Có phải bạn đang chần chừ chưa đăng ký tiêm vaccine Covid-19 vì lo lắng những điều này?
Dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp trên toàn cầu. Vào thời điểm cả thế giới đang chống chọi với làn sóng Covid-19 thứ hai dữ dội, các chuyên gia trên khắp thế giới đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng làn sóng dịch bệnh thứ ba có thể ập đến Ấn Độ nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
Vậy bạn có thể làm gì để giữ bản thân toàn trước tình hình phức tạp này? Tiêm phòng là điều các chuyên gia khuyến nghị. Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều người "lăn tăn" và chần chừ trước việc tiêm vaccine phòng Covid-19. Và việc lan truyền những thông tin sai lệch về vaccine có thể cản trở nỗ lực kiểm soát đại dịch.
Qua bài viết này, mong muốn mọi người có thể nhận thức rõ và loại bỏ đi những hiểu lầm xoay quanh vaccine Covid-19.
Lầm tưởng #1: Vaccine Covid-19 ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới
Hiểu lầm này dấy lên khi một bài đăng được chia sẻ trên mạng xã hội vào tháng 12 năm 2020 bởi Tiến sĩ Wolfgang Wodarg, một bác sĩ và cựu nhà khoa học chính về trị liệu dị ứng và hô hấp tại Pfizer, và Tiến sĩ Michael Yeadon, một bác sĩ chuyên khoa phổi.
Họ khẳng định rằng protein gai trên virus Corona giống với protein gai chịu trách nhiệm cho sự phát triển và gắn kết của nhau thai trong thời kỳ mang thai. Và điều đáng lo sợ chính là hệ thống miễn dịch sẽ không thể phân biệt được giữa hai loại protein gai này và sẽ tấn công protein của nhau thai.
Tuy nhiên, đây không phải là sự thật. Cấu tạo tổng thể của protein nhau thai rất khác với protein gai của virus Corona. Ngoài ra, trong quá trình thử nghiệm vaccine Pfizer, có 23 người phụ nữ tình nguyện đã mang thai sau khi thử nghiệm vaccine này. Hơn nữa, việc tiêm phòng còn đem lại nhiều lợi ích hơn cho phụ nữ có thai trước nguy cơ bị nhiễm các biến thể Covid-19.
Lầm tưởng #2: Tôi từng mắc Covid-19, vì vậy tôi không cần tiêm vaccine
Tái nhiễm SARS-CoV-2, virus gây ra Covid-19, có thể xảy ra ngay cả ở những người đã từng nhiễm virus này. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine có thể cung cấp sự bảo vệ chống lại các biến chứng Covid-19 nghiêm trọng.
Các nhà khoa học chưa xác định được cụ thể mức độ bảo vệ đạt được từ khả năng miễn dịch tự nhiên sau khi bị nhiễm virus là bao nhiêu. Nhưng họ tin rằng vaccine cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn so với việc lây nhiễm tự nhiên.
Lầm tưởng #3: Tác dụng phụ của vaccine Covid-19 là nguy hiểm
Hầu hết các tác dụng phụ của vaccine Covid-19 là nhẹ. Chúng bao gồm sốt nhẹ, đau cánh tay và mệt mỏi. Những triệu chứng này thường giảm dần sau một đến ba ngày. Các tác dụng phụ hiếm gặp như máu đông đã được báo cáo với trường hợp người tiêm vaccine Johnson and Johnson ở Mỹ. Tuy nhiên, khả năng gặp phải tác dụng phụ này rất thấp.
Một nghiên cứu gần đây đã so sánh những lợi ích và rủi ro của việc tiêm vaccine của những người tình nguyện tiêm vaccine Covid-19. Tổn thương phổi là một biến chứng của Covid-19 trong khi mỏi cơ có thể là tác dụng phụ của vaccine. Quyết định lựa chọn rủi ro hay lợi ích này tùy thuộc vào quyết định của mỗi cá nhân, nhưng tiêm chủng đã được chứng minh là một việc làm an toàn.
Lầm tưởng #4: Vaccine có vi mạch theo dõi và kiểm soát một cá nhân
"Thuyết âm mưu" này đã được tuyên truyền bởi những người "chống vaccine" (anti-vaxxer), những người không đồng ý việc tiêm chủng cho mọi người và truyền bá, khuyến khích các ý kiến chống lại vaccine (định nghĩa theo từ điển Cambridge).
Ví dụ, những người "chống vaccine" cho rằng trùm tư bản, nhà đầu tư và nhà từ thiện người Mỹ Bill Gates sẽ cấy vi mạch để theo dõi sự di chuyển của mọi người, sử dụng vaccine làm phương thức vận chuyển. Điều này là sai sự thật và đã được Bill Gates làm rõ trên các phương tiện truyền thông.
Câu chuyện hoang đường này đã thu hút được sự chú ý khi một video được chia sẻ trên Facebook đưa ra tuyên bố sai về vi mạch tùy chọn trên nhãn ống tiêm của vaccine Covid-19. Mục đích của vi mạch này là để xác nhận rằng thuốc tiêm và vaccine không phải là hàng giả và chưa hết hạn sử dụng. Nó cũng dùng để xác nhận xem ống tiêm đã được sử dụng hay chưa. Vi mạch này chỉ là một phần của nhãn ống tiêm chứ không phải là bản thân chất tiêm.
Lầm tưởng #5: Vaccine Covid được phát triển gấp rút nên sẽ không hiệu quả
Vaccine Covid-19 đúng là đã được phát triển rất nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này có thể thực hiện được là vì công nghệ sản xuất vaccine đã được phát triển trong nhiều năm. Khi thông tin di truyền của SARS-CoV-2 được xác định, quá trình này có thể bắt đầu nhanh chóng. Có đủ nguồn lực để tài trợ cho nghiên cứu và mạng xã hội giúp việc tuyển dụng người tham gia thử nghiệm lâm sàng trở nên dễ dàng hơn. Vì SARS-CoV-2 dễ lây lan, nên rất dễ dàng để biết liệu vaccine có hiệu quả hay không.
Lầm tưởng #6: Vaccine Covid-19 có thể biến đổi DNA
Vaccine RNA (Pfizer) và vaccine viral vector (Johnson and Johnson) khiến cơ thể chúng ta phát triển khả năng bảo vệ, để khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì cơ thể chúng ta đã được chuẩn bị để chống lại virus.
CDC Việt Nam khẳng định: "Vaccine COVID-19 mRNA không ảnh hưởng hoặc tương tác với ADN của chúng ta theo bất kỳ cách nào. mRNA không bao giờ xâm nhập nhân tế bào, nơi ADN (vật liệu gen) được lưu giữ. Tế bào bị phá vỡ và loại bỏ mRNA sớm ngay sau khi nó hoàn tất việc theo hướng dẫn". Vì vậy, lo lắng về việc vaccine làm biến đổi DNA là hoàn toàn vô căn cứ.
Mạng xã hội là một kênh tuyên truyền thông tin rất nhanh nhạy, từ đó mà tin giả, thuyết âm mưu cũng được đà xuất hiện. Trước khi chia sẻ bất kỳ thông tin nào, bạn nên đảm bảo rằng thông tin đó đến từ một nguồn khoa học và đáng tin cậy.
Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêm ngừa vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để chúng ta bảo vệ sức khoẻ và trở lại cuộc sống bình thường. Tuyến bài Toàn cảnh Vaccine sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực, lạc quan và sự hiểu biết nhất định về vaccine Covid-19 để nâng cao ý thức tiêm ngừa và phòng chống dịch bệnh
Nguồn: TH&PL