Khi lời nói mang tính tổn thương người khác được thốt ra từ miệng người "làm từ thiện" thì đây có được xem là làm từ thiện nữa không?
Trong thời buổi dịch bệnh khó khăn, những phần quà nhỏ, những hộp cơm nghĩa tình được trao đi giữa Sài Gòn làm người ta bất giác mỉm cười vì ấm áp. Một hộp cơm - tuy chỉ giúp người nghèo khó có được một bữa ăn chỉnh tề, dẫu không nhiều nhưng người ta vẫn luôn trân quý vì nghĩa cử cao đẹp này từ các nhà hảo tâm. Âu cũng là xuất phát từ tấm lòng muốn giúp đỡ người nghèo một bữa no trong mùa dịch bệnh như thế này.
Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp như việc "sàng lọc" không cho người có vẻ "bụi đời" hay người sơn móng nhận cơm từ thiện đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Từ đó, câu chuyện "của cho không bằng cách cho" lại được đem ra bàn tán tứ tung, kẻ phẫn nộ, người tranh cãi, người thì bênh vực.
Vậy thì từ thiện chỉ nên dành cho người xứng đáng được nhận hay ai ai cũng xứng đáng nhận từ thiện thì mới thỏa?
Ừ thì… của cho không bằng cách cho, điều này luôn đúng!
Mạng xã hội mới đây xuất hiện nhiều đoạn clip ngắn ghi lại trường hợp một người đàn ông làm công tác điều phối phát cơm từ thiện liên tiếp buông ra những lời khó nghe có phần "phân biệt đối xử" với những người đi nhận cơm từ thiện.
Cụ thể khi thấy một người phụ nữ sơn móng chân đến xin cơm từ thiện, người đàn ông quay ra chất vấn: "Tại sao chị sơn móng chân mà chị lại đi nhận cơm từ thiện?". Tiếp theo đó, người đàn ông này còn cầm loa lớn tiếng quát hai người khác vừa đứng vào hàng để đợi nhận cơm từ thiện: "Bụi đời không phát cơm, đi ra ngoài đi. Những người thiếu ý thức không bao giờ được phát cơm".
Một đoạn clip khác tương tự cũng nhanh chóng trở thành đề tài khiến cộng đồng mạng bàn tán xôn xao. Theo đó, một cụ ông gầy trơ xương, liên tục gãi (có thể do bệnh) đang đứng xếp hàng đợi nhận cơm từ thiện. Chứng kiến cảnh đó, người đứng ra phát cơm đã yêu cầu: "Ông đừng có gãi sồn sột thế, nó bắn cái nọ cái kia ra bàn phát cơm của tụi con". Đáng nói, người này còn đưa ra lý do: "Chỗ phát cơm linh thiêng của người ta mà ông làm không ra sao cả".
Từ những gì đang diễn ra trên mạng xã hội, ở những đoạn clip cắt ghép ngắn không rõ đầu đuôi câu chuyện đã dẫn cộng đồng mạng đi đến tranh cãi không hồi kết về vấn đề "của cho không bằng cách cho". Câu này có nghĩa, dù món quà được trao đi có giá trị bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là cách trao đi phải xuất phát từ sự yêu thương, không vụ lợi và toan tính.
Giúp người nhưng "sàng lọc" và ngờ vực thì liệu có đang làm từ thiện sai cách?
Từ thiện vốn là chủ đề làm tốn mực tốn giấy bao đời nay, nhưng tại sao một việc làm cao đẹp này lại luôn dính phải nhiều tranh cãi đến như vậy? Truyền thống Á Đông cổ rất đề cao những người "thiện", tức là những người không bao giờ có suy nghĩ hay hành động ác ý làm tổn thương người khác. Ở một cấp độ cao hơn của "thiện", đó là "từ", tức là lan tỏa lòng thiện đó tới xung quanh, để nâng đỡ đời sống của người khác được tốt đẹp hơn.
Nhưng một khi những lời nói mang tính tổn thương người khác được thốt ra từ miệng người làm từ thiện thì đây có được xem là làm từ thiện nữa không?
Từ sự việc này, có không ít bình luận còn nhắc lại vụ việc xảy ra vào năm ngoái, trường hợp một cô gái trẻ gặp khó khăn nên đến xếp hàng đợi nhận gạo ATM từ thiện nhưng bị từ chối vì ngoại hình "không giống người nghèo". Đông đảo cộng đồng mạng cho rằng đã làm từ thiện xin đừng tính toán, chớ vội "trông mặt mà bắt hình dong" vì giàu hay nghèo không chỉ thể hiện ra vẻ ngoài.
Tuy nhiên, chủ nhân của những clip này đã lên tiếng giải thích rằng các điểm phát cơm từ thiện do anh tổ chức trước cổng bệnh viện thường nhắm đến các đối tượng bệnh nhân, người nhà nuôi bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Việc anh sàng lọc đối tượng nhận cơm cũng chỉ vì đã có một nhóm đối tượng dàn cảnh vào nhận cơm nhưng không xếp hàng, họ cố tình chen vào tạo hiện trường giả rồi xô người đứng trước để lao theo giật dây chuyền. Hoặc có không ít người nhận cơm từ thiện rồi đem đi bán nơi khác, khiến những phần cơm không được trao đi đúng người.
Chuyện người đàn ông này ngờ vực và có sự "sàng lọc" khi làm từ thiện như thế có thể đúng, cũng có thể sai trong suy nghĩ nhiều người. Tuy nhiên, khi sự ngờ vực được đánh đồng lên những người không thật sự như thế thì có đáng hay không? Thay vì buông ra những lời nói suồng sã có tính sát thương như thế, tại sao chúng ta không dành cho nhau những lời nói lịch sự và tử tế cho dù có là lời từ chối đi chăng nữa?
Không có ai dạy ta phải làm từ thiện thế nào cho đúng?
Suy cho cùng, những sự việc xảy ra trên kia cũng chỉ là góc nhìn được phỏng đoán qua những chiếc clip không rõ ngọn nguồn câu chuyện. Chúng ta không nên nhận định đúng sai, cũng như "tự ý" đánh giá toàn cảnh của sự việc. Anh YouTuber kia đã trải qua những gì để rồi phải nhạy cảm và ngờ vực như thế?
Còn người phụ nữ sơn móng tay kia có hoàn cảnh như thế nào chúng ta cũng không biết rõ? Những người bị xem là "bụi đời", "vô ý thức" có thật sự mang theo ý xấu khi đến nhận cơm hay không... chúng ta càng không rõ!
Vậy thì xin đừng ai trút đi sự tiêu cực và đánh giá của mình lên bất kì người nào trong câu chuyện này vì đây là thời điểm chúng ta cần sự giúp đỡ và nương tựa lẫn nhau để đi qua dịch bệnh. Việc chúng ta cần làm đó là lan tỏa những giá trị tích cực, chia sẻ những câu chuyện đẹp về việc làm tự thiện ý nghĩa. Vì suy cho cùng, từ thiện vốn dĩ là việc làm xuất phát từ tấm lòng là chính, chúng ta chẳng ai được dạy phải làm từ thiện thế nào cho đúng, phải đối xử ra sao cho đúng với câu "của cho không bằng cách cho".
Vì không có một khuôn mẫu nào nhất định cho việc làm từ thiện, nên những lùm xùm tranh cãi về nghĩa cử cao đẹp này luôn không có một lời giải đáp hay câu trả lời đúng. Nên là chúng ta - mỗi cá thể cứ mặc sức đánh giá, bày tỏ quan điểm đúng sai theo cách nghĩ của mình một cách vô tội vạ, tội luôn cho cả người cho và người nhận trong câu chuyện không có hồi kết này.
"Những nhà thiện nguyện thật sự, họ cho và chẳng nhớ đã cho gì" - nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã chia sẻ trong một bài phỏng vấn về vấn đề thiện nguyện. Bởi lẽ, việc thiện là làm từ tâm, xuất phát từ tấm lòng để giúp đỡ những người khó khăn, hãy để việc thiện được trọn vẹn ý nghĩa "cho đi" của nó.
Nguồn: TH&PL