Hãy cho tôi xem trang cá nhân của bạn, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người như thế nào.
Mạng xã hội là một môi trường mở để mọi người chia sẻ quan điểm cá nhân của mình. Nhiều cuộc tranh luận lớn nhỏ thường xuyên diễn ra dưới những bài đăng gây tranh cãi. Rất nhiều ý kiến cá nhân được đưa ra với nhiều góc nhìn khác nhau. Nhưng liệu việc thường xuyên nêu ra quan điểm của mình trên mạng xã hội có gây ra những ảnh hưởng tiêu cực?
Câu trả lời chắc chắn là có. Xét ở một phương diện nào đó, khi một người thường xuyên chia sẻ những nội dung mang tính tiêu cực về trang cá nhân của mình, người đó đang tự tay làm xấu đi hình ảnh của bản thân. Thông qua các chia sẻ của mình trên mạng xã hội, những cú nhấp like hoặc bình luận đều có thể phản ánh tư tưởng và cách nhìn nhận vấn đề của một cá nhân ở một mức độ nào đó.
Chia sẻ quá nhiều nội dung tiêu cực làm làm xấu đi hình ảnh cá nhân
Dạo quanh các trang mạng xã hội, thật không khó để bắt gặp những bài đăng gây tranh cãi với nhiều lượt chia sẻ. Và hẳn nhiên, bên dưới những bài đăng đó sẽ là những bình luận "choảng" nhau của người dùng mạng. Nhiều hướng nhìn nhận vấn đề sẽ được đặt ra và đa số luôn tỏ ra cố chấp khi bảo vệ quan điểm của mình.
Người ta thường nói: "Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người như thế nào". Thế nhưng chỉ cần bỏ ra chút thời gian vào trang cá nhân của một người nào đó, ta cũng có thể hiểu được phần nào về tính cách, sở thích và hành vi của họ thông qua những bài đăng, bài chia sẻ nêu lên quan điểm cá nhân.
Và đương nhiên, những người thường chia sẻ những nội dung tiêu cực, gây tranh cãi sẽ tạo nên hình ảnh không mấy thiện cảm với người khác, ít nhất là đối với bạn bè trên mạng xã hội.
Nguy cơ bị "dắt mũi" bởi những bài đăng sai sự thật
Ngoài ra, khi quá đắm chìm vào những cuộc tranh cãi trên mạng xã hội, người ta rất dễ bị "dắt mũi" bởi những nguồn tin không đáng tin cậy. Không ít những fanpage trên Facebook được lập ra để đưa những tin tức sai lệch nhằm câu view hoặc bẻ lái dư luận. Đặc biệt là những bài đăng liên quan đến người nổi tiếng hoặc những bài đăng cập nhật những vấn đề nóng bỏng của xã hội thường thu hút được rất nhiều người tham gia tranh luận.
Khi một vấn đề được đưa lên mạng xã hội, chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều bài đăng với nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Từ đó, nhiều người rất dễ rơi vào bẫy của những cá nhân, tổ chức có mục đích xấu như kích động, lôi kéo. Khi chia sẻ những bài đăng sai lệch đó về trang cá nhân của mình, nhiều người đang tiếp tay cho những cuộc tranh cãi diễn ra ngày một quyết liệt hơn.
Đánh mất cơ hội việc làm
Trang cá nhân cũng được coi là bộ mặt thu nhỏ của người dùng mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ khi xin việc thường sẽ đính kèm thêm địa chỉ Facebook của mình trong CV hoặc chữ ký cuối email. Nhiều nhà tuyển dụng sẽ dựa vào những đường link này để có cái nhìn bao quát về những ứng cử viên của mình.
Do đó, khi nhà tuyển dụng nhìn thấy quá nhiều bài đăng mang tính tiêu cực và dẫn nguồn sai sự thật trên trang cá nhân của ứng cử viên, nhiều khả năng CV đó sẽ bị bỏ qua ngay lập tức.
Hãy tạo một trang cá nhân "sạch và đẹp"
Thế mới thấy việc chia sẻ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội luôn tìm ẩn những ảnh hưởng tiêu cực nhất định. Lúc này, việc chọn lọc tin tức, nguồn bài đăng đáng tin cậy để chia sẻ là một điều cực kỳ quan trọng.
Trước khi nhấn like, bình luận hoặc chia sẻ về trang cá nhân, hãy tìm hiểu rõ trước vấn đề và tiếp cận với góc nhìn đa chiều. Có thế, ta mới tránh được việc bị "dắt mũi" bởi những cá nhân, tổ chức có mục đích xấu.
Để có một hình ảnh trên mạng xã hội "sạch và đẹp", hãy thường xuyên truyền tải những thông điệp tích cực. Nhất là trong thời gian dịch bệnh này, đừng để bản thân bị mắc kẹt trong những drama trên mạng xã hội. Thay vào đó, những hình ảnh vui nhộn, những câu chuyện chống dịch đầy cảm xúc,... sẽ giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn để có thể cùng nhau vượt qua thời gian dịch bệnh căng thẳng này.
Nguồn: TH&PL