“Vung tay quá trán”, “tiêu Tết thả ga” - nhiều người trẻ rơi vào tình trạng “tiền khô cháy túi”.
Chậc lưỡi vung tiền vì câu "Tết mà", người trẻ chọn cách tiêu nhưng không kiểm soát
Ưa chuộng lối sống YOLO, nhiều bạn trẻ Gen Z sẵn sàng chi tiêu để thảo mãn nhu cầu của bản thân. Hầu như đối với Gen Z, việc mua sắm, du lịch, ăn uống, trải nghiệm từ bình thường đến xa xỉ là điều không "ngoài tầm tay". Bù lại, người trẻ lại bỏ ngỏ việc dự phòng tài chính với tài khoản tiết kiệm gần như không có, chi phí đầu tư là 0 đồng và mỗi tháng phải xin tiền trợ cấp từ bố mẹ.
Bình thường thế hệ này đã tiêu tiền thả ga, Tết đến lại càng "hết ga hết số" khi càng có trăm thứ để mua, để diện, để xài. Tết đến xuân về cũng là lúc tiệm tóc, tiệm nail vây kín người, người trẻ tranh thủ "lột xác" để hứa hẹn đón một cái Tết hoành tráng theo cách của Gen Z.
Là thế hệ chuộng mua sắm, thích ăn diện, người trẻ liên tục "chốt đơn" từ áo quần đến túi hiệu, giày hiệu. Người ta không còn quá xa lạ khi chưa hết tháng người trẻ đã hết tiền, vừa nhận lương hôm trước hôm sau đã vơi quá nửa. Thói quen chi tiêu vô tội vạ, chi tiêu không cân nhắc đến khả năng của bản thân hay lao vào cơn nghiện chi tiêu trước, trả tiền sau. Chậc lưỡi vung tiền vì cấu "Tết mà", người trẻ chọn cách tiêu nhưng không kiểm soát. Điều này khiến nhiều người rơi vào trạng thái lo lắng về chuyện tiền nông hậu Tết.
Đâu là lý do người trẻ lo lắng chuyện tiền nông hậu Tết?
Tưởng chừng như việc chi tiêu là một vấn đề đang cần được giải quyết trước Tết, tuy nhiên sau Tết, chuyện tiền nông lại trở thành cơn ác mộng. Bởi lẽ, đằng sau những cuộc mua sắm thả ga, tiêu xài hoang phí trước Tết - nhiều người trẻ rơi vào tình trạng tiền khô cháy túi sau khi cuộc vui đã tàn.
Tiền thuê nhà
Chi phí thuê nhà tại Sài Gòn khá đắt đỏ, người trẻ về quê ăn Tết trong nhiều ngày liền rơi vào cảnh chán ngán ngày trở lại thành phố để học tập, làm việc với khoản tiền nhà khá cao trong khi những cuộc vui trong Tết khiến nhiều người "viêm màng túi".
Tiền vé xe, vé tàu, vé máy bay
Tiền vé xe, vé tàu, vé máy bay sau Tết luôn khiến nhiều người lao đao vì giá cao ngất ngưỡng mà còn không kịp chuyến. Hậu Tết cũng là lúc người người nhà nhà đều đổ xô về thành phố để tiếp tục công việc, học tập. Người ta chấp nhận giá cao để tranh nhau mua được tấm vé trở lại thành phố.
Tiền tụ họp, tân niên cùng bạn bè nhân dịp khai xuân đầu năm
Sau khi trở lại thành phố, nhiều người trẻ "lên kèo" gặp gỡ bạn bè sau nhiều ngày về quê đón Tết. Thế là lại tốn thêm một khoản chi phí vào những cuộc vui thâu đêm ở nơi thành thị xa xỉ vì câu "tuổi trẻ mà". thế là cứ tưởng trước Tết tiêu nhiều, hóa ra sau Tết tình trạng vẫn mắc kẹt trong vòng xoay tài chính.
Tiền lì xì
Tưởng chừng Gen Z là thế hệ nhận được "bộn" lì xì trong ngày Tết nhưng ngặt nỗi người trẻ giờ đây cũng tập tành lì xì mừng tuổi nhau nhân dịp Tết. Bao lì xì cứ thế được chia đều tiền ra cho hội bạn thân. Đây cũng là một trong những khoản chi "bất đắc dĩ" mà người trẻ đau đầu.
Nguồn: TH&PL