Những nhu cầu mới nhưng đặc biệt phổ biến không ngờ trong đại dịch.
Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới lao đao trong gần 2 năm. Nhiều nhu cầu sống bị thay đổi tác động đến nhiều thế hệ mà đặc biệt là giới trẻ. Mục tiêu "ổn định" cuộc sống lâu dài dường như xa vời và không khả thi nhất là trong thời gian gần đây, tiết kiệm để xây dựng cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn hơn.
Giới trẻ Hàn Quốc lựa chọn đồ hiệu, không mua nhà vì không "đủ sức"
Mặc dù trong năm nay, hãng thời trang của Pháp - Chanel đã không ít lần tăng giá vào tháng 2,7, 9 và có thể sắp tới là vào tháng 11 nhưng cơn sốt đồ hiệu ở Hàn Quốc vẫn nóng như thường. Đại dịch làm đảo lộn cuộc sống của người dân gần 2 năm, họ không thể đi du lịch hay chi tiêu cho những hoạt động giải trí,… và mục tiêu của họ thay đổi hướng đến việc sở hữu những món hàng xa xỉ.
Thế hệ Millennials (những người được sinh ra trong giai đoạn từ năm 1980 - 1995) cho biết giá nhà tại Seoul và nhiều thành phố khác đã dần xa tầm với của họ, lãi suất siêu thấp cũng khiến cho việc gửi tiền tiết kiệm không được ưu tiên lựa chọn như hằng năm trước khi đại dịch xảy ra. Khi việc tiết kiệm để đầu tư cho mình một ngôi nhà trở nên vô nghĩa, giới trẻ Hàn Quốc "đốt tiền" vào những nhãn hiệu cao cấp như túi Chanel hay Gucci.
Trong bối cảnh kinh tế lao đao vì đại dịch nhưng các nhãn hàng nổi tiếng vẫn tăng giá và thu về lợi nhuận hơn mong đợi. Khách hàng trẻ xứ sở Kim chi vì sự khan hiếm của đồ hiệu mà sẵn sàng đứng chờ hàng tiếng đồng hồ trước các trung tâm mua sắm, cửa hàng để dành về cho mình càng nhiều món đồ càng tốt với mong muốn bán lại kiếm lời.
Tháng 8/2019, 177.5 tỷ won túi xách xa xỉ được nhập khẩu vào Hàn Quốc, sau đó tăng lên 240.3 tỷ won một năm sau đó và đạt mức 350 tỷ won vào tháng 8 năm nay tức gần 99% so với 2 năm trước.
Những ông lớn khác như Lotte, Shinsegae và Hyundai có doanh thu từ các sản phẩm xa xỉ là nguồn thu lớn thứ 3 của các cửa hàng bách hóa, sau đồ gia dụng và đồ thể thao. Như Cửa hàng bách hóa Shinsegae trong dịp lễ Chuseok năm nay tăng 39.1%, dẫn đầu mức tăng 26.4% trong tổng doanh thu hay Cửa hàng bách hóa Hyundai đạt mức lợi nhuận 61 tỷ won đến 65 tỷ won.
Những số liệu trên cho thấy tâm lý tiêu dùng của giới trẻ Hàn Quốc không hề nao núng trước đại dịch.
Giới trẻ trung quốc ngại kết hôn và sinh con
Trong một cuộc khảo sát trên Guangming Daily, tình trạng già hóa dân số tại Trung Quốc diễn biến tệ hơn do giới trẻ nước này ngày càng không thích kết hôn do nhiều ảnh hưởng từ áp lực tài chính, dồn sức lực cho sự nghiệp hay bị thu hút bởi internet.
Trung Quốc đã dẹp bỏ chính sách 1 con kéo dài từ 2016 và khuyến khích có 2 con và mới đây nhất là 3 con vào năm nay. Nhưng dân số trong độ tuổi lao động ở đây bị thu hẹp và những người trên 60 tuổi theo đà dự đoán sẽ chiếm 1/3 dân số vào 2050.
Mặc dù là đất nước trọng hôn nhân nhưng xu hướng già hoá dân số cũng như ảnh hưởng từ thời gian lockdown vì đại dịch đã tác động đáng kể đến nhu cầu kết hôn ở người trẻ. Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc: "8,13 triệu cặp vợ chồng đã đăng ký kết hôn vào năm 2020 và giảm khoảng 12% so với năm 2019 và thấp hơn 40% so với mức đỉnh năm 2013 do tác động không mong muốn từ đại dịch. Tính theo tỷ lệ, số lượng kết hôn năm 2019 là 6,6/1.000 người so với 9,9 vào năm 2013".
Điều gì khiến những con số liên quan lại giảm sâu đến vậy?
Nhiều cuộc khảo sát được tiến hành, lo toan về chi phí tài chính, kinh tế gia đình sau hôn nhân, những trải nghiệm một chiều từ cá nhân hay ảnh hưởng bởi những câu chuyện hôn nhân tiêu cực trên mạng xã hội là một phần trong nhiều nguyên nhân khiến giới trẻ Trung Quốc e dè với việc tìm kiếm một nửa của mình.
Kết nối internet bùng nổ, những lối sống tự chủ, độc lập, tự do tài chính, cuộc sống độc thân không gò bó, còn có nhiều thời gian bồi dưỡng bản thân, phát triển sự nghiệp phủ sóng rộng rãi, ít nhiều tác động đến nhận thức và hành vi của họ. Những thông tin tiêu cực cũng vậy, họ có thể tiếp cận được với tần suất lớn mỗi ngày khiến nhiều người không còn mặn mà với hôn nhân.
Ở những thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, nhịp sống hiện đại sôi động nhưng giá cả nhà đất và chi phí sinh hoạt leo thang. Việc đối mặt với việc san sẻ tài chính, phải dành thời gian cho gia đình trong khi tỉ lệ làm thêm giờ còn cao khiến nhiều người e dè khi lựa chọn kết hôn. Những người phụ nữ được ưu tiên giáo dục về tự chủ và độc lập tài chính khiến họ có nhiều lựa chọn hơn và không muốn bị ràng buộc vào hôn nhân.
Dường như theo xu hướng phát triển hiện đại, giới trẻ ngày càng chịu nhiều áp lực từ nhiều phía hơn, thách thức họ lo toan nhiều hơn.
Nguồn: TH&PL