Bạn đã biết cách bảo vệ sức khỏe tinh thần trong một nền văn hóa coi trọng công việc hơn sức khỏe chưa?
Vào mùa Olympic Tokyo vừa qua, Simone Biles đã quyết định rút khỏi cuộc thi để bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình. Câu chuyện này đã khiến rất nhiều người đồng cảm. Nhiều nhân viên nói rằng họ không tiết lộ lý do thực sự mà họ cần phải nghỉ làm hoặc cảm thấy áp lực khi phải nói dối vì họ thấy xấu hổ. Những người khác cho biết họ chưa bao giờ nghỉ một ngày nào vì sức khỏe tâm thần.
Khoảng 3/4 người Mỹ làm việc cho các ngành công nghiệp tư nhân, tiểu bang hoặc chính quyền địa phương đã xin nghỉ bệnh, nhưng các cuộc khảo sát cho thấy một số nhân viên này dường như không thể sử dụng những ngày nghỉ ốm với lý do sức khỏe tâm thần hoặc sợ bị phạt vì làm như thế.
Nếu bạn đang do dự về vấn đề này thì các chuyên gia cho rằng đã đến lúc bạn nên bắt đầu suy nghĩ về cách bảo vệ và ưu tiên sức khỏe tinh thần của bản thân. Đặc biệt là khi hàng triệu nhân viên làm việc từ xa trong thời kỳ dịch bệnh đang dần quay trở lại văn phòng.
"Bạn không nên cảm thấy tồi tệ khi nghỉ ốm. Cũng không nên cảm thấy tồi tệ khi nghỉ làm vì buồn. Cơ thể của bạn cần nghỉ ngơi, não bộ của bạn cũng vậy", Natalie C. Dattilo, nhà tâm lý học sức khỏe lâm sàng tại Bệnh viện Brigham and Women ở Boston, đồng thời là giảng viên khoa tâm thần tại Trường Đại học Y Harvard nói.
Làm thế nào để biết liệu bạn có cần một "ngày buồn"?
Không có định nghĩa chính thức nào cho "ngày buồn" (sad day), hay còn được gọi là ngày sức khỏe tâm thần. Thông thường, đó là những ngày nghỉ được trả lương sau những ngày ốm đau (hoặc nghỉ phép cá nhân) để tạo cơ hội cho những nhân viên cảm thấy bản thân họ đang không được bình thường lấy lại tinh thần; làm điều gì đó có ý nghĩa; hoặc đơn giản là tách ra khỏi những căng thẳng hàng ngày.
"Ngày buồn" chỉ là một giải pháp tạm thời và không chủ ý giải quyết các vấn đề sâu hơn, nhưng đôi khi một khoảng thời gian ngắn cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
Công ty của bạn có thể không chỉ định rằng những ngày nghỉ ốm có thể được sử dụng cho mục đích này, nhưng "sức khỏe tinh thần là sức khỏe", Schroeder Stribling, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ cho biết. "Cả hai không thể tách rời".
Bà Stribling nói rằng những dấu hiệu cho thấy bạn cần phải dành thời gian tránh xa công việc có thể không nhất thiết phải rõ ràng. Các biểu hiện bao gồm những thay đổi trong tâm trạng, năng suất hay khả năng tập trung của bạn. Bạn cũng có thể nhận thấy rằng bạn kém kiên nhẫn và cáu kỉnh hơn bình thường, hoặc khó ngủ.
Bạn cũng có thể có các triệu chứng về thể chất. Ví dụ như "nếu tôi bị đau đầu, đó là dấu hiệu của sự căng thẳng đối với tôi và tôi cần giải quyết vấn đề đó bằng một ngày sức khỏe tâm thần", bà chia sẻ.
Adam Grant, nhà tâm lý học tổ chức tại trường kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania, nói rằng điểm mấu chốt là với rất nhiều yếu tố gây căng thẳng bất thường trong gần hai năm qua vì Covid-19, bất kể triệu chứng cụ thể của bạn là gì, nếu bạn cảm thấy bản thân sẽ trở nên tốt hơn sau một ngày dành cho sức khỏe tâm thần thì bạn hãy sử dụng nó.
Một số công ty có thể yêu cầu nhân viên cung cấp giấy tờ chứng minh, chẳng hạn như giấy khám bệnh của bác sĩ, khi họ muốn sử dụng những ngày nghỉ ốm. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn hiểu đúng quy định tại nơi làm việc.
Cách để xin nghỉ một ngày vì sức khỏe tinh thần?
Văn hóa nơi làm việc và mối quan hệ của bạn với người quản lý sẽ quyết định mức độ cởi mở của bạn về lý do bạn nghỉ làm. Bạn không cần cảm thấy rằng bạn bắt buộc phải tiết lộ nhiều hơn mức cần thiết.
Tiến sĩ Dattilo nói: "Tôi nghĩ rằng đôi khi chúng ta chia sẻ quá mức khi chúng ta lo lắng hoặc cảm thấy tồi tệ vì phải mất thời gian".
Các chuyên gia khuyên rằng, trong hầu hết các tình huống, bạn chỉ cần nói rằng bạn chỉ cần chia sẻ ở mức nói rằng bạn cần nghỉ ốm một ngày.
Andrew Kuller, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Bệnh viện McLean ở Belmont, Mass nói rằng lời khuyên an toàn là không nên nói rõ ra điều đó, vì không phải ai cũng coi trọng sức khỏe tinh thần. Nếu bạn không có mối quan hệ thân thiết với cấp trên thì việc nói ra lý do này có thể khá "mạo hiểm".
Nhưng nếu bạn làm việc tại một tổ chức, nơi bạn có thể nói sự thật mà không sợ bị phạt, thì bạn vẫn không có nghĩa vụ phải tiết lộ lý do tại sao bạn muốn nghỉ ốm một ngày. Tuy nhiên, nếu bạn muốn chia sẻ (hoặc quan tâm đến việc giảm bớt một số kỳ thị về sức khỏe tâm thần), bạn có thể đến gặp và nói với quản lý của mình rằng: "Tôi nghĩ rằng tôi sẽ thực sự cảm thấy khá hơn nếu tôi có thể dành một ngày để nạp năng lượng. Tôi muốn trở lại làm việc tràn đầy năng lượng", Adam Grant nói.
Anh nói thêm rằng khi nhân viên bị kiệt quệ về tinh thần và thể chất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc, năng suất lao động của họ và những người xung quanh.
Bạn nên làm gì trong một "ngày buồn"?
Khi đắn đo về việc nên sử dụng một ngày dành cho sức khỏe tinh thần như thế nào thì bạn nên suy nghĩ về những điều đã đưa bạn đến trạng thái này. Bạn có nên để ý đến các mối quan hệ cá nhân không? Bạn có đang đang kiệt sức vì khối lượng công việc của mình và tuyệt vọng đến nỗi muốn ngắt kết nối với mọi thứ? Bạn đã có một tuần căng thẳng vô cùng và muốn dành thời gian để giải tỏa áp lực tâm lý?
Suy nghĩ kỹ càng trước sẽ giúp bạn sử dụng ngày nghỉ hữu ích nhất có thể. Trong khi một người có thể "hồi phục" bằng việc đi mát-xa, một người khác có thể muốn vẽ tranh hoặc làm vườn. Những người khác sẽ thấy việc kết nối lại với bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình có giá trị nhất.
Ngày này cũng có thể tạo cơ hội để bạn suy nghĩ lại về các hoạt động hàng ngày của bạn, xem liệu chúng có đang mang lại cho bạn niềm vui hay ý nghĩa gì không.
Tiếp theo, bạn hãy nghĩ về những cách để chăm sóc bản thân thường xuyên, như thiền, yoga hoặc nấu một bữa ăn lành mạnh và lập kế hoạch để thực hiện chúng nhiều hơn trong tương lai.
Các chuyên gia nói rằng bạn có thể làm bất cứ điều gì, ngoại trừ việc dành cả ngày để kiểm tra tin nhắn hoặc cảm thấy tội lỗi. Vì chăm sóc bản thân không phải là một việc làm ích kỷ. Những người chỉ mải làm việc đến quên mình, cuối cùng cũng sẽ bị kiệt sức mà thôi.
Nguồn: TH&PL