Ngoài tuân thủ quy tắc 5K của bộ y tê, người dân cần nâng cao ý thức thực hiện 5K trong phòng chống tin giả.
Những nền tảng trên các không gian mạng trong thời gian dịch bệnh vừa qua đang phát huy vai trò của mình từ việc giúp mọi người học tập, làm việc trực tuyến đến kết nối và chia sẻ chúng ta với nhau qua các phương tiện online mà không cần phải gặp mặt trực tiếp.
Thế nhưng trái với đó, phải thừa nhận rằng ta đang phải đối mặt với một thực trạng là không gian mạng - môi trường thuận lợi cho "virus tin giả" sinh sôi phát tán, chưa bao giờ lại nhức nhối và phức tạp hơn bây giờ-thời gian giãn cách vì dịch bệnh Covid-19.
Làm sao có thể nhận biết được tin giả trong hàng đống thông tin mà chúng ta tiếp cận được mỗi ngày?
Những đơn thuốc tự chế từ gừng, sả, tỏi "nóng" lên theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong những ngày qua vì tác dụng "chữa Covid-19 thần kỳ" của chúng, Covid-19 là một loại vi khuẩn nhiễm phóng xạ gây đông máu và chết người hay tiêm vaccine Covid-19 có thể gây vô sinh, biến đổi ADN,… đều là những tin giả, tin rác, tin sai sự thật trong hàng đống thông tin xấu đã được xử lý những ngày qua. Với độ "giật gân", nhiều lượt xem, ngàn lượt chia sẻ khiến nhiều người không còn phân biệt được đâu là tin giả, đâu là tin thật nữa.
"Virus tin giả" đang hoành hành trong cuộc chiến chống Covid-19, gây ra nhiều hệ luỵ lên nhiều mặt đời sống xã hội, vậy làm cách nào để chúng ta có thể phòng chống loại virus này? Trước tiên mỗi người cần trang bị cho mình những thông tin kiến thức để có thể phân biệt được tin giả.
Trước tiên xem xét kỹ các thông tin đặc thù như tên nhân vật, tên sự kiện,…cẩn thận trước những thông tin phiếm chỉ đại loại như một anh Việt kiều ở Mỹ, một văn bản từ…, hay những sự kiện, nhân vật không có thực.
Những tin giả thường có tiêu đề hấp dẫn, "giật gân" để thu hút người xem, đánh vào những chủ đề đang được nhiều người quan tâm, hoặc hay có bố cục lộn xộn, có lỗi chính tả, ngoài ra còn có chiêu trò dùng văn bản thật rồi sửa lại những thông tin cần thiết để tung tin giả.
Đối với việc lan truyền tin giả qua hình ảnh, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra qua chức năng tìm kiếm của Google để xem hình đó có đúng người, đúng thời điểm xảy ra sự kiện hay không.
Ví dụ như hình vụ việc bác sĩ Khoa rút ống thở của bố mẹ, chịu khó kiểm tra một chút thì hình ảnh được cho là của bác sĩ Khoa là hình ảnh của một giáo sư người Singapore hay hình ảnh em bé sơ sinh là hình ảnh của một ca mổ bắt con trước đó.
Hãy chỉ đọc ở những trang thông tin chính thống, những trang mạng, tài khoản từng đưa tin giả trước đó hoàn toàn có thể một lần nữa tung thông tin sai sự thật.
Còn nếu chưa phân biệt được tin giả, tin xấu, tin sai sự thật, xin hãy nhớ nguyên tắc 5K phòng chống sự lây lan có thể là của những "virus tin giả":
-Không tin ngay
-Không nhấn thích
-Không thêm thắt
-Không chia sẻ, đăng lại, lan truyền
-Không kích động, hoang mang thái quá
Tiếp cận thông tin từ những trang thông tin chính thống
Các cơ quan chức năng luôn cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết, cập nhật nhất đến cho người dân, đặc biệt với những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh như hiện tại, mọi người hoàn toàn có thể tiếp cận qua các kênh thông tin của chính phủ, của các bộ ban ngành, qua các kênh thời sự nhanh, thông tin cập nhật trên các đài truyền hình, radio, sách báo,…
Trung tâm xử lý tin giả cũng đã ra đời và bước đầu hoạt động hiệu quả, nhiều điều luật xử lý hành vi tung tin giả, tin sai sự thật,..đã được ban hành. Những cá nhân vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý thích đáng theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Trong cuộc chiến chống tin giả, mỗi người dùng mạng xã hội cần trở thành những đọc thông thái, những người chia sẻ có trách nhiệm, mỗi người dân là một lá chắn vững chắc cùng các cơ quan chức năng phòng chống tin giả. Tất cả chúng ta đều phải nâng cao cảnh giác nếu không, một ngày nào đó chính bản thân và gia đình cũng sẽ là nạn nhân của những tin giả, tin xấu, tin sai sự thật.
Nguồn: TH&PL