Trước đó vào ngày 3/6/2021, vaccine Sinopharm của Trung Quốc được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Mới đây, vào ngày 31/7 thì 1 triệu liều vaccine Sinopharm phòng Covid-19 vừa có mặt tại TP.HCM, nằm trong tổng số 5 triệu liều được công ty Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn Sapharco mua. Trước đó, vào ngày 20/6, 500.000 liều vaccine Sinopharm cũng về đến Việt Nam do Chính Phủ Trung Quốc trao tặng.
Đây cũng là lô vaccine nhập khẩu đầu tiên của TP.HCM được Sapharco đàm phán, ký kết hợp đồng mua dưới sự ủy quyền của UBND thành phố. Tính đến nay, TP.HCM đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều vaccine, trong đó có 1,3 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên và khoảng 75.000 người được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine.
Việt Nam tiếp nhận vaccine Sinopharm
Vaccine Sinopharm là loại vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được phát triển bởi một quốc gia không thuộc phương Tây, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78.2% vào ngày 7/5/2021 và trở thành vaccine thứ 6 trên thế giới được xét vào danh sách này.
Vaccine Sinopharm là vaccine được nghiên cứu và sản xuất bởi Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Sinopharm (Trung Quốc), đây là vaccine được sản xuất bằng công nghệ bất hoạt.
Sau khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát thì vào tháng 2/2020 Viện đã tiến hành nghiên cứu vaccine phòng Covid-19. Sau nhiều cuộc thí nghiệm trên động vật thì đến cuối tháng 4/2020, vaccine này được Cục Quản lý Dược Trung Quốc phê chuẩn việc thử nghiệm trên người.
Và sau đó vào tháng 12 Cục Quản lý Dược Trung Quốc đã tiến hành cấp phép sử dụng có điều kiện vaccine Sinopharm, với hiệu quả bảo vệ được công bố lúc đó vào khoảng 79,34%, tỷ lệ sinh kháng thể trung hòa đạt 99,52%. Trong tháng 5/2021 vừa rồi, Sinopharm đã bắt đầu cung cấp vaccine cho chương trình COVAX, giúp các nước có thể tiếp cận với vaccine nhanh chóng và bình đẳng.
Tại Việt Nam, nhu cầu về vaccine là vô cùng lớn, đứng trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì vào ngày 3/6 nước ta quyết định phê duyệt có điều kiện đối với vaccine Sinopharm dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp cho Bộ Y Tế.
Điều này đã tạo những điều kiện thuận lợi để nước ta gia tăng mức độ phủ sóng của vaccine giúp nhanh chóng tạo được miễn dịch cộng đồng, sớm có lại cuộc sống bình thường.
Vaccine Sinopharm được các chuyên gia cho biết là có khả năng phát huy hiệu quả tốt đối với nhiều trường hợp, góp phần vào việc giải quyết tình trạng khan hiếm vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong thời điểm mà virus đã xuất hiện những biến chủng mới khiến tình hình dịch bệnh trở nên căng thẳng và khó kiểm soát.
Những lưu ý về vaccine Sinopharm
Cũng giống như tất cả các loại vaccine phòng Covid-19 đang lưu hành, vaccine Sinopharm sẽ có những tác dụng phụ tùy theo từng đối tượng, thậm chí ở một số nhóm sẽ không có những tác dụng đáng kể. Tuy nhiên, những phản ứng này được xem là bình thường, sẽ biến mất trong vài ngày nên chúng ta cần tránh hoang mang và dành thời gian để nghỉ ngơi, khôi phục sức khỏe.
Một số tác dụng phụ bất lợi phổ biến mà vaccine Sinopharm mang lại có thể kể đến như: mẩn đỏ, sưng tấy ở vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, các triệu chứng sốt nhẹ, buồn nôn, ớn lạnh…
Tuy đây chỉ là những phản ứng của cơ thể với vaccine trong thời gian ngắn hạn nhưng ta cần phải chủ động lưu ý đến tình trạng sức khỏe bản thân, nếu có những dấu hiệu bất thường nghiêm trọng cần báo cáo nhanh chóng đến cơ quan y tế.
Vaccine được khuyến cáo cho nhóm người từ đủ 18 tuổi, liều tiêm như đa số các loại vaccine khác sẽ bao gồm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 21-28 ngày. Trong thời gian giữa 2 liều vaccine ta cần chủ động theo dõi tình hình sức khỏe bản thân, cũng như thực hiện đầy đủ các biện pháp về an toàn phòng dịch. Việc triển khai vẫn sẽ như các loại vaccine khác là cá nhân phải được khám sàng lọc kỹ càng trước khi thực hiện tiêm chủng.
Nhóm trì hoãn vaccine Sinopharm là người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mãn tính chưa kiểm soát được, người suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù, người trong 14 ngày trước điều trị corticoid liều cao, đang hóa trị hoặc xạ trị hay người từng mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng, phụ nữ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ.
Ngoài ra, nhóm người có tiền sử phản vệ từ độ hai trở lên với bất kỳ dị nguyên nào cũng cần lưu ý. Với nhóm người trên 65 tuổi, có bệnh nền cần cân nhắc khi sử dụng vaccine, khám sàng lọc kỹ và chủ động giám sát các phản ứng sau tiêm chủng.
Nội dung liên quan
Việc cấp phép cho vaccine Sinopharm hay các loại vaccine khác phòng Covid-19 là khẩn cấp và cần thiết nhưng vẫn sẽ trải qua những giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đảm bảo được 3 yếu tố: an toàn, sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ. Vaccine Sinopharm được nhiều chuyên gia đánh giá là có hiệu quả cao trong việc phòng chống dịch Covid-19, góp phần to lớn trong công tác đẩy lùi dịch bệnh trên toàn cầu, đặc biệt là sớm ổn định tình hình tại Việt Nam.
Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêm ngừa vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để chúng ta bảo vệ sức khoẻ và trở lại cuộc sống bình thường. Tuyến bài Toàn cảnh Vaccine sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực, lạc quan và sự hiểu biết nhất định về vaccine Covid-19 để nâng cao ý thức tiêm ngừa và phòng chống dịch bệnh.
Nguồn: TH&PL