Hệ thống pháp luật vẫn xử lý đa số các cáo buộc tấn công tình dục một cách qua loa.
Theo sau phong trào Me Too, từ khóa Girls Help Girls lan tỏa mạnh trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo, sau sự việc Đô Mỹ Trúc tố cáo Ngô Diệc Phàm lừa đảo và quan hệ lăng nhăng với nhiều cô gái, trong đó có trẻ vị thành niên.
Việc này cho thấy cái nhìn đồng cảm hơn của công chúng trước những nạn nhân bị tấn công tình dục, nhưng trên thực tế, hệ thống pháp luật vẫn xử lý đa số các cáo buộc tấn công tình dục một cách qua loa.
Chặng đường những nạn nhân đi tìm công lý sau vành móng ngựa, gian truân như đi trong rừng, không biết sau cùng có tìm được lối ra hay mãi là hai bàn tay trắng.
Nội dung liên quan
Hệ thống pháp luật đầy thách thức trong việc kết tội hung thủ
Cammy Duong thức dậy trong một phòng khách sạn ở Manhattan vào tháng 7 năm 2017 và bàng hoàng, gọi cho người bạn cô định sẽ gặp vào sáng hôm đó: "Tôi nghĩ mình đã bị cưỡng hiếp", cô vừa nói vừa khóc.
Cuộc điều tra của cảnh sát kéo dài nhiều tháng. Nhưng khi vụ việc đến văn phòng luật sư quận Manhattan, các công tố viên nhanh chóng từ chối đưa ra cáo buộc dựa trên hồ sơ của cô. "Tôi nhớ mình đã bỏ đi và khóc và cảm thấy bất lực", cô Dương cho biết: "Tôi cảm thấy như không ai tin tôi".
Ở New York và nhiều tiểu bang, một người được coi là không có tỉnh táo - do đó không thể đồng ý quan hệ tình dục - nếu người đó say, nhưng chỉ khi cơn say là không tự nguyện, chẳng hạn như bị gây ra bởi một loại thuốc lén bỏ vào đồ uống.
Nếu việc uống rượu là tự nguyện như trường hợp của Cammy, thêm vào đó đối phương không phải người lạ mặt, các công tố viên phải đi một con đường xa hơn mới có thể kết tội hung thủ trước tòa án: Họ phải chứng minh được người kia đã sử dụng vũ lực, nạn nhân đã thực sự bất tỉnh hoặc có bằng chứng ghi lại nạn nhân đã nói hoặc ra hiệu rằng họ không muốn quan hệ tình dục.
Carl Bornstein, cựu công tố viên liên bang và tiểu bang đang giảng dạy tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay cho biết: "Không thực sự có bất kỳ nhân chứng bên thứ ba nào cho những điều này. Các công tố viên buộc phải xem xét hồ sơ và cho rớt án khi nhìn thấy thách thức quá lớn và khả năng đi đến kết quả thắng không cao".
Nạn nhân phải chịu nhiều tổn thương và dễ dàng bị đổ lỗi
Rachel Lesser cho biết cô đã bị cưỡng hiếp bởi một người bạn trai cũ. Họ đã hẹn hò một năm trước khi chia tay vào năm 2016, cô nói, nhưng họ đã đồng ý dành hai ngày cuối tuần bên nhau như những người bạn thân thiết.
Đêm đó, sau khi uống vài ly rượu Prosco và ngủ thiếp đi, cô Lesser nói người kia đã đánh thức cô ấy và cưỡng bức quan hệ với cô. Khi tỉnh lại, cô thấy đồ lót mình nằm trên sàn và vùng kín bị chảy máu. Song cô rất mơ hồ về hoạt động tình dục, không thể nhớ chi tiết.
Phía điều tra đã yêu cầu cô thực hiện một "cuộc gọi có kiểm soát" cho người đàn ông kia, trong đó họ bí mật ghi lại những gì hai người nói. Anh ta thừa nhận có quan hệ tình dục với cô Lesser.
Nhưng sau đó, công tố viên liên tục đặt câu hỏi cho cô về mối quan hệ của cô với người đàn ông đó, làm thế nào cô có thể ngủ khi bị cưỡng hiếp; đồng thời người đàn ông kia cũng nói với công tố rằng anh ta tin rằng cô đã đồng ý vì cô có di chuyển, sau đó anh ta đã dừng lại khi nhận ra cô đã ngủ say.
Một tháng sau, vụ án bị bác bỏ vì không đủ chứng cứ. Lesser bày tỏ, phần lớn thời gian theo vụ án, cô cảm thấy mình như một kẻ phiền phức. Có một lần gọi đến văn phòng điều tra để hỏi thêm thông tin, công tố viên đã hét lên anh ta có rất nhiều vụ án quan trọng hơn, bao gồm một vụ giết người có chủ đích, trước khi đột ngột kết thúc cuộc gọi.
"Tôi bị đối xử như một kẻ khó chịu, một kẻ phiền phức, dường như những gì đã xảy ra với tôi hoàn toàn không quan trọng".
Trong khi những tổn thương gây ra bởi tấn công tình dục đã đủ lớn về cả thể chất và tinh thần. Quy trình tố cáo hung thủ trước pháp luật cần nạn nhân phải đủ bình tĩnh để giữ nguyên tình trạng cơ thể, lưu giữ lại bằng chứng bị xâm hại, sau đó kể ra kỹ càng từng chi tiết bị xâm hại ra sao rất nhiều lần, trước mặt rất đông người khác.
Đối với những nạn nhân, ký ức bị xâm hại là một ký ức chỉ muốn quên đi. Họ dễ dàng không đủ mạnh mẽ để đứng lên đối chất với hung thủ, không đủ dũng cảm để cho rất nhiều người, từ thân quen đến xa lạ đều biết họ đã phải chịu tổn thương. Đó là chưa kể đến văn hóa đổ lỗi vẫn còn phổ biến trong đại chúng, "cô đã tự uống say, thì phải tính đến nguy cơ không an toàn phía sau".
Thế nên, bên cạnh việc tố cáo hung thủ bị pháp luật bác bỏ vì không đủ bằng chứng, rất nhiều trường hợp nạn nhân thậm chí không muốn bắt đầu con đường này, chỉ gạt nước mắt và im lặng sống tiếp.
Nguồn: TH&PL