Việc nhận ra giá trị của bản thân mình là điều cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng nên dùng những lý thuyết với quan điểm cá nhân để đánh đồng.
Cứ vào những dịp lễ liên quan đến phụ nữ, Trác Thúy Miêu trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, thậm chí là những lời chỉ trích với những phát ngôn gây ra nhiều tranh cãi. Cụ thể vào 8/3 năm ngoái cô cho rằng đàn bà nên vào bếp và xem đây như "đặc ân của riêng đàn bà", hay vào năm nay là câu chuyện phẫu thuật thẩm mỹ của phụ nữ là vì "bản năng của phụ nữ là chiều chuộng, thỏa đáp đàn ông".
Mỗi người sẽ có một quan điểm không giống nhau trong mọi vấn đề, song thì việc cô tự đánh đồng thông quanh danh xưng "đàn bà" khiến nhiều người xem không khỏi khó chịu.
Nội dung liên quan
Nếu trước kia "tính nữ" độc hại được hiểu là khuôn mẫu truyền thống có thể làm hại chính phụ nữ dưới những sự thay đổi trong tư duy hiện đại, thì hiện nay chúng cũng có thể sẽ là việc một số người phụ nữ xem trọng giá trị bản thân quá mức, mong muốn độc tôn vị trí và xem thường những giới còn lại.
Nhiều cô gái luôn muốn độc tôn và đề cao vị trí của chính mình
Những phong trào về nữ quyền không phải để "vĩ đại hóa" hình ảnh của những người phụ nữ, mà đơn giản là kêu gọi về sự bình đẳng trong những xã hội vẫn còn tồn tại nhiều định kiến. Tuy nhiên, đây vô tình lại là cái cớ cho nhiều người nhận định vai trò giới của bản thân là sự độc tôn và đề cao giá trị về vai trò giới quá mức.
Trải qua một thời gian dài sống trong những sự phủ nhận và định kiến, những phong trào như mở ra một cơ hội mới với nhiều điểm tươi sáng. Việc các cô gái nhận thức được giá trị của mình hoàn toàn không sai, nhưng đó không phải tự nâng tầm giá trị bản thân thái quá, thậm chí phủ nhận hết thảy một số giá trị truyền thống vẫn còn tồn tại ở phụ nữ.
"Tính nữ" độc hại không còn bị giới hạn chỉ là việc những tư tưởng cũ làm hại đến người phụ nữ hiện đại, chúng có thể là những tư duy đổi mới khiến những người phụ nữ không còn nhận thức được giá trị của bản thân. Điều này khiến những phong trào về bình đẳng giới dần trở nên đi lệch hướng ban đầu, vô tình tạo ra thêm những sự bất bình đẳng khác về giới.
Nội dung liên quan
Thái độ xem thường giá trị của những người đàn ông trong cuộc sống
Một điều chúng ta có thể thấy ngày nay chính là những sự phát triển của phụ nữ, họ có được nhiều vị trí cao hơn trong công việc, có được địa vị trong xã hội và nhận được sự tôn trọng từ người xung quanh. Chúng khiến một số người phụ nữ trở nên có giá trị hơn cả về mặt nhận thức lẫn những khía cạnh khác trong cuộc sống, công việc.
Tuy nhiên, ẩn sau đó là những tư tưởng độc hại khi có thái độ xem thường những người đàn ông, điều mà trước đây họ vẫn luôn đấu tranh để xóa nhòa. Họ nhìn nhận nam giới với những khía cạnh vô cùng tiêu cực, thậm chí mang luôn cả những câu chuyện vốn rất nhạy cảm của đàn ông để bàn tán trên nhiều nền tảng trực tuyến khác nhau.
Tại Hàn Quốc, nơi phong trào Me Too phát triển mạnh mẽ thì cũng là nơi có số lượng người phản đối vô cùng cao, họ cho rằng phong trào đang ngày càng đi xa và phụ nữ đang dần xem thường giá trị của những người đàn ông. Vào năm ngoái, đã xảy ra một cuộc tranh cãi khi trò chơi "Lost Ark" sử dụng biểu tượng mỉa mai kích thước bộ phận sinh dục nam giới nhưng vấn đề bị xem nhẹ và trở thành trò đùa vô cớ của nhiều người.
Trên tờ Le Monde của Pháp có đưa tin về sự việc một bức thư có chữ ký của 100 phụ nữ nói rằng xu hướng #MeToo thể hiện "sự căm ghét đàn ông" và nó đã tạo nên một làn sóng trước mọi hành vi của nam giới. Khi vốn dĩ là sự hô hào nữ quyền và bình đẳng, thì nhiều người nhận thấy đó là sự kỳ thị và phân biệt đối xử.
Luôn muốn tạo ra những sự phân định giữa nam giới và nữ giới
"Tính nữ" độc hại còn thể hiện ở việc họ không muốn tìm kiếm sự bình đẳng, thay vào đó chính là sự độc tôn vị trí về vai trò giới của mình. Bản chất của những hành vi quấy rối đáng để lên án, nhưng một số lại đang bắt đầu gán ghép mọi cách ứng xử của nam giới cho vấn đề này, trong khi chúng thật ra chỉ là một phần rất bình thường trong văn hóa giao tiếp.
Việc nâng tầm bản thân lên và hạ thấp giá trị giới khác khiến những phong trào về bình đẳng giới ngày càng "đào sâu" hố phân cách giữa nam giới và nữ giới. Dường như họ chỉ đang muốn tập trung cho những quyền lợi của bản thân mình, thay vì hướng đến sự toàn diện là mọi người sẽ có được những lợi ích như nhau.
Nhận thức về vai trò giới cũng có thể gây ra những sự cản trở trong công việc và cuộc sống đối với các giới tính, khi sự đánh đồng về phân định rõ rệt vẫn còn tồn tại. Chính điều này đã khiến việc đánh giá nam giới hay nữ giới bị hạn chế, hay vô tình tạo điều kiện cho những định kiến được hình thành.
Nếu trước đây phụ nữ được xem là nạn nhân của những định kiến và sư gia trưởng của đàn ông thì hiện tại thế hệ nam giới lại nhận thấy mình mới chính là người gánh lấy hậu quả của sự phân biệt sau những phong trào về nữ quyền. Những điều này vẫn còn tồn tại thì sự ra đời của những phong trào về bình đẳng giới cũng sẽ trở nên vô ích, vì hơn cả sự tác động thì ở đó còn phải đến từ sự thay đổi trong tư duy con người.
Nguồn: TH&PL