Lời nói ảo nhưng tính sát thương là thật, thông tin giả nhưng khiến người ta hoang mang.
Muốn sống trong một cộng đồng mạng văn minh lành mạnh thì hãy thay đổi lối ứng xử trên mạng của mình theo hướng tích cực nhất, không bị hiệu ứng đám đông dẫn lối.
Lớn lên trong thế giới trực tuyến, Gen Z có được thuận lợi vô cùng to lớn so với các thế hệ trước trong việc nắm bắt thông tin và Gen Z thích định nghĩa mình nhiều hơn trong thế giới ảo. Nếu bạn bất chợt hỏi Gen Z muốn làm gì trên mạng xã hội, họ sẽ sẵn sàng trả lời rằng: "Tôi muốn trở thành một người nổi tiếng trên chính trang cá nhân của tôi" như thể đó là một phần hiển nhiên và hết sức đơn giản.
Mạng xã hội - công cụ "vượt qua nỗi buồn mùa dịch" hữu ích nhất
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố có lệnh giãn cách toàn xã hội nên Gen Z bị "chôn chân" trong nhà. Vì thế, mạng xã hội từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần của thế hệ Gen Z. Tuy nhiên, món ăn này lại trở nên hot hơn bao giờ hết trong thời điểm này bởi vì tất cả các hoạt động của Gen Z đều được thực hiện thông qua mạng xã hội, từ công việc, học tập đến giao lưu, giải trí.
Năm 2018, YouNet Media - nền tảng đánh giá và xếp hạng mức độ hoạt động hiệu quả của brands/ campaigns/ influencers trên mạng xã hội đã công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu vào Gen Z Việt Nam và cho biết thế hệ này đã thực hiện cuộc "đổ bộ" mạnh mẽ đầu tiên trên social media. Trong vòng 5 năm kể từ 2018, Gen Z sẽ thực sự làm chủ mạng xã hội và khiến các thương hiệu "trở tay không kịp".
Gen Z tìm đến mạng xã hội để học tập, để kết nối và để nắm bắt thông tin về thế giới. Như một lẽ hiển nhiên, mạng xã hội dường như đã trở thành công cụ đưa tin nhanh nhất của thời đại. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghệ bùng nổ cũng là điểm khởi đầu cho chuỗi nhiễu loạn thông tin. Người tạo ra mạng xã hội có thể kết tạo tất cả mọi người với nhau thông qua kết nối internet nhưng khó có thể kiểm soát mặt trái hành vi của các tài khoản.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố rơi vào những ngày giãn cách. Hầu như tất cả mọi người đều dành khá nhiều thời gian cho mạng xã hội vì đây là công cụ "vượt qua nỗi buồn mùa dịch" hữu ích nhất. Tuy nhiên, ngoài mặt tích cực mà mạng xã hội mang lại vẫn không tránh khỏi những mặt trái của nó. Vậy làm thế nào để trở thành người sử dụng mạng xã hội văn minh?
Xác minh thông tin để sử dụng sao cho có ích
Tại Việt Nam hiện giờ có hơn 69 triệu người sử dụng mạng xã hội facebook, chiếm đến 70.1% toàn bộ dân số. Thật khó để có thể chọn lọc những thông tin hữu ích cần thiết trước một sự việc nào đó mà mạng xã hội đưa tin. Có quá nhiều kênh đưa tin, có quá nhiều tài khoản cùng lên tiếng thì liệu rằng người dùng mạng xã hội có còn đủ tỉnh táo để phân biệt thông tin hay không?
Vì thế, cách tốt nhất để tránh khỏi tâm lý hoang mang, nhẹ dạ cả tin trước những thông tin tràn lan của mạng xã hội mọi người hãy chọn "tạo màng lọc chữ" để hấp thụ thông tin sao cho xứng đáng nhất. Nên đọc thông tin từ những nguồn uy tín, chính thống và đã được xác minh. Hãy bỏ thói quen tin tưởng từ cái nhìn đầu tiên, dừng việc kết luận quá vội vàng trước một thông tin nào đó.
Lời nói ảo nhưng tính sát thương là thật, thông tin giả nhưng khiến người ta hoang mang
Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát trở lại, mạng xã hội lại xuất hiện nhiều hơn những mặt trái. Từ việc một người quay clip một nữ sinh bật khóc ôm mèo đi bệnh viện bị chú giao thông chặn lại trong những ngày giãn cách; mạng xã hội còn lan truyền loạt video gây bức xúc khi YouTuber có lời lẽ khiếm nhã dành cho người đến nhận cơm từ thiện.
Đến việc tung tin giả tràn lan về tình hình dịch bệnh về tình trạng hết lương thực trong những ngày thành phố thực hiện chỉ thị 16 trên mạng xã hội cũng khiến người ta phải nhìn lại nhiều vấn đề đang xảy ra.
Nội dung liên quan
Lời nói ảo nhưng tính sát thương là thật, thông tin giả nhưng khiến người ta hoang mang. Trước khi trở thành người dùng mạng xã hội, hãy hiểu rằng lời bình luận trên mạng có thể xóa nhưng hậu áp lực bị nhục mạ, đánh giá lại nguy hiểm vô cùng. Vì thế, trước khi muốn viết một điều gì trên mạng xã hội hãy dừng lại suy nghĩ "chữ" của mình đã đúng, đã thuận tình hợp lý hay chưa.
Từ lâu, người ta xem mạng xã hội là nơi để giao lưu, kết nối, truyền tải những bức ảnh xinh đẹp hay những dòng trạng thái về cuộc sống. Nhưng không biết từ bao giờ thông tin gia đình, đời sống riêng tư dễ dàng bị công kích đến vậy.
Từ bao giờ người ta dễ dàng chửi bới, lăng nhục xúc phạm nhau chỉ vì một cái bình luận. Không biết từ bao giờ mạng xã hội đã trở thành "vũ khí cùn" cho một số người chỉ để hả hê cơn nóng giận. Muốn sống trong một cộng đồng mạng văn minh lành mạnh thì hãy thay đổi lối ứng xử trên mạng của mình theo hướng tích cực nhất, không bị hiệu ứng đám đông dẫn lối.
Giãn Cách Không Sai Cách: Làm như thế nào để kỳ giãn cách xã hội của bạn không chìm trong mạng xã hội và những giấc ngủ? GenVie sẽ cùng bạn khám phá hàng loạt những hoạt động thú vị cho dịp ở nhà, cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để có một mùa giãn cách "đúng cách".
Nguồn: TH&PL