Biến nạn nhân thành con rối của muôn vàn trò tiêu khiển trên mạng xã hội, dường như sự xúc phạm cá nhân đã trở nên bình thường hóa.
Không biết từ khi nào, người ta lại thấy lo lắng khi mọi thông tin cá nhân và những điều thầm kín đều viết, chia sẻ hoặc lưu trữ trên tài khoản mạng xã hội có thể bị đem ra giễu cợt, mua vui. Lâu nay, không ít người cho rằng chỉ khi đụng chạm thể xác, xúc phạm danh dự thì mới là sự xúc phạm cá nhân.
Tuy nhiên, người ta quên rằng đôi khi chỉ một lời bình luận ác ý trên Facebook, một bức ảnh được truyền tay, những chiếc link được xin một cách tự do cũng chính là kiểu bình thường hóa sự xúc phạm người khác.
Dù là vô tình hay cố ý, việc mang hình ảnh của người khác ra để làm trò mua vui đều là sai
Đời sống trên mạng xã hội được xem như một đời sống thứ hai của con người khi Internet bùng nổ. Chúng ta tự do tham gia vào mạng xã hội và ném vào đó vô vàn thông tin cá nhân. Nó không còn đơn giản là những thứ thông tin được viết ra, những hình được đăng tải, những sự kết nối vô hình mà kèm vào đó là những trò mua vui tiêu khiển trên mạng xã hội.
Thử thách "#howmuchhaveyouchangedchallenge" đang là trào lưu rất hot trên mạng xã hội Facebook. Nam ca sĩ Ali Hoàng Dương cũng đăng tải hình ảnh "hồi ấy" - "bây giờ" trên trang cá nhân của mình. Tuy nhiên, Ali Hoàng Dương lại "lách luật" và sử dụng hình ảnh quá khứ của một người khác đem ra đùa giỡn và nhận xét với bức hình hiện tại của anh.
Mạng xã hội không còn đơn giản là công cụ kết nối mà còn biến nạn nhân thành con rối của muôn vàn trò tiêu khiển. Mỗi mùa bóng đá đến, hình ảnh trọng tài bị đem ra làm ảnh chế giễu để thỏa mãn cơn tức giận của hâm mộ viên đã không còn xa lạ. Hay khi những câu chuyện nóng hổi trong đời sống dư luận đang thành tâm điểm, người ta mặc tình sử dụng hình ảnh của nạn nhân trên khắp các mặt báo.
Thậm chí còn có thái độ mỉa mai, lợi dụng những hình ảnh, đoạn clip này để câu view, tăng follow trên mạng xã hội. Có lẽ mọi người đang dần xem chuyện xúc phạm, hay thậm chí xem chuyện xâm phạm riêng tư là điều bình thường.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác một cách tự do chính là xâm phạm quyền riêng tư. Không trực tiếp xâm phạm đến thân thể cá nhân nhưng đưa hình ảnh của người khác ra chế giễu, nhạo bán cũng là hành động trực tiếp ném đá vào nạn nhân.
Tại sao chúng ta lại muốn thỏa mãn trò vui nhất thời mà góp phần làm tổn thương người khác?
Ai cũng cho rằng mình là người vô can trong câu chuyện của những người bị đem hình ảnh ra mua vui. "Thả một cái icon thôi mà", "Vui một chút thôi mà", "Chuyện đâu có đến nỗi gì đâu",... Nhưng hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác trong hoàn cảnh mà người đó đang phải gánh chịu thì mọi chuyện sẽ như thế nào?
Chắc hẳn chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng tổn thương khi trở thành con rối trên mạng xã hội. Không phải mình sợ ai đó sử dụng hình ảnh đó cho mục đích phi pháp mà mình sợ tất cả mọi người nhìn thấy những gì mà mình cho là cá nhân.
Việc tự do sử dụng hình ảnh của người khác cho những mục đích sai trái như tung tin giả, đăng tải clip nóng, tham gia group đen khiến cho người bị hại cảm thấy tồi tệ. Quá đáng hơn là khi những hình ảnh còn chưa được xác thực là đúng của nạn nhân hay không, nhưng vẫn bị dân tình truyền tay nhau khắp nơi trên mạng xã hội.
Hình ảnh được đăng tải tưởng chừng như vô tình nhưng hậu quả của tính sát thương là thật. Trước khi trở thành người dùng mạng xã hội, hãy hiểu rằng những tấm ảnh trên mạng có thể xóa nhưng hậu áp lực bị nhục mạ, đánh giá lại nguy hiểm vô cùng. Vì thế, trước khi muốn đăng tải hình ảnh ai đó trên mạng xã hội hãy dừng lại suy nghĩ "hình" mình sử dụng đã đúng, đã thuận tình hợp lý hay chưa?
Đừng để đến lúc sự tổn thương người khác cũng trở nên bình thường hóa
Nếu chúng ta cho rằng, việc tự ý sử dụng hình ảnh của người khác trên trang cá nhân để mua vui thành sự bình thường hóa thì chúng ta đã quá xem nhẹ việc làm tổn thương người khác. Hệ lụy của việc tổn thương về mặt tinh thần trước những trò đùa quá đà có thể theo nạn nhân đến suốt cuộc đời.
Những tiêu chuẩn và đánh giá từ một người khác đối với người bị chế ảnh, lấy ảnh sẽ khiến nạn nhân trở nên lo lắng. Người đó để tâm vì thấy mình bị người khác bàn tán, bởi dư luận xã hội sẽ để lại những dòng bình luận khiến tâm hồn nạn nhân bị tổn thương, lo lắng.
Hành động của chúng ta dù chỉ là nhỏ nhưng lại góp phần vào một câu chuyện của ai đó, thậm chí, của chính chúng ta và người thân chúng ta. Chỉ cần một sự mua vui nhất thời, chỉ cần sự vô tình của một cá nhân cũng sẽ tạo nên hiệu ứng "domino". Để rồi không chỉ một người tổn thương, mà sự tổn thương ấy rồi cũng được bình thường hóa, sẽ chẳng ai còn muốn lên tiếng trong những trường hợp tương tự.
Nguồn: TH&PL