Đừng để khi túi tiền đã cạn kiệt thì phải hối hận với tất cả và đặt câu hỏi tại sao với chính bản thân mình.
Mua sắm vốn dĩ là một trong những vấn đề có sức ảnh hưởng rất lớn đến chi tiêu của con người, bởi lẽ đây là một trong số những nhu cầu cần thiết của chúng ta trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà việc chi tiêu trở nên dễ dàng như hiện nay nhờ vào các sàn thương mại điện tử, hành động mua sắm này lại vô tình trở nên tùy tiện và không có bất kỳ sự cân nhắc nào.
Nội dung liên quan
Người ta có thể thức đến tận khuya chỉ để săn sale nhưng rồi không dùng đến, dành cả tháng lương cho việc hay sắm hay cứ thấy thích thì chạy theo mua… Đó là một trong những biểu hiện của việc chi tiêu bất hợp lý. Chúng chính là nguyên nhân khiến chúng ta có thể rơi vào cơn "ác mộng" kinh hoàng về tiền bạc, cuộc sống bản thân cũng vì thế ngày càng trở nên khó khăn.
Để việc chi tiêu được cân bằng, cũng như khống chế "con quỹ" mua sắm thì ta cần:
1. Ngừng việc thức đêm để săn sale
Nhiều tín đồ mua sắm không ngại cày đêm để săn đồ, xem đây như một cách giúp bản thân có thể tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ đang là cái cớ để bao biện cho cơn thèm khát mua sắm của họ, thực tế được chứng minh ở nhiều người là khi mua hàng về thì lại không thật sự sử dụng khiến chúng trở nên hoang phí và không có giá trị sử dụng đối với bản thân ta.
Để vấn đề mua sắm hợp lý, ta cần nhận thức được mặt hàng bản thân mua có thật sự cần thiết với mình hay không, xem xét về mức độ sử dụng và chất lượng, thay vì cứ mãi tập trung vào "cái bẫy" giá rẻ của những người buôn bán.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ nên dừng lại ở sự cân nhắc bởi vốn dĩ những mặt hàng sale cũng là một giải pháp hiệu quả giúp chúng ta tiết kiệm tiền nếu biết được giá trị thật sự của chúng và chi tiêu hợp lý hơn.
2. Thiết lập mục tiêu và kế hoạch dùng tiền
Biết được mục tiêu sử dụng tiền của bản thân sẽ giúp chúng ta có được cách chi tiêu phù hợp, hãy xác định khoản tiền của bản thân và có được mục tiêu sử dụng chúng trong việc mua sắm hàng tháng.
Tiếp theo nên có được một kế hoạch rõ ràng và cụ thể cho việc sử dụng tiền, cũng như chi tiêu, đề ra những khoản cần thiết, không cần thiết và cần được sử dụng. Chúng sẽ giúp ta có được sự cân bằng, tính toán được thiệt hơn và bù đắp qua lại cho những khoản còn thiếu sót. Vấn đề tuy cần thiết nhưng hiện tại vẫn bị nhiều người bỏ qua và cho đây là vô nghĩa, tuy nhiên cần cân nhắc để lập kế hoạch và mục tiêu để việc mua sắm trở nên có hiệu quả.
3. Dừng việc mua sắm dựa vào cảm tính
Chưa đợi đến các đợt sale lớn trong năm, chỉ cần có một mặt hàng được ra mắt hay được nhiều người ưa chuộng thì chúng ta đã không ngần ngại chi một số tiền lớn để có thể được sở hữu. Đó đôi khi không xuất phát từ nhu cầu chính đáng của con người, mà là mong muốn nhất thời thuận theo cảm xúc của bản thân và không có bất kỳ sự suy tính nào.
Đồng ý với việc mua sắm chính là cách ta đang tận hưởng và yêu thương bản thân mình, tuy nhiên cần có được những giới hạn chừng mực nhất định và không nên nuông chiều cảm xúc bản thân mình quá.
4. Đầu tư cũng là cách để tránh xa mua sắm
Làm việc chăm chỉ và tạo ra những mức thu nhập ổn định đôi lúc cũng khiến ta trở nên tùy tiện trong mua sắm, vì vậy thay vì để tiền cứ ra đi vào những việc vô nghĩa thì hãy học cách đầu tư vào một vấn đề nào đó.
Việc đầu tư này sẽ giúp con người tạo ra được những giá trị tích cực dành cho bản thân mình, chắc chắn sẽ có những rủi ro nhưng suy cho cùng vẫn cho ta những bài học thực tế về cuộc sống, khám phá được chính mình nhiều hơn. So với việc đổ tiền vào mua sắm tùy tiện, ta nên biết cách tận dụng chúng để tạo ra những thứ thật sự bổ ích với bản thân.
Nội dung liên quan
5. Tận dụng thu nhập vào nhu cầu chính đáng
Chúng ta có rất nhiều những khoản chi tiêu khác nhau trong cuộc sống, nếu cứ liên tục sử dụng tiền bất hợp lý thì chắc chắn bản thân sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt, thậm chí là vay mượn nợ. Vì vậy, cần dùng thu nhập của bản thân cho những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống, đặc biệt là đầu tư vào sức khỏe và các khoản nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống bản thân, gia đình.
Đôi lúc vẫn nên tự thưởng cho bản thân những mặt hàng mình yêu thích sau những cố gắng trong công việc, cuộc sống. Tuy nhiên, chúng vẫn cần phải nằm trong mục tiêu và kế hoạch của bản thân, có thể thời gian sở hữu chúng chậm hơn so với người khác nhưng sẽ đảm bảo các vấn đề chi tiêu, thu nhập của bản thân luôn được duy trì ở trạng thái an toàn.
Nguồn: TH&PL