Một cuộc khảo sát toàn cầu và lấy ý kiến cho thấy sự gia tăng khi tỷ lệ thất nghiệp và hạn chế hoạt động, cũng như những ảnh hưởng to lớn từ dịch bệnh đến người trẻ.
Mặc dù tình hình các nước trên thế giới đang dần mở cửa và ổn định trở lại nhưng không thể phủ nhận dịch bệnh cũng đã có những tác động vô cùng to lớn đến đời sống giới trẻ. Hàng triệu thanh niên trên khắp thế giới đã chuyển về sống với cha mẹ của họ kể từ khi Covid-19 xảy ra, tỷ lệ thanh niên từ 18 đến 29 tuổi sống ở nhà là cao nhất từng được ghi nhận, sinh viên và công nhân trẻ đang phải chịu hậu quả kinh tế của đại dịch khắc nghiệt hơn so với các nhóm khác.
"Tôi cảm thấy bản thân mình thật vô dụng"
Kể từ khi tốt nghiệp vào tháng 8 thì Juyeon Lee, 23 tuổi đến từ Daegu (Hàn Quốc) đã nộp hàng chục đơn xin việc, mặc dù cô ấy đã có một vài cuộc phỏng vấn nhưng cũng trở nên hoang mang bởi số lượng vị trí tuyển dụng ngày càng giảm.
"Tôi không muốn bị lây nhiễm vì nếu tôi làm vậy, việc tìm kiếm việc làm sẽ khó hơn. Tôi cảm thấy mình vô dụng và tôi sẽ không bao giờ có được công việc thích hợp mặc dù tôi là một sinh viên vừa tốt nghiệp và khá tự tin khi tham gia các cuộc phỏng vấn", cô nói.
Theo OECD, những người từ 25 tuổi trở xuống có nguy cơ không có việc làm vì đại dịch cao gấp 2,5 lần so với nhóm 26-64 tuổi. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tốt nghiệp trong thời kỳ suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng đến tiền lương.
Trong số những người vẫn đang làm việc thì gần một nửa cho biết thu nhập bị giảm, với phụ nữ trẻ và những người làm công việc được trả lương thấp hơn bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ở các nước đang phát triển, thất nghiệp thường đồng nghĩa với việc không còn khả năng nuôi sống những người phụ thuộc nhiều thế hệ.
"Tất cả chúng ta đều đổ lỗi cho một cuộc khủng hoảng trong lãnh đạo"
Nhiều người cho biết họ đang mất niềm tin vào các nhà lãnh đạo của mình và cảm thấy rằng đại dịch đã được xử lý kém - ngoại trừ một số người châu Âu và những người được hỏi đến từ các khu vực của châu Á. Anthony, 23 tuổi đến từ Annecy (Pháp) nói: "Tất cả chúng ta đều đổ lỗi cho một cuộc khủng hoảng trong vai trò lãnh đạo".
Từ văn phòng của mình ở Sao Paulo (Brazil), Danilo Ventura, 29 tuổi đã theo dõi đất nước của mình qua ba bộ trưởng y tế khác nhau kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ông nói: "Thế giới đang nói điểm A và chính trị Brazil đang hét giá Z". Sự thiếu định hướng đó đã gây ra hậu quả là Brazil có số người chết nhiều thứ hai trên thế giới sau Mỹ.
Theo OECD, sự tin tưởng vào chính phủ trong giới trẻ đã giảm ở các nước phát triển kể từ năm 2016. Elsa Pilichowski, người điều hành Ban quản trị công của OECD cho biết: "Niềm tin của họ vào các tổ chức công, nhận thức của họ về việc có ảnh hưởng chính trị và đại diện trong việc ra quyết định đã bị đình trệ".
Theo Naumi Haque, phó chủ tịch cấp cao của bộ phận nghiên cứu tại Ipsos, đại dịch đã làm trầm trọng thêm sự bất đồng chính trị. Ông nói: "Thế hệ Z có nhiều khả năng cảm thấy mọi thứ ở đất nước của họ đang nằm ngoài tầm kiểm soát hơn so với các thế hệ cũ".
"Đã có rất nhiều cảm giác khó khăn và sợ hãi"
James, 25 tuổi đến từ London cho biết: "Thất nghiệp, khó khăn về sức khỏe tinh thần và không chắc chắn về việc khi nào điều này sẽ kết thúc khiến cho một số hy vọng trở nên tuyệt vọng. Có lúc tôi đã tính đến chuyện tự tử".
Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng đã cảnh báo rằng tác động đến sức khỏe tinh thần của đại dịch sẽ tồn tại lâu hơn virus, khi hàng triệu người phải đối mặt với chứng trầm cảm, lo lắng và cô lập. Các nghiên cứu được thực hiện ở Anh và Mỹ cho thấy những người từ 18 đến 29 tuổi trải qua mức độ đau khổ cao hơn so với các nhóm tuổi khác trong giai đoạn này.
María Rodríguez, 25 tuổi là người gốc Tây Ban Nha nhưng sống ở Krakow (Ba Lan), cho biết cô quyết định liều lĩnh với Covid-19 hơn là rơi vào trầm cảm vì bị cô lập. "Tôi không sợ đi đến quán cà phê và gặp gỡ nhiều người vì tôi sẽ không làm gia đình mình bị ảnh hưởng. Tôi đã chọn sức khỏe tinh thần của mình thay vì nỗi lo Covid", cô nói.
Vào tháng 5, Ola Demkowicz là một giảng viên tâm lý giáo dục tại trường đại học Manchester, đã khảo sát hàng trăm thanh thiếu niên ở Anh. Nhiều người trong số họ mô tả đã trải qua "rất nhiều cảm giác khó khăn và sợ hãi" khi thích nghi với sự không chắc chắn trong cuộc sống của mình. Bà nói: "Đối với những người gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần, điều này dường như thực sự là một thách thức".
Cánh cửa dẫn đến những cơ hội mới
Tuy nhiên, một số người nói rằng đại dịch đã cho phép họ kết nối lại với gia đình và được tận hưởng. Joshua, 26 tuổi đến từ Anh cho biết vào một buổi sáng tháng 8 anh đã thu dọn đồ đạc và lên xe đến Tây Ban Nha, bỏ lại một căn hộ nhỏ và một môi trường văn phòng với nhiều điều chán nản.
"Giờ đây tôi dành chưa đến một phần ba tiền lương cho một căn hộ ba phòng ngủ ven biển của riêng mình. Một vài người bạn đã đến thăm nhưng tôi chủ yếu sống cuộc sống độc thân xa cách xã hội", anh nói.
Vào tháng 2, các nhà nghiên cứu từ Thái Lan đã quan sát một nhóm sinh viên đại học ở Vũ Hán (Trung Quốc) là nơi bắt nguồn của virus, để tìm hiểu cách họ đối phó với việc dừng mọi hoạt động và nhận thấy rằng một số người trong đó đang phản ứng với khả năng phục hồi.
Tiến sĩ Demkowicz đã tìm thấy bằng chứng tương tự ở Anh: ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã cung cấp cho thanh thiếu niên cơ hội quyết định cấu trúc một ngày của họ thoát khỏi các nghĩa vụ xã hội và bài tập ở trường. Bà nói: "Họ có thể khám phá những gì họ muốn trong cuộc sống và tìm cách phát triển cũng như đánh giá lại những hướng đi mà họ đang thực hiện".
Nguồn: TH&PL