Đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề và chấp nhận rằng "văn hoá ứng xử" vẫn là câu chuyện nao lòng chưa có hồi kết.
Bên cạnh không khí, niềm hân hoan khi thấy những chàng trai áo đỏ bước đến một sân chơi lớn tầm cỡ châu Á, niềm vui khi được đi đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Trận đấu lịch sử vừa qua khi Việt Nam gặp Saudi Arabia đã để lại trong lòng khán giả nhiều cảm xúc, có chút tiếc nuối. Nhưng chuyện chưa dừng lại ở một trận đấu, với tỉ số thắng thua mà còn là câu chuyện phía sau đó, một nạn nhân tiếp theo lại được gọi tên khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên.
Các cổ động viên lại tiếp tục tấn công, công kích vào trang facebook của trọng tài từ trước khi trận đấu bắt đầu, rồi diễn ra hàng loạt những câu chuyện về văn hoá ứng xử trên không gian mạng, lại một lần nữa chúng ta phải nhắc nhớ nhau về việc này.
Công kích có giúp trận đấu được diễn ra lại?
Việc tấn công trên mạng đối với trọng tài bắt trận đấu - ông Ilgiz Tantashev đã diễn ra ngay trước khi trận đấu bắt đầu. Theo đó, những cổ động viên đã tràn vào trang cá nhân của trọng tài này để để lại những bình luận không hay. Việc làm này đã khiến trọng tài Ilgiz Tantashev khóa tài khoản Facebook cá nhân 5 giờ trước khi trận đấu diễn ra.
Ngay khi trận đấu Saudi Arabia và Việt Nam đang diễn ra, hàng nghìn người hâm mộ đã tràn vào tấn công trang Facebook, giả mạo trọng tài người Uzbekistan, với những quyết định chỉ tay vào chấm phạt đền, dẫn đến bàn thắng gỡ hoà 1-1 của đội tuyển Saudi Arabia và thẻ đỏ của Duy Mạnh.
Từ bao giờ, trọng tài đã phải sợ hãi trước những quyết định của mình? Thẻ vàng, thẻ đỏ hay những quả pen giờ đây không những là sự xem xét đến từ trọng tài trực tiếp trên sân mà phải thông qua những trọng tài bên màn ảnh nhỏ.
Đây không còn là lần đầu tiên chúng ta thấy những điều này khi đội tuyển bước vào một trận đấu nào đó. Tháng 6, trận đấu giữa Việt Nam và UAE kết thúc, những chàng trai nước nhà dù không chiến thắng nhưng đã làm nên lịch sử khi tiếp bước vào vòng loại cuối, nhưng việc cổ động viên tràn vào facebook trọng tại vẫn tiếp diễn.
Ông viết: "Tôi bị xúc phạm bởi những bình luận của người hâm mộ Việt Nam. Mặc dù tôi đã thổi phạt đúng luật nhưng họ vẫn chửi bới và xúc phạm tôi, thậm chí họ còn đòi giết tôi. Tôi cần cơ quan pháp luật giúp giải quyết việc này".
Ngày hôm nay cũng không là ngoại lệ, chỉ còn vài giờ trận đấu Việt Nam đối đầu với Australia, trọng tài ông Abdulrahman Ibrahim (người Qatar) đã phải khóa facebook trước giờ bóng lăn. Đáng nói, ngay khi vừa công bố trọng tài của trận đấu một bộ phận cộng đồng mạng đã vào thẳng trang cá nhân của trọng tài nhắn gửi những điều không hay.
Sự chửi bới, miệt thị của một số người vẫn đang trở thành "một con sâu làm rầu nồi canh". Một số thành phần còn ghép mặt trọng tài vào ảnh thờ, chế ảnh đi xa câu chuyện bóng đá. Những lời lẽ mang nặng sự xúc phạm, miệt thị tràn ngập trong phần bình luận lại một lần nữa đưa chúng ta đứng trước hồi chuông cảnh tỉnh về văn hoá ứng xử của người Việt.
Từ tâm lý của sự thắng thua, đến câu chuyện văn hoá ứng xử luôn là chủ đề nhức nhối khi mùa bóng đá trở lại. Việc tấn công Facebook của các vị vua áo đen mỗi khi họ có các quyết định bất lợi cho đội tuyển, những việc đòi lại công bằng qua việc gõ phím chẳng giúp đội tuyển được công bằng, được đá lại trận đấu đã diễn ra? Điều đó, chắc chắn là không, nhưng hình ảnh đội tuyển sẽ ảnh hưởng rất nhiều qua câu chuyện ứng xử trên.
Rất nhiều con sâu làm rầu nồi canh
Bóng đá môn thể thao vua, là niềm tự hào của đất nước, mỗi trận đấu hơn 90 triệu dân dõi theo, không dừng lại là trận bóng đẹp mắt, kỹ thuật hay lối chơi của cầu thủ. Đó là niềm tin yêu đội tuyển, tình yêu đất nước, yêu màu cờ sắc áo dân tộc.
Tất cả sẽ đẹp sẽ trọn vẹn hơn nếu chúng ta học cách chấp nhận, nhìn nhận lại sau mỗi trận đấu đi qua. Thua nhưng không cúi đầu, thắng nhưng không tự kêu. Đừng mãi đắm chìm trong tỷ số thắng thua, trong việc trọng tài xử ép mà hãy nhìn nhận trận đấu bằng cái trái tim nóng và cái đầu lạnh.
Chiến thắng là cái kết trọn vẹn nhưng một trận thua không có nghĩa là một trận đấu không hay, là sự tự tôn dân tộc mất đi. Điều quan trọng hơn chiến thắng, có lẽ chính là tinh thần thi đấu, ý chí chiến thắng của các cầu thủ cũng như những cảm xúc, là sự khơi gợi cảm hứng mà các vận động viên mang đến cho các cổ động viên.
Nồi canh đang có rất nhiều con sâu, chúng ta cần phải nhìn nhận lại thực tế câu chuyện văn hoá ứng xử trên mạng xã hội đã đang và đi về đâu nếu cứ mãi như thế này? Chỉ số văn minh trên Internet của người Việt vẫn còn rất kém. Hình ảnh người Việt đã, đang bị tổn hại, và sẽ tiếp tục bị nếu chúng ta không bắt các con sâu đó đi.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề và chấp nhận rằng "văn hoá ứng xử" vẫn là câu chuyện nao lòng chưa có hồi kết.
Nguồn: TH&PL