Người trẻ ngày nay thường xem trọng những gì thuộc về hình thức, điều này đã có những tác động rõ rệt đến việc chi tiêu của bản thân.
Xã hội ngày càng phát triển kéo theo đó là những thay đổi trong tư duy và nhận thức của người trẻ, đâu đó vấn đề này cũng được xem là tích cực bởi nó mang đến sự sáng tạo, không ngừng đổi mới để phát triển bản thân. Tuy nhiên, cũng đã tạo nên sự chênh lệch về mức sống của mỗi người khiến tâm lý chạy đua theo những giá trị ảo gia tăng.
Nhiều bạn trẻ không ngần ngại chi một số tiền lớn để có được món hàng công nghệ đắt đỏ, ganh tị khi ai đó có những thứ xa xỉ mà từ đó mù quáng chạy theo, không có được định hướng rõ ràng cho bản thân… Điều này cũng đã có những tác động to lớn đến vấn đề chi tiêu và thu nhập của người trẻ.
Hành vi chi tiêu bất hợp lý của người trẻ ngày nay
Không khó để nhận thấy trong thời gian vừa qua, đặc biệt là thời kỳ dịch Covid-19 cũng đã có những ảnh hưởng đến hành vi chi tiêu của gen Z. Song đó là những tiện lợi mà các trang thương mại điện tử mang lại khiến nhiều người trở thành "con nghiện" việc đặt hàng online. Nhu cầu về sử dụng hàng hóa là rất cần thiết nhưng nhiều người đang lạm dụng chính điều này, đôi khi chỉ đặt mua cho vui hoặc xem thấy thích mà vẫn chưa thật sự cần thiết.
Do những nhu cầu dồn nén trong thời gian giãn cách vì ảnh hưởng của dịch bệnh mà chi tiêu của gen Z được nhiều chuyên gia đánh giá lên đến 125% so với thời gian dịch bệnh chưa diễn ra. Điều đáng nói các bạn hầu hết đều mang trong mình tư tưởng của sự tận hưởng hay chạy theo những quy định mà số đông cho là đẳng cấp để luôn tìm mọi cách có được những món hàng xa xỉ.
Trong một số nghiên cứu từ các trang uy tín thì tại Trung Quốc có đến 15% hàng hóa đắt đỏ có đối tượng khách hàng là gen Z. Và có hơn 46% người trẻ tại đây mua hàng chỉ để thể hiện bản thân, khẳng định danh tiếng, xem đó là niềm vui trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng trên thực tế lối sống này có phần chưa đúng với một bộ phận đông đối tượng chưa có thu nhập ổn định như người trẻ.
Chỉ cần lướt mạng xã hội thì dễ dàng thấy được ở những bài post của các gen Z vào cuối tháng hầu như đều than vãn vì không đủ tiền do chi tiêu quá nhiều ở đầu tháng hay chỉ khi có tiền thì phung phí và không có được sự tiết kiệm riêng cho bản thân. Khó để tránh khỏi vấn đề như vậy nhưng nếu biết cách quản lý tài chính thì mọi việc sẽ được xử lý dễ dàng hơn rất nhiều.
"Trả góp" được vận dụng một cách mù quáng
Nhiều bạn trẻ đang có xu hướng thích "Trả góp" vì họ có thể dễ dàng sở hữu được những món hàng với mức giá từ cao đến rất cao mà mình mong muốn, không phải đắn đo kiếm được một khoản tiền nhất định trong thời gian ngắn. Chính điều này cũng đã khiến họ dần ngó lơ trong các vấn đề về chi tiêu của cá nhân được hợp lý.
Vấn đề kinh doanh luôn tạo ra lợi nhuận, việc vì những nhu cầu không cần thiết trước mắt sẽ khiến các bạn gánh một khoản lãi đôi khi là không phù hợp với mức thu nhập hàng tháng, làm cuộc sống bản thân trở nên khó khăn hơn rất nhiều trong thời gian dài. Trên thực tế, bất cứ đồ dùng nào cũng đơn giản chỉ để phục vụ cho nhu cầu của con người, đừng dùng nó để đáp ứng những nhu cầu về sự tò mò hay chú ý bởi mọi thứ đều nhất thời ở một thời điểm nhất định.
Hình thức "trả góp" được vận dụng tại nhiều nơi trên thế giới, luôn có những ưu điểm của riêng nó mà trước hết là tránh được những gánh nặng về kinh tế và sau đó giúp các bạn rời xa được tư duy vay mượn nợ. Nhưng vấn đề này chỉ mang tính tạm thời vì nếu không có khả năng chi trả sẽ phải mất một số lãi khá lớn và có thể trở thành khoản nợ xấu khiến bản thân càng áp lực.
Thay vào đó hãy tính toán thật kỹ càng trước khi "trả góp", dựa trên mức độ cần thiết của bản thân để mua hàng. Nếu nó bất hợp lý thì nên dùng những khoản đó cho việc tiết kiệm và đầu tư vào những việc sinh lợi hay chi tiêu cho những việc bổ ích, thực tế hơn so với việc chạy trên "cuộc đua" không có điểm dừng trong những giá trị ảo mà đám đông tự tạo ra.
Nội dung liên quan
Quản lý chi tiêu là việc không khó nếu biết chủ động
Không có khả năng quản lý khiến cuộc sống bản thân gặp nhiều rắc rối, đặc biệt là phải đối mặt với sự thiếu hụt và nguy hiểm hơn chính là dù có vất vả lao động thì cũng không thể dư được một khoản kinh tế nào nhất định cho riêng bản thân. Suy cho cùng cốt lõi vấn đề vẫn sẽ thuộc về sự chủ động của mỗi người, nếu ta biết tự giới hạn những nhu cầu của bản thân thì việc chi tiêu sẽ vô cùng hợp lý.
Ngoài ra, trong nhiều vấn đề của cuộc sống cũng sẽ có những khoản phí bất ngờ phát sinh nên rất cần thiết phải quản lý chi tiêu để mọi thứ được cân bằng. Hãy liệt kê danh sách mà bản thân cần dùng tiền để chi ở mỗi tháng và cuối tháng thống kê lại để tính toán xem mọi thứ có đang được ổn định, song đó luôn cân nhắc trong mọi vấn đề về mua sắm, nhất là khi "trả góp".
Tiết kiệm thôi vẫn chưa đủ ta cũng cần có tư duy đầu tư, có thể đầu tư vào một khóa học nào đó để phát triển bản thân và phục vụ cho công việc, học tập hay dùng những khoản chi phí đầu tư vào những việc có thể sinh ra lợi nhuận. Thực tế cũng có nhiều minh chứng dù ta có làm giỏi đến bao nhiêu, có được một số tiền lớn thì nếu không biết cách quản lý chi tiêu thì mọi thứ cũng trở về vạch đích.
Nguồn: TH&PL