Chúng ta sẽ trở lại văn phòng và làm việc ở đó? Chưa chắc!
Với hơn một nửa số người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm phòng Covid đầy đủ, các ông chủ cũng như nhân viên đều hướng mắt về văn phòng. Họ đang vướng vào một cuộc xung đột về việc khi nào họ sẽ quay trở lại và khi họ quay trở lại, việc quay trở lại sẽ như thế nào.
Trước khi đại dịch diễn ra, phần lớn các nhà quản lý cho rằng, làm việc từ xa sẽ còn mất một khoảng thời gian dài nữa mới có thể thế chỗ hoàn toàn văn hóa công sở (office culture). Các nhà tuyển dụng đã quen với việc có thể kiểm soát nhân viên làm việc khi nào và ở đâu, nhưng vì đại dịch, chúng ta phát hiện ra rất nhiều công việc có thể được thực hiện vào những giờ giấc khác nhau từ xa và tại nhà, thậm chí là ngay trên giường ngủ.
Trên thực tế, cuộc tranh luận về việc trở lại văn phòng làm việc đang diễn ra khá gay gắt. Sau khi Twitter công bố cho phép nhiều nhân viên làm việc từ xa tùy thích, lượng tìm kiếm "công việc tại Twitter" tăng đột biến. Apple có kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng vào tháng 9 theo lịch trình 3 ngày một tuần, nhưng không có vị trí nào được làm việc từ xa lâu dài.
Chính sách này khiến gã khổng lồ công nghệ vấp phải sự phản đối không nhỏ từ phía nhân viên, và họ có thể phải điều chỉnh lại. Với Google, nhân viên được phép làm tại nhà đến hết năm nay nếu cần, nhưng họ chưa công bố chính thức về việc sẽ cho phép nhân viên làm từ xa lâu dài hay không.
Nhưng chúng ta không nên chỉ nói về cách ta hoàn thành công việc trong một thế giới sau đại dịch. Chúng ta nên cố gắng làm việc hiệu quả hơn, với thời gian ngắn hơn.
Work-life balance là trên hết!
Giai đoạn tiền đại dịch, gần một phần ba người Mỹ làm việc 45 giờ hoặc hơn mỗi tuần, với khoảng 8 triệu người làm việc từ 60 giờ trở lên. Trong khi người châu Âu đã giảm khoảng 30% số giờ làm việc trong nửa thế kỷ qua, thì số giờ làm việc của dân Mỹ vẫn tăng lên đều đặn.
Trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên vào tháng 4 năm 2020, những người Mỹ làm việc tại nhà đều làm thêm ba giờ mỗi ngày so với khi làm việc tại văn phòng. Khi tuyến đường đi làm biến mất, nhân viên phải dành nhiều thời gian hơn cho các cuộc họp trực tuyến tại Zoom và các ứng dụng nhắn tin. Ranh giới giữa chỗ làm và nhà riêng bị xóa nhòa, người ta dễ dàng cho phép công việc chiếm lấy nhiều thời gian hơn, và một phần ba người Mỹ nói họ bị kiệt sức khi làm việc ở nhà.
Làm việc quá lâu có hại cho sức khỏe của chúng ta, không chỉ liên quan đến việc tăng cân, sử dụng nhiều rượu và thuốc lá mà còn khiến tỷ lệ thương tật, bệnh tật và tử vong cao hơn. Một nghiên cứu xem xét thời gian làm việc dài trên 194 quốc gia cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ cao hơn.
Từ lâu, chúng ta cần sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, như cố gắng thức dậy sớm hơn để làm việc nhà hay tập thể dục trong giờ nghỉ trưa, nhưng sự cân bằng chỉ có thể đạt được bằng cách thực sự làm việc ít thời gian hơn.
Năm nay, chính phủ Tây Ban Nha đã công bố một chương trình thí điểm nhằm lôi kéo các công ty thử một tuần làm việc bốn ngày mà không giảm lương bất kỳ ai. Iceland vừa công bố kết quả từ một thử nghiệm làm việc bốn ngày trong tuần ở Reykjavik từ năm 2015 đến năm 2019 và nhận thấy rằng năng suất không giảm và trong một số trường hợp, thậm chí còn được cải thiện.
"Chúng ta không phải những cỗ máy chỉ sản xuất", một người Iceland nói, "Chúng ta là những người có mong muốn và cuộc sống riêng, với gia đình và sở thích cá nhân".
Tuy nhiên, điều này vẫn là một thách thức, đặc biệt những người lao động có thu nhập thấp và luôn muốn tranh thủ từng giờ. Mười sáu phần trăm lịch trình của người lao động Mỹ dao động dựa trên nhu cầu của người sử dụng lao động của họ. Ngoài công việc trong giờ hành chính từ 9 giờ đến 5 giờ, họ không dành thời gian rảnh rỗi để giải trí, mà làm thêm việc khác để có thu nhập phụ.
Các nhà tuyển dụng vẫn đang chiếm dụng thời gian của họ bằng cách ép buộc họ phải có mặt trong thời gian thông báo.
Trong một cuộc khảo sát với 11.000 công nhân và 6.500 lãnh đạo doanh nghiệp của Trường Kinh doanh Harvard và Tập đoàn Tư vấn Boston, đại đa số cho rằng trong số những phát triển mới ảnh hưởng cấp bách nhất đến doanh nghiệp của họ là kỳ vọng của nhân viên đối với công việc linh hoạt, tự chủ; cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn; và làm việc từ xa. Tuy nhiên, chỉ 30% cho biết doanh nghiệp của họ đã được chuẩn bị.
Tuy nhiên, thế hệ lao động chính trong tương lai gần, những người thuộc gen Z và gen Y đã bắt đầu hành động để tiến gần hơn với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống mà các thế hệ trước chỉ nghĩ trong đầu.
Ariel Coleman, 28 tuổi, bỏ công việc trước đó với tư cách là giám đốc dự án trong văn phòng công ty của một ngân hàng. Không phải là do tìm được công việc lương cao hơn tăng lương, mà vì sự cân bằng giữa công việc mới và cuộc sống tốt hơn. Tại công ty mới của cô, mọi người có thể làm việc tại nhà vào các ngày Thứ Ba và Thứ Năm vào bất kỳ giờ nào họ chọn. Cô có thêm thời gian để chạy bộ hoặc dắt chó đi dạo.
Nội dung liên quan
Cô cho biết, tại ngân hàng, mọi người đều nhìn chằm chằm cô khi tiêu quá nhiều ngày nghỉ phép. Tại công ty mới, điều đó được khuyến khích, đó là lý do tại sao cô ấy không ngại trả lời email công việc khi ngồi bên đống lửa trong một chuyến đi cắm trại gần đây. "Một khách hàng gọi cho tôi lúc 8 giờ tối và tôi rất vui khi nói chuyện với họ, vì điều đó có nghĩa là vào 10 giờ sáng ngày hôm sau, tôi có thể đưa em chó của mình đến bác sĩ thú y. Nó cho phép tôi làm cho sự nghiệp của mình gắn bó hơn với cuộc sống riêng của tôi".
Nhiều người bạn của cô đã chọn công việc của họ vì những lý do tương tự, cô nói. "Đó là cách thế hệ Millennials và Gen Z đang xoay chuyển ván cờ - cái đích sau cùng không phải là thăng chức hay tiền lương, mà là môi trường làm việc tốt hơn", cô bày tỏ. "Họ giống như những người chiến đấu thầm lặng, dần dần viết lại chính sách làm việc dưới mũi những người quản lý từ thế hệ trước".
Nguồn: TH&PL