thập kỷ qua đều cho thấy vận động mang đến những ảnh hưởng tích cực đối với sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Cuối cùng, trợ lý giáo sư tâm lý học tại Đại học Toronto Jennifer Stellar, nói: "Hãy cố gắng có những trải nghiệm khiến bạn thoát khỏi những mớ suy nghĩ rối rắm. Chúng ta có xu hướng cảm thấy kinh sợ trước một người hoặc vật thể phi thường khó hiểu, nằm ngoài những gì bạn thường gặp". Và sự kinh sợ đó có thể cải thiện đáng kể sức khỏe của chúng ta cũng như khiến chúng ta cảm thấy kết nối hơn với những người khác hơn.
Mặc dù kỳ nghỉ lễ tới có thể không được như mong đợi của bạn hay bao gồm cả những suy nghĩ và cảm xúc không mong muốn, nhưng nó hoàn toàn có thể không hoàn hảo một cách hoàn hảo.
Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.
Nguồn: TH&PL