Gen Z ơi, nghỉ dịch hay nghỉ việc?

Nghịch lý trong mùa dịch: Một nhóm người trẻ "lợi dụng" nghỉ dịch để nghỉ việc!

Giữa lúc dịch bệnh khó khăn, người người nhà nhà đều rơi vào trạng thái đóng băng nguồn thu nhập vì những đợt giãn cách xã hội kéo dài. Làn sóng thất nghiệp lan tỏa, nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố giải thể, người lao động thì tháo chạy về quê vì không thể tiếp tục bám trụ. 

Nhưng… đi ngược lại với xu hướng tất yếu trong mùa dịch này lại là một nhóm người trẻ "lợi dụng" nghỉ dịch để nghỉ việc.

Nghỉ việc - hành động mà với các thế hệ X, Y trước đây đều cho là can đảm hoặc phải đắn đo để đưa ra quyết định. Nhưng với Gen Z - thế hệ tôn thờ sự tự do và "tự chủ" đã cho mình cái quyền "nghỉ việc" khi cảm thấy… không ổn. Họ có xu hướng nghỉ việc để đi tìm lợi ích cho bản thân thay vì "cố đấm ăn xôi" với sự tù túng của lối sống văn phòng trước đây. 

gen z oi nghi dich hay nghi viec - anh 0

Dịch bệnh: giảm lương, chế độ đãi ngộ chưa tốt,... nghỉ việc thôi!

Nhưng giữa lúc dịch bệnh khó khăn thế này, bạn không cảm thấy mình mắn sao khi vẫn còn được làm việc, vẫn có nguồn thu nhập dù là ít? 

"Nhưng mình cũng cần nhận lại được những gì xứng đáng với sức lao động của mình" - Bảo Duy, một người mẫu tự do đã thẳng thắn nghỉ việc cho biết.

Từ đó, có thể thấy Gen Z - những người trẻ đang dần tiếp cận và thay đổi thị trường lao động lại có xu hướng nghỉ việc, nhảy việc nhiều nhất hiện nay. Dù không có số liệu thống kê xác thực, nhưng vấn đề lại nhan nhãn xuất hiện từ những người bạn, hay người thân xung quanh chúng ta.

Có lẽ, khi công việc hiện tại đã không thể đáp ứng được kỳ vọng của bản thân, thì nghỉ việc gần như là nhu cầu tất yếu đối với nhiều người. Đặc biệt là những người trẻ theo đuổi lối sống YOLO - Bạn chỉ sống một lần trong đời nên hãy sống sao cho đáng! 

gen z oi nghi dich hay nghi viec - anh 0

Trong khi một số doanh nghiệp đã vượt qua cuộc khủng hoảng mùa dịch thì vẫn còn rất nhiều nơi không thể đáp ứng kỳ vọng của người lao động khiến họ muốn nhảy việc. Cụ thể, việc tăng giờ làm, giảm lương, chế độ đãi ngộ không tốt hoặc thậm chí là sa thải đã không còn là chuyện hiếm trên thị trường lao động thời điểm này. 

"Chị mình làm trong công ty bị giảm lương tận 30%, bình thường lương đã thấp mà đãi ngộ lại không tốt trong mùa dịch đâm ra chị mình cũng nản, chị ấy có tâm sự là không còn thấy phù hợp với công việc đó nữa". Đây là chia sẻ của Diễm Quỳnh về quyết định nghỉ việc của chị gái trong mùa dịch. 

Đây không hẳn là một quyết định can đảm hay "ích kỷ" mà có thể nói đó là "quyền lợi" của người trẻ trong cuộc sống ngày càng đổi mới. Đối với họ nơi làm việc không còn là chỗ để họ phải "bán sức lao động" và "duy trì" cuộc sống nữa, mà nơi làm việc cũng cần cho họ một thành quả tương xứng hơn với sức lao động của mình. 

gen z oi nghi dich hay nghi viec - anh 0

Cũng cần nói thêm, không ai biết sau khi nghỉ việc cuộc sống của họ có tốt hơn không? Nhưng đứng giữa hai lựa chọn: ở lại để "cố đấm ăn xôi" mà làm việc và rời đi để tìm công việc mới dù khó khăn thì câu trả lời ắt sẽ cần những sự liều lĩnh hơn là an toàn. Vì họ còn trẻ và không có quá nhiều gánh nặng xoay quanh. 

"Tiêu tiền xả stress" trên sức lao động của bản thân cũng là cách để mình thấy vui và duy trì công việc

…Nhưng, Work From Home đã làm "tắt" đi nguồn động lực duy nhất này của họ. 

Sống trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, chúng ta đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ của thế giới nghề nghiệp. Giới trẻ đã dần sáng tạo và chuyển dịch mạnh mẽ sang những ngành nghề trước đây chưa từng có. Giờ đây, copywriter, designer, streamer, youtuber, tiktoker... những người làm trong lĩnh vực này gọi chung là freelancer đã trở thành một trong những ngành nghề hot mà giới trẻ lựa chọn để tìm chỗ đứng cho riêng mình.

gen z oi nghi dich hay nghi viec - anh 0

Thế nhưng, Work From Home thời gian qua lại trở thành "chướng ngại vật" của Gen Z trong những công việc đòi hỏi sự sáng tạo. Nhiều bạn trẻ cho rằng bản thân đã bị "cướp" đi sự nhiệt huyết bởi không gian tù túng của những bức tường. 

"Mình cảm thấy dần mất hứng thú, nhàm chán khi mỗi ngày chỉ tiếp xúc với 4 bức tường, đèn quay và những kịch bản chỉ một mình thực hiện" - Bạn Tường Hân, một bạn trẻ làm sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok cho biết rằng cảm thấy không có động lực làm việc dù đó là đam mê của mình.

Không sai khi nói, Work From Home cũng là lý do khiến nhiều người cảm thấy chán nản trong công việc. Giữa thời cuộc Covid-19, khi mọi thứ dần chuyển hoá sang trực tuyến và thậm chí trở thành xu hướng trong thời gian tới thì nhiều người vẫn chưa thể thích nghi với lối sống online này.

Nhiều bạn thẳng thắn thừa nhận, công việc ngày trước dù có áp lực nhưng vẫn có thể ra ngoài để tiêu tiền "giải stress", nhưng khi mọi thứ đóng khung trong không gian kín vì dịch bệnh khiến niềm vui duy nhất để họ duy trì công việc cũng "tạm khóa".

gen z oi nghi dich hay nghi viec - anh 0

Minh Hiền, 23 tuổi, một chuyên viên chăm sóc khách hàng tại TP.HCM đã quyết định nghỉ việc vì không biết kiếm tiền để làm gì...

"Tiêu tiền và xả stress trên chính sức lao động của mình cũng là một cách để mình cảm thấy vui và duy trì công việc". Nhưng kể từ lúc Work From Home, chỉ ở nhà làm làm việc từ ngày này qua khác khiến Hiền cảm thấy mệt mỏi. "Áp lực công việc vẫn thế nhưng chẳng thể tìm được cách để xả stress. Rồi mình nhận ra công việc này không như mong muốn của mình".

Nhờ dịch bệnh mình mới hiểu ra cái gì đang "thừa và thiếu" trong cuộc sống

Không hẳn phải chờ đến lúc nghỉ dịch mới nhận ra bản thân chúng ta cần nghỉ việc mà đôi khi đó đã là "ý định" của nhiều bạn trẻ khi đối diện với công việc không như ý muốn trước đây. Tuy vậy, không phải ai cũng có "dũng cảm" để nghỉ việc vì còn đó tiền thuê nhà, tiền mua đồ dùng, tiền hỗ trợ gia đình. Hay thậm chí là duy trì công việc để có kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết cho việc thay đổi công việc sau này và "lấp đầy" hồ sơ xin việc.

Ít ai can đảm để nghỉ việc, đặc biệt là trong mùa dịch nhưng chính dịch bệnh lại là cơ hội để nhiều bạn trẻ "ngẫm" lại đâu là điều mình đã bỏ quên và đâu là điều "thừa thãi" trong cuộc sống.

gen z oi nghi dich hay nghi viec - anh 0

Với cuộc sống bình thường trước đây, nhiều bạn cứ tất bật với công việc từ sáng đến tối. "Đôi khi muốn nghỉ ngơi một tí nhưng phải chạy một đống deadline", Nguyễn Trâm, 22 tuổi, một nhân viên văn phòng cho biết với áp lực công việc trước đây bạn dường như không kịp ngồi lại để đánh giá bản thân đã thật sự phù hợp với công việc này chưa.

"Mình đã có suy nghĩ nghỉ việc từ trước nhưng chưa dám bởi mình sợ khó mà xin được việc sau khi nghỉ", Trâm nói. Nhưng khi làm việc ở nhà, khoảng thời gian để Trâm sống chậm lại và đã kịp suy nghĩ đến những dự định trước đó. 

Nhờ nghỉ dịch mà chúng ta đã tiết kiệm được mớ thời gian vội vàng để mỗi sáng canh sao cho đừng bị kẹt xe để đến công ty đúng giờ. Nhờ nghỉ dịch mà chúng ta cũng đã có được thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu kĩ cũng như đã tìm ra một công việc phù hợp với bản thân và đãi ngộ tốt hơn. 

gen z oi nghi dich hay nghi viec - anh 0

"Tất cả đã trở thành đòn bẩy khiến mình muốn thay đổi cuộc sống, làm mới cuộc đời của chính mình, thay đổi tư duy và theo đuổi những ước mơ trước đó!" - Trâm cho biết. 

Nghỉ dịch hay nghỉ việc? Một câu hỏi mà mỗi người đều có câu trả lời cho riêng mình lúc này. Nghỉ việc không hẳn là một xu hướng hay phong trào cần cổ vũ, nhưng nếu bạn chọn nghỉ việc hãy chắc chắn rằng bạn đã có kế hoạch sau khi nghỉ chứ không phải là "thích thì nghỉ". Vì suy cho cùng, cuộc đời hay sự nghiệp của bạn vẫn là do bạn toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm.

Nhiều người trên mạng xã hội nói "nghỉ việc" là "chăm sóc bản thân"?

Khi cuộc sống "bình thường hóa", nhân viên công sở có thật sự muốn trở lại văn phòng?

Nhiều người đang từ chối cuộc sống "bình thường mới"?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ