Tại sao người ta lại cảm thấy hả hê trước những rắc rối của người khác?
Cách đây vài tháng trước, cộng đồng mạng được một phen sôi sục khi chứng kiến những màn "khẩu chiến" qua lại giữa một vị nữ doanh nhân và nhiều người nổi tiếng. Thời điểm ấy, giối trẻ hóng chờ livestream bóc phốt nghệ sĩ như đón chờ xem một trận chung kết bóng đá với khí thế hừng hực.
Sau mỗi màn livestream bóc phốt, hết người này đến người khác thi nhau dùng những lời lẽ khó nghe để hạ bệ, mạt sát nghệ sĩ trên mạng xã hội. Sau một thời gian dài "nghỉ ngơi", mới đây series bóc phốt nghệ sĩ tiếp tục được thực hiện với sự trở lại lợi hại hơn xưa. Bảng tin của người thờ ơ với drama vô bổ cũng tràn ngập tin tức về phốt với những dòng tít giật gân.
Nhưng ẩn sâu trong câu chuyện này lại là một vấn đề khác: Chẳng lẽ, giới trẻ bây giờ thích đào bới drama đến vậy?
Tại sao chúng ta lại thích "đắm đuối" với những tin xấu?
Không thể phủ nhận rằng phàn nàn, bực dọc, cáu kỉnh, chê bai đang trở thành những trạng thái thường trực trong dư luận. Vì sao chúng ta lại ưu tiên tin xấu, đắm đuối với chúng, thay vì chú ý tới những điều tốt lành?
Trong cuốn sách "Bức xúc không làm ta vô can", Đặng Hoàng Giang đã từng nói: "Khi bày tỏ sự bức xúc, một cách khéo léo, chúng ta tuyên bố là mình không thể thuộc về bên "thủ phạm" được, mà mình đứng về phía bị thiệt thòi, mình cũng là nạn nhân".
Đó có thể là lý do, vì rõ ràng trên đời này chẳng ai muốn biến mình thành thủ phạm của một vấn đề. Họ cứ chạy theo quan điểm của đám đông, vì "đằng nào chẳng được bảo vệ" bởi đám đông. Còn "to gan" hơn một tí, cứ thử đi ngược lại với quan điểm của đám đông, bạn sẽ bị vùi dập cho đến tận cùng. Dần dần, chúng ta đang tái tạo nên một môi trường mạng xã hội đầy những vấn đề toxic và miệt thị.
Hoặc theo một lý giải khác, đây gọi là tâm lý cảm thấy hả hê trước những rắc rối của người khác. Nghe có vẻ thật tệ, nhưng phần lớn chúng ta không ít thì nhiều đều đã trải qua cảm giác này. Và khi mạng xã hội như Facebook trở thành một phần của cuộc sống thì với không ít người, chuyện "hóng phốt", "hít drama" và "tự do ngôn luận" theo thiên hướng phán xét người khác đã trở thành một nhu cầu.
Dù vô tình hay cố ý, chính chúng ta đang tiếp tay cho luồng tin xấu ngày càng lan tỏa
Trở lại với dòng trend đang diễn ra trên mạng xã hội, giới trẻ vô cùng hồ hởi và thích thú trước sự trở lại đáng mong chờ của cô Phương Hằng - người từng được xem là "đại diện phát ngôn" của Gen Z bởi những câu nói "sâu cay" và "trendy" sau một buổi livestream diễn ra. Chẳng hạn như: "Đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về", "Người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt" hay "Chúng ta ai cũng bất ngờ, ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa",...
Điều này cho thấy, có thể giới trẻ xem chỉ vì vui mà chẳng cần quan tâm drama đang được đào bới là gì, họ chỉ biết hả hê, cười đùa với những câu nói trendy của vị CEO đỉnh đạc. Nhưng dù vô tình hay cố ý, chính những bạn trẻ đang tiếp tay cho luồng tin xấu, tin tiêu cực, drama lan tỏa và ngày càng bùng nổ.
Hôm nay chỉ mới có một bà Phương Hằng - người đang là thần tượng số 1 của giới trẻ. Nhưng ai biết sau này, sẽ có bao nhiêu bà Phương Hằng xuất hiện nữa? Cứ thế, một thế giới đầy những tin tức toxic cứ độc chiếm và xâm nhiễm vào tư tưởng lẫn nét văn hóa của một thế hệ.
Nội dung liên quan
Sau cùng, bà Phương Hằng, nghệ sĩ, chúng ta, tôi và bạn: "Đều là những con người lướt sóng hân hoan trên những ngọn sóng truyền thông luôn chực chờ vùi ta xuống đáy" - Biên kịch Bình Bồng Bột từng chia sẻ quan điểm trên Facebook cá nhân.
Tóm lại, giữa thời điểm dịch bệnh khó khăn như hiện nay, điều mà người ta khuyến khích lan tỏa và trao cho nhau đó là những lời động viên tinh thần, giúp đỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn. Hãy bỏ bớt sự phán xét, bực dọc, cáu kỉnh,... và tỉnh táo trước "nút share" đầy quyền lực. Vì "Ở trên mạng, tàn nhẫn, giải khuây lại càng dễ. Nhiều khi nó chỉ mang hình dạng một nút share" - trích sách "Thiện, Ác và Smartphone" của tác giả Đặng Hoàng Giang.
Nguồn: TH&PL